MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư nội muốn sở hữu “cô gái đẹp” Sabeco hay chỉ là bình phong cho đại gia ngoại?

06-10-2016 - 10:20 AM | Doanh nghiệp

Theo mức giá đang giao dịch trên OTC, khoảng 115.000 đồng/cổ phiếu thì vốn hóa Sabeco đạt gần 74.000 tỷ đồng và quy mô thoái vốn nhà nước lên tới 66.000 tỷ đồng, tương đương gần 3 tỷ USD.

Buộc Sabeco lên sàn trong năm 2016

Đầu năm 2008, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco đã chào bán 128,257 triệu cổ phiếu ra công chúng, nhưng chỉ có hơn 78,362 triệu cổ phiếu được chào bán thành công với mức giá xấp xỉ 70.000 đồng/cổ phiếu do lượng đăng ký đặt mua thấp. Với kết quả này, hiện tại, Bộ Công thương vẫn đang là cổ đông lớn nhất, nắm 89,59% vốn điều lệ của Sacbeco.

Sau 8 năm cổ phần hoá, việc nhà nước nắm giữ tới 89,59% vốn điều lệ tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia rượu đã gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt thời gian gần đây khi Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) liên tục gửi công văn đến Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ… chỉ ra hàng loạt nguyên nhân kìm hãm quá trình thoái vốn nhà nước và đề xuất các giải pháp.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 4/10, người phát ngôn Chính phủ, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng đã cho biết, việc yêu cầu Sabeco và Habeco lên sàn là nhằm cơ sở tham chiếu để các cơ quan nghiên cứu và tư vấn thêm, việc bán cổ phần nhằm mang lại mục tiêu lợi ích cao nhất cho nhà nước nên không chỉ định bán và không bán giới hạn.

Đặc biệt, ông Dũng cũng nhấn mạnh Sabeco chậm trễ lên sàn lỗi của doanh nghiệp vì mặc dù cổ phần hoá lâu nhưng không chịu niêm yết . Theo đó dẫn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, giao 2 doanh nghiệp Sabeco và Habeco niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016 nếu chậm cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm.

Thông tin trên một hãng thông tấn nước ngoài, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc Sabeco đã cho biết, Sabeco có thể niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới đây, tức là còn chưa đầy 2 tháng.

Cũng theo ông Xanh, các kế hoạch thoái vốn cũng được Chính phủ xem xét và chưa chốt phương án cụ thể.

Cổ đông nội làm “bình phong”?

Thống kê tin mua – bán cổ phiếu Sabeco trên sàn giao dịch phi tập trung (OTC) cho thấy, lượng chào mua cổ phiếu Sabeco tăng đột biến và mức giá chào mua cũng tăng mạnh đặc biệt kể từ ngày 20/9, thời điểm Bộ Công Thương có văn bản chính thức cho phép Sabeco niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Cụ thể, trước thời điểm 20/9, mức giá chào mua dao động trong khoảng 80.000-90.000 đồng/cổ phiếu, sau 20/9, mức giá chào mua luôn trên 100.000 đồng/cổ phiếu thậm chí lên mức 120.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu cổ phiếu Sabeco duy trì mức 115.000 đồng/cổ phiếu vốn hoá của Sabeco ước đạt gần 74.000 tỷ đồng và quy mô thoái vốn nhà nước lên tới 66.000 tỷ đồng, tương đương gần 3 tỷ USD.

Theo phân tích của một lãnh đạo Sabeco, cổ đông nào muốn sở hữu Sabeco chắc chắn phải có tài chính cực lớn nếu không muốn nói là “khủng khiếp” mới có thể chịu nổi tuy nhiên, vị này cũng không ngoại trừ việc các nhóm nhà đầu tư có thể “góp gạo thổi cơm chung” để mua mặc dù vẫn nhấn mạnh lại, số lượng tiền lớn như vậy không phải ai cũng có thể đầu tư.

Vị này cũng lưu ý, thực chất các nhà đầu tư nội có muốn mua Sabeco thật hay không, hay chỉ là “bình phong” đứng tên hộ các Tập đoàn nước ngoài hay đơn giản là đầu tư kiểu lướt sóng sau đó bán lại cho nước ngoài như cách Heineken đã thâu tóm được 5% cổ phần Sabeco trước đây.

“Nhà đầu tư nội khó có cửa tham gia mua Sabeco có chăng chỉ là đầu tư nhỏ lẻ kiểu đợi giá lên thì bán hoặc hi vọng sau này bán lại cho đối tác nước ngoài. Có điểm cần lưu ý các hãng bia nước ngoài có xu hướng muốn đối tác đứng tên hộ vì họ không muốn lộ mặt”, vị này nói.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán Sabeco năm 2015 cho thấy, trong năm qua, Sabeco đạt 3.410 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2016, Sabeco tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ nửa đầu năm đạt 2.319 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên