MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư tham gia chứng khoán phái sinh liệu có gặp rủi ro lớn về tính thanh khoản, đòn bẩy cao?

Khác với thị trường cơ sở ở chỗ chúng ta trading với nhiều loại cổ phiếu, có thể dễ gặp những cổ phiếu giảm mạnh, “call margin” thì ở hợp đồng tương lai chỉ số Vn30, với 30 cổ phiếu lớn trên thị trường thì khó có thể giảm mạnh cùng lúc, mức độ biến động chung của VN30 thường thấp hơn biến động của từng cổ phiếu riêng lẻ.

Trong tháng 8 tới đây, dự kiến TTCK Phái sinh sẽ chính thức được triển khai tại Việt Nam với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu Vn30 và vấn đề này đã thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.

Tại buổi tọa đàm “VnIndex cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” do Bizlive tổ chức, ông Lê Đức Khánh – Giám đốc chiến lược thị trường khối khách hàng cá nhân CTCK HSC cho biết hiện có nhiều thông tin hỗ trợ từ nền kinh tế, và thị trường phái sinh cũng sẽ hỗ trợ TTCK.

Ông Khánh đánh giá việc triển khai TTCK phái sinh sẽ mang đến những phản ứng tích cực, thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư và ngay cả những nhà đầu tư truyền thống cũng sẽ sẵn sàng tham gia. Ông Khánh cho biết sản phẩm phái sinh sẽ là cú huých ban đầu để giúp TTCK Việt Nam có các bước tiến lớn hơn như nâng hạng thị trường.

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc chiến lược thị trường khối khách hàng cá nhân CTCK HSC

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc chiến lược thị trường khối khách hàng cá nhân CTCK HSC

Ông Lê Việt Hà – Giám đốc công ty quản lý quỹ ABF cho rằng sự ra đời của TTCK phái sinh là bước đi lớn của Việt Nam, giúp đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng tác động của TTCK phái sinh tới TTCK cơ sở trong 6 tháng cuối năm là không nhiều vì thị trường phái sinh mới ở mức sơ khai, đi vào thử nghiệm.

Cũng theo ông Hà, đối với những nhà đầu tư ưa thích rủi ro thì TTCK phái sinh là kênh đầu tư hấp dẫn, còn với những người thích an toàn thì lại cung cấp công cụ quản lý rủi ro. Có thể nói, TTCK phái sinh sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều sản phẩm mới, thu hút nhà đầu tư tham gia.

TTCK phái sinh liệu có rủi ro?

Đánh giá về rủi ro khi tham gia giao dịch trên TTCK phái sinh như vấn đề khi thị trường có biến cố, liệu có xảy ra hiện tượng mất thanh khoản hay không? Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – giám đốc tư vấn khối khách hàng cá nhân SSI cho rằng rủi ro khi tham gia TTCK phái sinh là thấp bởi hiện tại, TTCK phái sinh tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn của chỉ số như Vn30. Đa phần nhà đầu tư sẽ tập trung vào Vn30 kỳ hạn gần nhất vì như vậy sẽ dễ dự báo hơn. Bên cạnh đó, trong khi TTCK cơ sở có khoảng 1.000 mã chứng khoán (bao gồm Upcom) khiến việc phân tích, dự báo gặp nhiều khó khăn thì việc tập trung vào một chỉ số duy nhất như hợp đồng tương lai Vn30 lại là ưu điểm.

Đối với rủi ro tỷ lệ đòn bẩy cao, khiến nhà đầu tư dễ dàng gặp rủi ro trên TTCK phái sinh, ông Linh đồng ý quan điểm này. Tuy vậy, ông Linh cũng nhấn mạnh rằng nếu ở thị trường cơ sở ở chỗ chúng ta trading với nhiều loại cổ phiếu, có thể dễ gặp những cổ phiếu giảm mạnh, “call margin” thì ở hợp đồng tương lai chỉ số Vn30, với 30 cổ phiếu lớn trên thị trường thì khó có thể giảm mạnh cùng lúc, mức độ biến động chung của VN30 thường thấp hơn biến động của từng cổ phiếu riêng lẻ. Chỉ số Vn30 xấu lắm cũng thường chỉ giảm 2-3% nên rủi ro mất vốn không nhiều. Bên cạnh đó, TTCK phái sinh còn có ưu điểm là trading T+0 giúp nhà đầu tư đóng trạng thái ngay lập tức, trong khi trên thị trường cơ sở là T+3.

Về vấn đề nhiều nhà đầu tư lo lắng khi thị trường phái sinh mở cửa sẽ khiến dòng vốn trên thị trường cơ sở bị ảnh hưởng nặng nề, ông Linh cho rằng điều này là có, nhưng không trọng yếu và không ảnh hưởng nhiều bởi đối tượng đầu tư trên TTCK cơ sở và TTCK phái sinh hoàn toàn khác nhau. Ở thị trường cơ sở, chúng ta đơn thuần là tập trung phân tích doanh nghiệp thì ở TTCK phái sinh, chúng ta hướng đến việc dự báo tương lai chỉ số. Ở thị trường phái sinh, đa số người tham gia là những người đầu cơ, thường xuyên bám sát bảng điện tử và chỉ chiếm một lượng nhỏ so với TTCK cơ sở.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên