MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy xây sai phép, ‘hành’ dân

26-05-2016 - 12:40 PM | Bất động sản

Được cho phép xây nhà kho nhưng doanh nghiệp lại xây luôn nhà máy xay xát, sấy lúa tại huyện Thủ Thừa, Long An.

Các hộ dân tại khu dân cư Cầu Bông, xã Nhị Thành phản ánh kể từ khi nhà máy xay xát, sấy lúa của DNTN Nguyễn Ngọc Long (xã Nhị Thành, Thủ Thừa) mọc lên, đời sống họ bị xáo trộn.

Khổ vì bụi và tiếng ồn

Ông Lê Hoàng Phúc, sống ở gần nhà máy, cho biết khu vực nhà máy trước đây là đất trống. Khoảng hai năm nay, kể từ khi nhà máy mọc lên, nước không có chỗ thoát, ứ đọng, người dân phải vất vả làm lại hệ thống thoát nước. “Do mái tôn nhà máy quá cao và nằm sát vách nhà nên mỗi khi mưa lớn nước mưa từ nóc nhà máy đổ thẳng xuống mái nhà tôi. Trận mưa ngày 18-5, lượng nước quá lớn thoát theo máng xối không kịp, chảy tràn vào khiến nhà tôi bị ngập sâu đến 20-30 cm” - ông Phúc bức xúc.

Theo ghi nhận của PV, trưa 19-5, một số mảng la phông nhà ông Phúc đã bị bung ra, rơi xuống nền gạch, nền nhà thì vẫn còn đọng nước mưa.

Cũng theo ông Phúc, do nước đổ vào quá nhanh nên tủ lạnh, tivi và hàng chục ký thuốc Nam để trong nhà đều bị tạt, ngập ướt. Sợ bị rò rỉ điện nguy hiểm, gia đình ông Phúc phải sang nhà hàng xóm đối diện xin ở tạm. Ông Phúc đã báo vụ việc với UBND xã Nhị Thành, xã cũng đã cử cán bộ xuống lập biên bản ghi nhận hiện trạng vụ việc.

Gần nhà ông Phúc, bà Nguyễn Thị Nhẫn (hơn 70 tuổi) nói: “Nhà máy được xây giữa khu dân cư, tôi già rồi mà tối ngủ cứ bị tiếng ồn hành hạ. Bàn ghế, nhà cửa lau được chút xíu lại bị bám đầy bụi. Dân trong khu vực thường xuyên bị ngứa ngáy da. Chúng tôi gửi rất nhiều đơn lên xã, huyện, kể cả tỉnh xin di dời nhà máy mà chưa thấy động tĩnh gì”.

Đã bốn lần bị phạt

Theo ghi nhận của PV, nhà máy nói trên có khoảng 15-16 lò sấy. Cổng chính của nhà máy giáp với đường lộ, mặt sau giáp với nhà dân. Ông Nguyễn Văn Dứt, Chủ tịch UBND xã Nhị Thành, thông tin xã chỉ biết trước đây ông Nguyễn Ngọc Long xin mở kho chứa hàng nông sản. Việc chuyển đổi sang nhà máy xay xát và sấy lúa như hiện nay có được cấp phép chưa thì xã không nắm.

“Hai năm nay, có ít nhất chín hộ dân sống gần nhà máy liên tục khiếu nại vì tiếng ồn, bụi bặm và nước thải không thoát được. Sau đó, nhà máy cũng đã xây tường cao bên trong để hạn chế tiếng ồn, đầu tư lại hệ thống hút bụi. Tuy nhiên, nếu người dân tiếp tục có phản ánh, chúng tôi sẽ ghi nhận phản ánh rồi báo cáo lên trên chờ giải quyết. Chúng tôi cũng mong cấp trên giải quyết dứt điểm” - ông Dứt nói.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thủ Thừa, nhà máy nói trên có tổng diện tích hơn 5.000 m2 . Năm 2015, nhà máy đã từng bị xử phạt hành chính bốn lần, tổng cộng gần 50 triệu đồng. Trong đó, hai lần bị xử phạt vì vi phạm xây dựng sai mật độ quy định, một lần vì xây dựng lấn chiếm lề lộ giới và một lần do không đảm bảo về môi trường. “Doanh nghiệp này trước đây đăng ký làm nhà kho chứa hàng nông sản nhưng sau đó tự ý chuyển đổi sang làm nhà máy xay xát và sấy lúa khi chưa được cơ quan chức năng đồng ý” - ông Đặng Đình Đáng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thủ Thừa, thông tin.

Khi PV hỏi vì sao một nhà máy xay xát to như thế mọc lên trong suốt một thời gian dài ngay giữa khu dân cư mà huyện chưa xem xét xử lý, ông Phan Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa, chỉ trả lời: “Huyện sẽ chỉ đạo xã phối hợp với ngành chức năng kiểm tra lại nhà máy này, phần nào sai phép, chưa đảm bảo để dân phản ánh thì buộc doanh nghiệp khắc phục lại”. PV hỏi tiếp vì sao không buộc tháo dỡ các phần xây dựng sai phép thì ông Tới không trả lời.

Chúng tôi cũng đã liên hệ qua điện thoại nhiều lần với ông Long, chủ nhà máy nhưng ông Long không bắt máy.

Theo Hoàng Nam

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên