MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt: Cất bằng tiến sĩ toán học vào tủ vì gia đình đói, 4 lần chuyển nghề trước khi xây công ty bán được 32 triệu USD

"Tôi không nghĩ mình là tiến sĩ toán học nữa mà phải làm cái gì đó thiết thực. Tôi không thuộc nhóm những người thành đạt trong toán học", ông Mai Huy Tân, nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt nói tại chương trình Cafe quản trị tháng 10 do Hội các nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.

Ông Mai Huy Tân xuất thân là dân toán học. "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành doanh nhân, đặc biệt trong chế biến thịt", ông nói. Tuy nhiên, ông lại trở thành triệu phú nhờ xúc xích và nổi tiếng với thương vụ M&A lên đến hơn 32 triệu USD.

TS. Toán học và 4 nghề nghiệp kinh doanh trong 30 năm làm nhà nước

Khi hoàn thành chương trình tiến sĩ toán ở Đức, ông Tân trở về Việt Nam làm việc ở Bộ Năng Lượng. "Hai năm làm ở Bộ tôi không thực sự đụng đến toán. Việc chính là biên tập, biên dịch tài liệu", ông nói.

Những năm 1988 cũng là thời điểm khắc nghiệt khi đất nước đang ở đầu giai đoạn Đổi mới. Ông Tân cho biết cơ quan ông đã nhận thêm một số cán bộ nhưng quỹ lương thì không được giao về. Cán bộ thuộc biên chế nhưng phải tự kiếm lương cho bản thân. "25/50 người phải tự tìm lương cho mình. Tôi xung phong đầu tiên", ông nói.

Ban đầu, ông Tân tự đề xuất đề tài nghiên cứu và được duyệt. Hàng tháng nhận lương từ dự án này, một năm sau, ông bảo vệ đề tài và được xếp loại tốt, tuy nhiên, nghiên cứu không được ứng dụng trong thực tế.

Kết thúc đề tài, ông lại tìm thấy cơ hội mới khi đến Cục Lao động nước ngoài. "Hồi đó có phong trào xuất khẩu đi Đức, tôi thấy rất đông các em có nhu cầu tìm tài liệu học tiếng. Vậy là 1 tháng tôi tập trung viết và cho ra được bản thảo: Tự học tiếng Đức cho người lao động Việt Nam", ông kể lại.

Tự bỏ tiền túi ra làm sách, hôm sách được in ra, ông Tân đèo 2 cọc sách 100 cuốn đến cổng Cục Lao động và bán sạch chỉ trong 1 tiếng. 1.000 cuốn sau đó cũng được tiêu thụ trong 1 tuần.

"Sách được tái bản đi tái bản lại nhiều lần, nhiều người ở bên Đức còn nhờ người mua gửi sang", ông nói. Tổng số sách bán được lên đến 3.000 quyển. Ông Tân chỉ lấy phần vốn bỏ ra ban đầu, phần dư ra được sung vào quỹ lương cho 25 anh em phải tự tìm lương ở bên ngoài.

"Bài học đầu tiên của tôi là hãy làm ra cái gì xã hội cần thì sẽ có được kết quả kinh tế nho nhỏ nào đó", ông nói.

Nhờ kinh nghiệm từ cuốn sách đầu tiên, sau này, ông Tân mở ra một trung tâm xuất bản. Ông cho biết trung tâm không có trụ sở, không có vốn và thậm chí còn phải mượn pháp nhân để xin giấy phép xuất bản nhưng nhờ vào việc tìm đúng nhu cầu của thị trường, ông thắng lớn.

Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt: Cất bằng tiến sĩ toán học vào tủ vì gia đình đói, 4 lần chuyển nghề trước khi xây công ty bán được 32 triệu USD - Ảnh 1.

Ông Mai Huy Tân

"Hồi đó nhu cầu về kiến thức kinh tế thị trường là rất cao nhưng sách vở thì chưa có. Tôi mới viết ra cuốn đầu tiên: Marketing là gì. In không đẹp, kỹ thuật thô sơ, cái gì cũng thuê chỉ có nội dung là tôi viết. Nhưng sách bán rất thành công", ông nói. Trong 4 năm, trung tâm của ông Tân cho ra được 60 đầu sách mà mỗi đầu sách lời được 1 cây vàng.

Sau này sách bị đạo văn nhiều nên không bán được, ông chuyển sang lĩnh vực thứ hai. Mặc dù là tiến sỹ toán nhưng ông Tân được cấp học bổng sau tiến sỹ ở Đức về đề tài kinh tế thị trường. Nhân thời gian ở Đức, ông đã tìm cách kết hợp với viện Goethe để phát triển văn hoá Đức tại Việt Nam.

Cùng với một vài người bạn, ông Tân lập ra trung tâm văn hoá tiếng Đức, thuê các lớp học ở trường tiểu học Lê Ngọc Hân để dạy tiếng vào buổi tối. Ông cũng hợp tác với Đài truyền hình Hà Nội để dạy tiếng Đức trên truyền hình.

"Không có trường, không có vốn nhưng chúng tôi có đến 3.000 học viên trong 3 năm", ông hào hứng nói.

Đến năm 1995, ông bước vào lĩnh vực kinh doanh thứ 3. Đây là thời điểm hãng Mercedes quyết định đầu tư nhà máy lắp ráp ở Việt Nam. Bởi vậy, các doanh nghiệp chế tạo phụ trợ cho ô tô của Đức cũng sang Việt Nam rất nhiều. Được một người bạn nhờ vả, ông Tân bất đắc dĩ trở thành phiên dịch chính cho đoàn. "Tôi trở thành tư vấn bất đắc dĩ cho Mercedes trong 2 năm họ xây dựng ở Việt Nam", ông nói.

Điều này cũng mở ra cho ông cơ hội khi được các doanh nghiệp Đức biết đến. "Có mấy hãng thuê tôi làm trưởng đại diện cho họ ở Việt Nam. Đấy là lần chuyển nghề thứ 4 khi tôi đồng thời là trưởng đại diện cho 3 hãng ở Hà Nội".

Tuy nhiên, sau một thời gian làm thuê, ông Tân cho rằng đã đến thời điểm mình được làm chủ. Năm 2000, ông Tân thực sự rời bỏ công việc nhà nước và các công việc khác, khởi nghiệp ở tuổi 52.

Tôi làm xúc xích là sự tình cờ

"Tôi khởi nghiệp khi 52 tuổi, đằng sau lưng là 30 năm làm việc cho nhà nước, và các kinh nghiệm khác. Về học tập, tôi cũng kiên nhẫn và chăm chỉ. Điểm luận án ở Đức của tôi được đánh giá là xuất sắc và là người ngoại quốc đầu tiên đạt được kết quả này. Nhưng bằng của tôi là vô dụng khi ở Việt Nam", ông Tân nói.

"Khi bị ném vào thị trường, nếu tôi cứ khư khư giữ cái bằng của mình thì không làm được gì. Gia đình, vợ con đều đói. Động lực khi tôi khởi nghiệp là muốn tự khẳng định bản thân mình".

Lúc bước ra khởi nghiệp, ông cho biết bản thân có thuận lợi về các mối quan hệ với các doanh nghiệp Đức nhờ tích luỹ từ trước. Nhiều công ty muốn hợp tác với ông. Ban đầu, ông định làm cửa nhựa, nhưng đây không phải là mặt hàng dễ bán.

"Anh bạn người Đức của tôi lúc đó hỏi rằng nên làm sản phẩm gì của Đức mà dễ bán ở Việt Nam, tôi mới bảo là đồ ăn, đồ uống là dễ nhất. Cuộc đời ai cũng phải ăn, uống và chết. Mình thì không làm đám ma rồi, bia thì nhiều người làm, thôi thì làm đồ ăn", ông kể lại.

Theo ông, hầu hết người Việt Nam ở Đức đều thích ăn xúc xích Đức nướng. Vậy là một ông tiến sỹ toán, một ông người Đức làm xây dựng quyết định làm xúc xích. Theo phân công, người bạn Đức thì lo về máy móc, chuyên gia hướng dẫn, còn ông Tân thì lo nhà xưởng, tính toán các kế hoạch đầu tư.

Thời điểm đó, ông tính được 1kg xúc xích làm ra tốn 35 nghìn đồng, giá bán ra là 50 nghìn đồng. Như vậy, nếu làm được 20 tấn xúc xích/ năm thì chỉ cần 2 năm là thu lại số vốn 100 nghìn USD ban đầu.

Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt: Cất bằng tiến sĩ toán học vào tủ vì gia đình đói, 4 lần chuyển nghề trước khi xây công ty bán được 32 triệu USD - Ảnh 2.

Công ty TNHH Đức Việt theo đó được thành lập trong một xưởng nhỏ diện tích 200 m2 tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). 8 tuần sau khi động thổ, hướng dẫn công nhân sản xuất, mẻ xúc xích đầu tiên đã ra đời.

Năm đầu tiên đi vào hoạt động, ông Tân cho biết doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, ông vẫn làm được 20 tấn xúc xích như mục tiêu đã đề ra. Sau đó, doanh nghiệp dần mở rộng và tăng trưởng trên 100% về doanh thu và lợi nhuận.

"Đến thời điểm M&A, sản lượng của chúng tôi là 25 tấn/ngày. 200 m2 nhà xưởng ban đầu đã trở thành kho bán hàng bên cạnh 5 nhà kho khác. Chúng tôi cũng có 1 nhà máy ở Hưng Yên rộng 3 ha", ông nói.

Nhưng, thành công lớn nhất, theo ông chính là thương vụ M&A với Deasang, trị giá 32 triệu USD.

Đến đỉnh rồi thì phải M&A

"Nhiều người cũng hỏi tôi sao Đức Việt đang làm ăn tốt thế lại bán", ông nói. Khi ấy, doanh nghiệp của ông là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu thị trường Việt Nam trong sản xuất xúc xích. Nhưng thuyền to thì sóng lớn, sau một thời gian dài phát triển nóng, ông Tân cho biết bản thân cũng là dân không chuyên, nguồn lực thì thiếu nên đã tính đến việc thoái vốn.

"Chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi Đức Việt có khả năng giữ được vị thế để cạnh tranh với Vissan, doanh nghiệp do nhà nước sở hữu với vốn điều lệ lớn gấp hàng trăm lần. Hay CP của Thái Lan với 1,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam?", ông cho biết. Chính lúc bàn luận đó khiến ông và các đồng sự nhận ra rằng khi phát triển đến đỉnh thì nên thực hiện mua bán, sáp nhập.

Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt: Cất bằng tiến sĩ toán học vào tủ vì gia đình đói, 4 lần chuyển nghề trước khi xây công ty bán được 32 triệu USD - Ảnh 3.

Ý định thực hiện M&A theo ông Tân đã từng xuất hiện ở năm 2011, 2012 khi một số đối tác cả trong nước và ngoài nước ngỏ ý muốn rót vốn vào Đức Việt. Tuy nhiên, những thương vụ này không thành công.

Cuối cùng, đến năm 2016, Đức Việt đã tìm được đối tác phù hợp là Deasang với giá trị thương vụ là 32 triệu USD. Thương vụ mua bán này theo ông Tân diễn ra khá thuận lợi vì hệ thống sổ sách công ty rất minh bạch do kiểm toán hàng năm của Đức Việt đều trong nhóm Big4. Từ thời điểm ký bản ghi nhớ, đến lập dự thảo hợp đồng, hoàn tất thủ tục chỉ mất nửa năm.

"M&A xong thì tôi cũng giàu, tôi cũng không biết làm gì với đống tiền này. Đơn giản nhất là gửi tiết kiệm rồi đi chơi. Theo thoả thuận thì trong 5 năm đầu tôi không được mở công ty làm trong cùng lĩnh vực nhưng tôi cũng nghĩ là làm thế đủ rồi, không làm xúc xíc nữa. Sau đó, tôi lập công ty Nhịp cầu Việt Đức tư vấn về xử lý môi trường, năng lượng tái tạo... các cổ đông khác thì có người đi chơi thật, có người thì vẫn đi kinh doanh", ông Tân hài hước nói. "Đấy cũng là câu chuyện lập nghiệp bất đắt dĩ của nhà toán học", ông nói thêm.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên