MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà băng cần làm gì để đối phó với "cướp ngân hàng"?

08-12-2016 - 14:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo ngân hàng khuyến nghị cần bố trí, sắp xếp không gian riêng biệt phục vụ cho hoạt động kiểm đếm, cất trữ tiền mặt, tài sản, đảm bảo đầy đủ các thiết bị an toàn, không có người qua lại; ngoài ra phải bố trí lực lượng an ninh túc trực thường xuyên trong các trường hợp kiểm đếm với số lượng lớn.

Vừa qua đã xảy ra sự cố đáng tiếc về an ninh tại chi nhánh của ngân hàng BIDV. Cụ thể, Khoảng 17h ngày 6/12/2016, trong lúc cán bộ nhân viên ngân hàng tại Phòng giao dịch Thành Nội chi nhánh BIDV Thừa Thiên Huế, số 29 Mai Thúc Loan, TP.Huế, đang thực hiện các công việc cuối ngày giao dịch, bất ngờ xuất hiện 1 tên cướp có vũ trang, uy hiếp, khống chế cướp đi một khoản tiền mặt khoảng 700 triệu đồng và nhanh chóng tẩu thoát.

Đây không phải là vụ cướp tiền ở ngân hàng đầu tiên. Trước đó, còn nhớ hồi đầu năm 2011, tại một phòng giao dịch của ngân hàng M. cũng đã xảy ra một vụ cướp có vũ khí nhưng sau đó đối tượng nhanh chóng bị bắt.

Các vụ việc như trên đều là những sự cố đáng tiếc, gióng lên tiếng chuông cảnh giác đối với các ngân hàng trong việc làm thế nào để không xảy ra những vụ cướp tiền cũng như nếu xảy ra thì các nhân viên ngân hàng cần phải làm gì?

Theo chuyên gia trong ngành, do đặc thù của ngành nghề là liên quan đến tiền nên vấn đề an ninh đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, gần đây chúng ta cũng chứng kiến, các đối tượng xấu ngày càng manh động hơn, liều lĩnh hơn. Vì thế, mỗi ngân hàng, mỗi đơn vị kinh doanh đều tự trang bị cho mình những phương tiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của mình. Sự phối hợp của các cơ quan hữu quan cũng sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn đó; ví dụ, phối hợp với Cục Cảnh sát bảo vệ để thực hiện công tác bảo vệ các xe tiền và kho tiền trong chương trình kho quỹ tập trung của Ngân hàng.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng và các đơn vị kinh doanh đặc thù sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan công an ví dụ có thể kết nối hệ thống báo động tới cơ quan công an gần nhất để có thể phản ứng nhanh nhất có thể.

Bên cạnh việc đầu tư trang bị biện pháp an ninh như hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, hệ thống camera, hệ thống báo động... hoạt động 24/24h thì các ngân hàng cần chú trọng tới vấn đề đào tạo nghiệp vụ và các kỹ năng mềm cho nhân viên ngân hàng. Thực tế, một số nhà băng thường tổ chức các khóa đào tạo dành cho nhân viên của mình về cách ứng xử trong tình huống xảy ra cướp.

Đồng thời, nếu có khách hàng tại nơi diễn ra vụ cướp, có những điều các khách hàng tại ngân hàng chưa được biết và có thể dẫn tới những hành động sai lầm thì nhân viên ngân hàng cần phải có sự hướng dẫn cho khách hàng nhằm bảo vệ an toàn và quyền lợi cho họ.

"Trong mọi trường hợp, chúng ta đều phải ưu tiên tính mạng con người nên cần phải giữ bình tĩnh, hợp tác theo yêu cầu của tên cướp bởi lẽ mục đích của chúng là tiền. Đồng thời, cần quan sát kỹ tên cướp về trang phục, hình dáng, cử chỉ, dấu hiệu đặc biệt để cung cấp các thông tin hữu ích giúp cơ quan điều tra tìm ra đối tượng", vị này lưu ý.

Ngân hàng NCB cho biết, để phòng ngừa và nâng cao công tác an ninh, an toàn dịp cuối năm ngân hàng đã yêu cầu các đơn vị bảo vệ/ lực lượng an ninh tại đơn vị có phương án bảo vệ an toàn cho tài sản vật chất của ngân hàng, bao gồm các hoạt động kho quỹ, vận chuyển tiền; đảm bảo an ninh và chất lượng dịch vụ thẻ, phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực, trộm cắp, gây rối, phá hoại.

Trong đó chú trọng các vấn đề như thực hiện công tác giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá đảm bảo tuân thủ theo Quy định của ngân hàng; Vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ phải sử dụng xe chuyên dùng và các phương tiện kỹ thuật cần thiết cũng như đầy đủ các thành phần tham gia bao gồm người điều khiển phương tiện, áp tải, bảo vệ; Bố trí, sắp xếp không gian riêng biệt phục vụ cho hoạt động kiểm đếm, cất trữ tiền mặt, tài sản, đảm bảo đầy đủ các thiết bị an toàn, không có người qua lại; ngoài ra phải bố trí lực lượng an ninh túc trực thường xuyên trong các trường hợp kiểm đếm với số lượng lớn; Các đơn vị có làm việc thông trưa, yêu cầu phải phân công cán bộ trực đầy đủ, bao gồm tối thiểu các thành phần sau: giao dịch viên, kiểm soát viên, Bảo vệ/công an; Tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất công tác bảo vệ tại đơn vị…

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên