MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy nước Sông Đà: 21 lần vỡ đường ống nước, gặp sự cố ô nhiễm dầu đầu nguồn nhưng vẫn lãi vài trăm tỷ đồng nhiều năm liền

14-10-2019 - 15:58 PM | Doanh nghiệp

Công suất có hạn trong khi nhu cầu đăng ký sử dụng nước của khách hàng rất lớn, khả năng cung cấp của Viwasupco bị hạn chế do nhà máy đã khai thác hết công suất của tuyến ống truyền tải nước sạch.

Sự cố ô nhiễm từ đầu nguồn

Nhiều người dân ở các khu vực quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức… những ngày gần đây xôn xao về nước sinh hoạt bốc mùi hóa chất nồng nặc bất thường, "có mùi clo rất nặng, như ở bể bơi". Nhiều người không dám dùng nước máy và báo cơ quan chức năng.

Theo thông tin từ báo chí, một số người dân tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết từ 21h ngày 8/10 quanh khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà xuất hiện dầu nhớt đã qua sử dụng, có mùi khét rất khó chịu. Số dầu này dính vào quần áo giặt không sạch, chỉ có thể đem đốt. Do trời mưa lớn, lượng dầu thải này tràn xuống nước của dòng suối đầu nguồn, chảy vào hồ Đồng Bài gây ô nhiễm nước. Trong khi đó, nhà máy nước sạch Sông Đà lấy nước trực tiếp từ hồ Đàm Bài.

Người dân xung quanh đã được công ty thuê để vớt dầu.

Nhà máy nước Sông Đà: 21 lần vỡ đường ống nước, gặp sự cố ô nhiễm dầu đầu nguồn nhưng vẫn lãi vài trăm tỷ đồng nhiều năm liền - Ảnh 1.

Người dân được thuê vớt váng dầu

Thông tin này đã được xác nhận tại họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường hôm nay (14/10). Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, dầu loang đã được thu gom cơ bản tại khu vực đầu nguồn nước sạch sông Đà. Đến nay, Sở TN-MT Hòa Bình đã triển khai lấy mẫu nước xét nghiệm.

Nhà máy nước Sông Đà làm ăn ra sao?

CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tiền thân là công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex. Năm 2017, Vinaconex thoái toàn bộ vốn tại Viwasupco. Sau một số giao dịch, Viwasupco có 2 cổ đông chính là Gelex Energy (hơn 60% cổ phần) và REE (36%).

Là công ty cung cấp nước sạch cho một số quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của TP.Hà Nội từ vùng thương lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình, doanh thu và lợi nhuận của Viwasupco tăng trưởng đều trong các năm qua. Biên lợi nhuận gộp của công ty đều đạt trên 50% trong 4 năm trở lại đây (tức là thu về 2 đồng lãi 1 đồng). Năm 2018, công ty đạt doanh thu thuần gần 470 tỷ đồng, lãi sau thuế 219 tỷ.

Nhà máy nước Sông Đà: 21 lần vỡ đường ống nước, gặp sự cố ô nhiễm dầu đầu nguồn nhưng vẫn lãi vài trăm tỷ đồng nhiều năm liền - Ảnh 2.

Tổng sản lượng tiêu thụ nước sạch năm 2018 đạt 91 triệu mét khối, tăng 13,3% so với năm 2017.

Năm 2019, công ty chỉ đặt kế hoạch lãi 79 tỷ đồng (bằng 1/3 so với năm 2018) mặc dù doanh thu vẫn giữ nguyên thậm chí tăng nhẹ sản lượng khai thác (92 triệu m3).

Giai đoạn 2012-2016, Viwasupco lao đao khi đường ống nước sông Đà vỡ 21 lần, ảnh hưởng cuộc sống của 177.000 hộ dân khiến ban lãnh đạo của công ty này và một số lãnh đạo trực thuộc các công ty của Vinaconex bị truy tố. Ông Hoàng Thế Trung, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, cựu chủ tịch Viwasupco bị tuyên án 24 tháng tù.

Hiện nay 90% lượng nước của Viwasupco được bán cho 3 khách hàng chính là Viwaco (một công ty con của Vinaconex làm nhiệm vụ phân phối), Hawaco và nước sạch Hà Đông.

Công ty nhận định đang sử dụng vật liệu là ống cốt sợi thủy tinh lại chạy dọc giữa giải phân cách của Đại lộ Thăng Long, qua nhiều khu vực có nền địa chất yếu, không ổn định với mật độ ô tô chở vật liệu xây dựng lưu thông ngày càng cao nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra rò rỉ và vỡ ống trong khi công ty chỉ có một đường ống độc đạo.

Công suất có hạn trong khi nhu cầu đăng ký sử dụng nước của khách hàng rất lớn, khả năng cung cấp của Viwasupco bị hạn chế do nhà máy đã khai thác hết công suất của tuyến ống truyền tải nước sạch. Do đó, Viwasupco đầu tư dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn 2 định hướng đến năm 2020 với công suất 600.000/ngđ. Công ty đầu tư tuyến ống truyền tải nước sạch dài 6,4km từ trạm điều tiết Tây Mỗ về đường vành đai 3 Hà Nội (Sơn Tây- Hòa Lạc- Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông) nhằm cấp nước cho Thủ đô.

Do lãi lớn, Viwasupco trả thù cao cho Chủ tịch HĐQT 80 triệu đồng/tháng (chưa kể lương), thù lao thành viên HĐQT chuyên trách là 60 triệu đồng/tháng và thành viên HĐQT thường là 30 triệu đồng/tháng.


Tâm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên