MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên tắc bảo toàn thành quả khi thị trường xảy ra bán tháo

Đặc thù của thị trường chứng khoán là thị trường của đám đông, nhưng có một nghịch lý trên thị trường là đám đông thường không bao giờ chiến thắng…

Phần đông những người tham gia thị trường chứng khoán đều tìm cách tránh né những rủi ro và nỗi bất an bằng cách làm theo những gì người khác đang làm, với tâm lý là số đông luôn đúng. Điều này chính là nguyên nhân gây ra sự cuồng loạn của đám đông, khi rủi ro xảy ra sẽ kéo theo hàng loạt các tổn thất và biến thành thảm họa mang tên "bán tháo".

Việt Nam được đánh giá là môt trong những thị trường chứng khoán non trẻ nhưng thu hút nhất hiện nay. Tuy nhiên vấn đề của các nhà đầu tư Việt Nam (mà đa phần là các nhà đầu tư cá nhân) là việc mua khi giá cổ phiếu đạt đỉnh và ồ ạt bán khi cổ phiếu xuống giá toàn bộ. Thậm chí có những giai đoạn khi thị trường điều chỉnh trung hạn, hiện tượng bán tháo cổ phiếu diễn ra thường xuyên hơn. Đó là sự tích lũy đạt đến cao độ của sự bi quan, sợ hãi hoảng loạn trong quá trình thị trường giảm điểm.

Nguyên tắc bảo toàn thành quả khi thị trường xảy ra bán tháo - Ảnh 1.

VN-Index đang ở trong xu hướng giảm mạnh từ đỉnh

Điều đáng chú ý ở đây là việc bán tháo thường đi kèm với hiện tượng bị giải chấp (bán để đảm bảo tỉ lệ ký quỹ khi nhà đầu tư dùng margin). Đối với các tài khoản bị giải chấp, các chứng khoán hiện có trong tài khoản sẽ bị bán ra bằng mọi giá, nếu không bán được cổ phiếu này sẽ bán sang cổ phiếu khác nên ảnh hưởng của việc giải chấp có thể lan tỏa ra cả thị trường.

Trong thời kỳ này việc quản lý danh mục đầu tư sẽ đòi hỏi bản thân mỗi nhà đầu tư cần có sự mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Trong khuôn khổ bài viết tuần này, sẽ đi sâu vào các khuynh hướng tâm lý có thể ảnh hưởng tới kết quả đầu tư và cách thức "bảo toàn tối đa danh mục" vượt qua giai đoạn khi thị trường bị bán tháo:

1. Không nên tham gia bắt đáy khi chưa rõ xu hướng

Mặc dù tâm lý lúc đó của đa số nhà đầu tư là sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy  giá cổ phiếu mình nắm giữ giảm mạnh và tài sản của mình đang bị bốc hơi, nhưng khi thấy giá cổ phiếu giảm sâu, giảm sàn lòng tham cũng trỗi dậy không kém. Ý nghĩ về việc bắt đáy sẽ xuất hiện bởi bình thường các cổ phiếu giao dịch chỉ tăng giảm trong biên độ hẹp, một lý do nữa là khi đã có sẵn cổ phiếu có thể sẽ bán lại ngay nếu chênh giá. Điều này nhiều người nghĩ rằng đây là một cơ hội có hời. Nhưng hãy từ bỏ ngay suy nghĩ về việc bắt đáy.

Việc bắt đáy đối với những người đang nắm giữ cổ phiếu trong thị trường xấu là một hành động có thể khiến tình trạng tài khoản trở nên nghiêm trọng hơn. Bây giờ những người bắt đáy sẽ chịu áp lực lớn nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh. Việc mua thêm vào cổ phiếu yếu thường sẽ khiến tài khoản lỗ nặng hơn và đến một lúc nào đó có thể sẽ bị mất kiểm soát (do lỗ quá nhiều  hoặc rơi vào diện bị giải chấp).

Phần không nhỏ sẽ chuyển qua nắm giữ dài hạn. Vấn đề là khả năng chịu nhiệt của những người này. Nắm giữ dài hạn là liều thuốc giảm đau thường được dùng nhất nhưng lại hiếm khi được tuân thủ thực sự.

