MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư “mòn mỏi” chờ Luật về PPP

Nhiều doanh nghiệp đang chờ sự ra đời của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật về PPP) để có hành lang pháp lý đầy đủ rồi mới đầu tư.

Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư hạ tầng giai đoạn 2016 -2020, dự báo khoảng 25 tỷ USD/năm, tăng gấp đôi so với mức đầu tư 5 năm trước đó. Nhu cầu lớn là vậy, nhưng trong 2 năm trở lại đây, không có một dự án BOT nào được thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đang chờ sự ra đời của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật về PPP) để có hành lang pháp lý đầy đủ rồi mới đầu tư.

Nhà đầu tư “mòn mỏi” chờ Luật về PPP - Ảnh 1.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đầu tư theo hình thức BOT khá thành công.

Nhà đầu tư đang “chê” chính sách

Nói về các dự án PPP ở thời điểm hiện tại, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, thực tiễn cho thấy, hoạt động đầu tư theo hình thức PPP chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường… Trong khi, các luật trên tiếp cận theo quan điểm điều chỉnh các hoạt động đầu tư công và đầu tư tư nhân là chủ yếu, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP.

Bằng thực tế kinh doanh, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Cty CP Tasco kể: Theo quy định pháp luật hiện hành, sau mỗi dự án PPP đều có khâu quyết toán. Tuy nhiên, vấn đề là có quá nhiều cơ quan kiểm tra, quyết toán các dự án PPP như kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, các đoàn thanh tra, kiếm tra... Nhiều khi cùng một dự án những mỗi đơn vị quyết toán lại đưa ra một kết quả khác nhau.

“Nhà nước nên chọn một cơ quan quyết toán, kiểm toán thôi và có thời điểm kết thúc chứ không thể để tình trạng như bây giờ, cứ để tình trạng quyết toán kiểm toán vô thời hạn, thích “lôi” ra lúc nào thì “lôi”, doanh nghiệp vô cùng mệt mỏi”, ông Dũng kể.

Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Tổng Giám đốc Cty Đèo Cả cho rằng, nói đến quan hệ đối tác công-tư là thể hiện tính bình đẳng của các bên tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ quan Nhà nước vẫn áp dụng quan hệ cấp trên-cấp dưới, đưa ra các mệnh lệnh hành chính can thiệp vào dự án, thậm chí thay đổi các điều khoản hợp đồng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Chờ Luật đến bao giờ?

Như đã nói trong hai năm trở lại đây, không một dự án BOT mới nào được khởi công. Trước tình trạng này nhiều chuyên gia cho rằng hành lang pháp lý phải ở tầm luật định thì các dự án PPP mới có thể khởi động trở lại.

Thực ra, trước đây, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các dự án PPP. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định 30 về thi hành Luật Đấu thầu liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi hai nghị định trên có hiệu lực đã có đến tám văn bản hướng dẫn, song số dự án thực hiện theo hai nghị định này không có. Các dự án chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Những dự án đang xây dựng hoặc vận hành hầu hết là dự án chuyển tiếp từ khung pháp lý cũ có từ năm 2009. Nói như ông Lưu Xuân Thuỷ thì “nhà đầu tư không “dám” đầu tư vào PPP bởi rủi ro về chính sách quá lớn. Dường như không có nhà đầu tư nào có thể đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định15/2015.

Tại cuộc hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 3/2018 với mục đích đề xuất xây dựng luật về PPP, đại diện Bộ Kế hoạch-Đầu tư khẳng định ngay trong quí 1 năm nay bộ này sẽ trình hồ sơ - đề cương xây dựng luật và sớm nhất đến năm 2020 sẽ trình dự thảo luật lên Chính phủ. Như vậy, nếu tính cả thời gian trình dự luật ra Quốc hội thì sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2021 Quốc hội mới có thể thông qua luật này.

Các nhà đầu tư thuộc EuroCham bày tỏ sự e ngại khi chưa rõ mốc thời gian nói trên. Trong kiến nghị gửi tới Chính phủ, EuroCham cho rằng: “Chúng tôi chưa rõ là thời gian ban hành luật về PPP trùng thế nào với thời gian ban hành dự thảo nghị định về PPP. Nếu vừa ban hành dự thảo nghị định PPP rồi sau đó lại làm dự luật sẽ rất rối. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ gần như không có tiến triển trong việc xúc tiến các dự án đầu tư theo nghị định. Bởi vì, dự thảo luật đang chờ phê duyệt có thể tạo nên sự hoài nghi cho các nhà đầu tư”.

Những quan ngại nêu trên hoàn toàn là có cơ sở bởi thời điểm hiện tại mới là tháng 5/2018. Điều này đồng nghĩa với việc phải mất ít nhất 3 năm nữa, Luật về PPP mới chính thức được ban hành. Quãng thời gian ba năm từ nay đến 2021 dường như quá dài, liệu thời điểm 3 năm này có tiếp tục là “điểm dừng” của các dự án PPP, trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng lại không thể chờ được?

Kỳ II: Luật về PPP sẽ có “diện mạo” như thế nào?


Theo Huyền Trang

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên