MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà sản xuất drone đầu tiên tại Việt Nam: Cậu bé nghèo từng nhặt rác bên kênh Nhiêu Lộc, chỉ học Trung cấp vì trượt Đại học, giành học bổng đi Mỹ và trở thành tiến sĩ

18-04-2019 - 17:17 PM | Doanh nghiệp

Tinh thần lạc quan, sự cần cù học hỏi cộng thêm một chút may mắn đã đưa Lương Việt Quốc thoát ra khỏi số phận của cậu bé nhặt rác trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ngày nào.

Sinh ra ở Sài Gòn nhưng Lương Việt Quốc không có được may mắn như nhiều đứa trẻ khác. Tuổi thơ của anh gắn với dòng kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, với những ngày nhặt rác thải đến 1-2 giờ sáng, bàn chân tơi tả vì bị cào rách.

"Cuộc sống khổ tới mức độ đói là một nỗi ám ảnh triền miên, khổ tới mức độ mà tôi còn nhớ giấc mơ lớn nhất là sau này đi làm, kiếm được việc sẽ được người chủ cho mình ăn no, ăn bao nhiêu tùy thích", anh Quốc chia sẻ trong một buổi gặp gỡ với học sinh trường THCS &THPT Đinh Tiên Hoàng vào năm ngoái.

13 tuổi, ban ngày Quốc ra chợ Cầu Muối bán chanh, ớt lẻ, 15 tuổi kiêm thêm nghề vớt trùn chỉ bán... Số phận của Quốc cũng giống như bao đứa trẻ khác trong xóm Gò Mả nghèo khó, chỉ khác anh là người duy nhất không nghỉ học giữa chừng trong khi các bạn đồng lứa đều đã bỏ ngang.

Sau này chính Lương Việt Quốc tiết lộ, động lực duy nhất khiến anh không bỏ học xuất phát từ bà nội, chứ chẳng phải giấc mơ xa xôi nào. Bà luôn dặn đi dặn lại anh rằng chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời. Vì thương bà, Quốc có gắng theo đuổi sự nghiệp học hành dù thời gian, năng lượng đã dồn hết cho sự nghiêp mưu sinh.

"Đi học về rời cuốn vở là lăn lộn kiếm sống, rồi tối ngủ luôn để sáng đi học tiếp, không có thời gian học bài. Tôi không hiểu làm thế nào mình vẫn cứ lên lớp chứ không phải ở lại lớp", Quốc thật thà trần tình.

Hết năm lớp 12, anh trượt đại học nên chỉ học trung cấp tại Trường trung học Tài chính TP.HCM. Với nhiều người trượt đại học là cú sốc nhưng Lương Việt Quốc tâm niệm khó khăn này chỉ là hòn xỏi: Nếu để gần mắt bạn sẽ chỉ thấy hòn sỏi thôi nhưng khi đưa ra xa hay ném xuống đất cũng chỉ như bao nhiêu hòn sỏi khác trên đường.

Từ hệ trung cấp, Quốc học lên đại học tại chức, rồi học thêm cả tiếng Anh. Năm 1994, anh đạt 610 điểm, xếp thứ 6 trong số 150 thí sinh dự kỳ thi Toefl do Ủy ban Trao đổi hợp tác khoa học kỹ thuật VN - Hoa Kỳ tổ chức.

Với vốn tiếng Anh có sẵn, khi chương trình học bổng Fulbright (Mỹ) bỏ điều kiện phải tốt nghiệp đại học chính quy, Lương Việt Quốc đã "lách qua khe cửa hẹp" duy nhất để có cơ hội bật lên. Năm 2002 ở Việt Nam có gần 600 người đã nộp đơn xin học bổng Fullbright thì Quốc là 1 trong 26 cá nhân được chọn. Hành trang của anh là điểm TOEFL 660/677, một tấm bằng trung cấp tài chính, một bằng đại học kế toán, một bằng đại học Anh văn, nhưng đều là hệ tại chức.

"Lúc đó tôi mới thấy xuất phát điểm từ trường nào không quan trọng, mà quan trọng là niềm đam mê và sự tích lũy kiến thức qua năm tháng để dần mình đi xa đến đâu".

Nhà sản xuất drone đầu tiên tại Việt Nam: Cậu bé nghèo từng nhặt rác bên kênh Nhiêu Lộc, chỉ học Trung cấp vì trượt Đại học, giành học bổng đi Mỹ và trở thành tiến sĩ - Ảnh 1.

Người đầu tiên sản xuất máy bay không người lái tại Việt Nam

Sau khi tốt nghiệp ngành thạc sĩ kinh tế học của trường đại học Cornell với luận án xuất sắc, Lương Việt Quốc đã được 8 trường đại học hàng đầu về đào tạo kinh tế nông nghiệp của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ, gồm Cornell, Berkeley, US Davis, Maryland... Thậm chí, Maryland đã hai lần gửi thư để nâng mức học bổng từ 30.040 USD/năm lên 37.168 USD/năm nhằm "cạnh tranh" khi biết anh đang được "săn". Cuối cùng anh chọn đại học Berkeley và hoàn tất chương trình học tiến sĩ kinh tế tại đây vào năm 2011.

Trong bối cảnh máy bay không người lái (drone) trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, vận chuyển hàng khẩn cấp, báo chí, phim ảnh…Lương Việt Quốc đã tự thành lập startup tại San Francisco. Năm 2017, anh mở thêm công ty ở Việt Nam, trở thành người Việt đầu tiên được cấp giấy phép sản xuất máy bay không người lái.

"Thật ra tôi lập nghiệp ở cả Mỹ và Việt Nam vì điều này giúp tôi tận dụng được lợi thế của 2 nơi: Ở Mỹ là khả năng tiếp cận, cập nhật công nghệ mới còn ở Việt Nam là khả năng huy động nguồn tài năng trong nước, giúp giải quyết bài toán về nhân sự khoa học kỹ thuật với chi phí thấp hơn hẳn thuê kỹ sư bên Mỹ".

Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 13,5 triệu USD, thuê hơn 9.000m2 đất trong khu công nghệ cao của TP. HCM, sau 1 năm, tiến sĩ Lương Việt Quốc đã có cơ sở sản xuất máy bay không người lái hiện đại, phát triển đồng bộ cả phần cứng và phần mềm.

Tiết lộ tại "Đại hội robot" ở khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức vào tháng 11 năm ngoái, CEO Lương Việt Quốc cho biết, vài tháng nữa, sản phẩm flycam cỡ lớn của Real Times Robotics sẽ được sản xuất hàng loạt, không chỉ bán trong nước mà đáp ứng mục tiêu chính là xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo ước tính của một công ty kiểm toán thế giới, dịch vụ drone toàn cầu ước tính đạt khoảng 127 tỷ USD vào năm 2020, trong đó lớn nhất là lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, vận tải, an ninh, truyền thông, bảo hiểm, viễn thông, khai thác mỏ,…Ở các quốc gia như Mỹ hay Trung Quốc, số lượng công ty tham gia vào lĩnh vực máy bay không người lái đã lên tới hàng trăm, hàng nghìn trong khi Việt Nam mới đếm trên đầu ngón tay.

CEO Lương Việt Quốc dự đoán cũng giống như Internet trước đây, ban đầu Việt Nam có thể ngần ngại nhưng sau đó sẽ dùng máy bay không người lái phổ biến hơn. Vấn đề là làm sao bảo đảm an toàn hàng không trong khi vẫn khuyến khích máy bay không người lái phát triển, đồng thời có hoạt động đào tạo, huấn luyện nhân sự phù hợp.

Theo Nhật Anh (tổng hợp)

Trí thức trẻ

Trở lên trên