2. Thực hiện tái cơ cấu danh mục nhằm tối đa hóa lợi nhuận

Khi thị trường đỏ rực lửa, màu đỏ đó gần như đốt cháy tinh thần cũng của các nhà đầu tư. Họ bị những con số nhảy múa trên bảng điện tử điều khiển tâm trí họ. Khi thị trường đột ngột giảm điểm, các nhà đầu tư lo lắng cho khoản đầu tư của bản thân, họ bắt đầu suy nghĩ về việc thua lỗ, có hay không việc giảm giá xuống sâu hơn nữa, và những suy nghĩ đó dẫn dắt họ đến việc họ không suy nghĩ kĩ mà bán đi những cổ phiếu mạnh nhưng lại nắm giữ cổ phiếu yếu hay không muốn bán những cổ phiếu đang giảm mạnh đang làm lỗ cho tài khoản.

Nguyên nhân chủ yếu là do nỗi sợ mất tiền. Nỗi sợ này khiến cổ phiếu đang mạnh dễ dàng bị bán để "giữ lãi" trong khi những cổ phiếu lỗ sợ phải bán rẻ, sợ rằng bán xong thì đúng đáy hoặc cho rằng giá cổ phiếu đang "quá rẻ".

Các nhà đầu tư vào thời điểm đó đã bỏ qua những lập luận trước đây của bản thân, bỏ qua giá trị nội tại của cổ phiếu đó, bỏ qua cả sức cạnh tranh và sự phát triển trong tương lai. Có một thực tế là "Cổ phiếu mạnh nhất là những CP có sức chống đỡ, giảm điểm ít nhất khi thị trường điều chỉnh, cũng sẽ là CP có sức bật tăng mạnh nhất khi thị trường chung hồi phục".

Còn khi thị trường xanh trở lại, sự hồ hởi háo hức dẫn đường cho họ mua lại cổ phiếu, tâm lý đám đông đổ dồn vào việc thi xem ai mua được nhiều cổ phiếu hơn. Vậy là họ bán rẻ, mua đắt. Rồi thị trường lại xuống, cái vòng tròn quanh quẩn ấy khiến cho họ luôn luôn lo sợ khi thị trường giảm điểm. Và một lần nữa họ lại băn khoăn rằng có nên đầu tư chứng khoán khi thị trường tăng phi mã hoặc lúc giảm đột ngột hay không?

Việc cần làm đối với giai đoạn thị trường đang trong xu thế điều chỉnh là nhà đầu tư cần thật bình tĩnh suy xét. Nóng vội chỉ làm hiện thực tồi hơn. Hãy thực hiện tái cơ cấu lại tài khoản theo nguyên tắc "Nắm giữ cổ phiếu mạnh và sớm thoát khỏi cổ phiếu yếu trong xu hướng thị trường chung đang điều chỉnh".

3. Nếu chứng khoán là một cuộc chơi, hãy tự tạo lập định luật cho riêng mình

Thiên tài đầu tư chứng khoán Soros đã từng đúc kết "Nếu hôm nay, bạn không tự tạo định luật chơi cho mình. Ngày mai, sẽ có người bắt bạn chơi theo luật của họ".

Tự tạo định luật trong đầu tư, không có nghĩa là phải đạt được lợi nhuận bằng mọi giá trong những lúc thị trường đang xấu đi. Mà trong mọi trường hợp, hãy cố gắng hết sức để hiểu hơn về những giá trị nội tại của doanh nghiệp mà mình lựa chọn, tự rà soát lại nguyên tắc mua hoặc bán cổ phiếu của bản thân trước khi đưa ra quyết định…

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều các chiến lược mua - bán & trường phái đầu tư có thể mang lại kết quả cho nhà đầu tư. Mỗi một NĐT khác nhau lại có những chiến lược sao cho phù hợp với phong cách trading của bản thân.

Chính vì thế mỗi khi "quyết định" nhấn lệnh, nhà đầu tư cá nhân nên rà soát kĩ lưỡng lại các điều kiện cần và đủ tự đặt ra trong giới hạn phương pháp của mình. Khi mua vì nguyên tắc gì thì khi nguyên tắc vi phạm, hãy tuân theo kỉ luật bán vì điều đó. Có lẽ bạn chỉ có thể thắng khi bạn là người tạo ra cuộc chơi, còn nếu là tham gia vào cuộc chơi của người khác, khả năng thua luôn là rất cao.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên