MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư tư nhân nói gì về việc "chỉ định thầu" sân bay Long Thành?

12-11-2019 - 14:59 PM | Bất động sản

Nhà đầu tư tư nhân trao đổi về việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, khai thác sân bay Long Thành.

Hôm nay 12-11, Quốc hội thảo luận báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 ( sân bay Long Thành ). Theo báo cáo Chính phủ đã trình Quốc hội, một trong những nội dung quan trọng cần phải được Quốc hội thông qua là Chính phủ kiến nghị giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, khai thác sân bay Long Thành.

Nhà đầu tư tư nhân nói gì về việc chỉ định thầu sân bay Long Thành? - Ảnh 1.

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành

Trao đổi về việc Chính phủ đề xuất giao ACV đầu tư các hạng mục chính sân bay Long Thành, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nhà đầu tư nhà ga sân bay Cam Ranh theo chủ trương xã hội hóa ngành hàng không của Chính phủ, cho rằng vì lợi ích an ninh - quốc phòng, Nhà nước cần nắm vai trò chủ đạo tại sân bay Long Thành. Một cảng hàng không ở quy mô lớn, ngoài việc có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành hàng không, còn có ảnh hưởng gián tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả quốc gia.

Sân bay Long Thành còn là một cảng hàng không chiến lược có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống an ninh - quốc phòng của nước ta. Theo quy hoạch, sẽ có 1.050 ha là đất quốc phòng căn cứ dự bị chiến lược của lực lượng phòng không - không quân trong công tác bảo vệ đất liền, vùng trời và biển đảo phía Nam của Tổ quốc.

Thời gian đầu tư cả 3 giai đoạn của sân bay Long Thành lên tới 20-30 năm. Chỉ khi chọn được một đơn vị có tầm nhìn chiến lược và gắn lợi ích lâu dài của doanh nghiệp với sự phát triển cảng hàng không và của đất nước mới có thể đảm bảo tất cả giai đoạn đầu tư tiếp theo được thực hiện đồng bộ, tập trung, tránh các xung đột lợi ích.

Do đó, mặc dù là đã tổ chức xây dựng và vận hành thành công trong việc đầu tư Nhà ga quốc tế Cam Ranh, nếu xem xét trên các yếu tố tổng thể về an ninh - quốc phòng và lợi ích của Nhà nước, ông Hạnh Nguyễn nhận định Nhà nước vẫn cần nắm giữ vai trò chủ đạo tại sân bay Long Thành. "ACV là đơn vị có hơn 95% vốn Nhà nước nếu được giao làm chủ đầu tư dự án, Chính phủ vẫn có thể quản lý, điều hành và đưa ra những chiến lược, quyết sách ưu tiên cho các lợi ích về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, chứ không đơn thuần là hoạt động kinh doanh thương mại thuần túy" - ông đánh giá.

Một nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng không cho biết nếu nhà đầu tư tư nhân được đầu tư vào ACV thì "quá lãi" khi với đầu tư mấy trăm ngàn tỉ, ước tính sau 12 năm 10 tháng là có thể bắt đầu lấy lại vốn. Tuy nhiên, vì liên quan đến vấn đề an ninh - quốc phòng, an ninh - an toàn hàng không, lợi ích của Nhà nước nên riêng với sân bay quan trọng như Long Thành, ACV nên nắm vai trò là nhà đầu tư, khai thác chính.

Theo khuyến cáo của các Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và kinh nghiệm thực tiễn, một cảng hàng không có tầm vóc quan trọng của quốc gia cần được đầu tư và vận hành khai thác theo cơ chế "Một cảng hàng không - Một nhà khai thác". Một số sân bay ở các nước có quy mô tương tự Long Thành đa phần vẫn do Chính phủ hoặc Tổng công ty nhà nước đầu tư và vận hành, như các sân bay: Changi; Incheon, Charles de Gaulle, Frankfurt , Suvarnabhumi…

Theo nhà đầu tư này, ông quan tâm đến việc còn nhiều hạng mục khác tại sân bay Long Thành như cung ứng xăng dầu, hệ thống tra nạp nhiên liệu, trung tâm sản xuất thức ăn, nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng hóa số 1, khu bảo dưỡng thiết bị… và nhiều dịch vụ khác... Chính phủ đã đề xuất sẽ giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư... Khi đó, với nhiều phương thức đầu tư, quyền quyết định được giao cho ACV. Và ACV sẽ phải chọn lựa giữa các nhà đầu tư để giao cho đơn vị phù hợp.

Ông cũng cho biết khi đó, lĩnh vực nào cần thì ông sẽ căn cứ trên năng lực của doanh nghiệp mình để nộp đơn xin đấu thầu cùng những nhà đầu tư khác, cạnh tranh theo thế mạnh của mình.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 111.689 tỉ đồng, tương đương 4,779 tỉ USD. Trong đó, tổng số vốn ACV cần huy động 4,194 tỉ USD, tương đương khoảng 98.014 tỉ đồng. Dự kiến ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỉ đồng, tương đương 1,566 tỉ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư. Số vốn còn lại ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỉ USD. Đến nay, ACV đã làm việc với 12 tổ chức tài chính trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỉ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5 - 5,5%/năm.

Theo Dương Ngọc

Người lao động

Trở lên trên