MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhắn gửi nhà đầu tư: Rủi ro địa chính trị đã trở lại, hãy hành động bằng sự khôn ngoan và lòng can đảm

11-04-2017 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Cụm từ "rủi ro địa chính trị" hầu như biến mất khỏi từ điển của các nhà đầu tư sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Nhưng, nó đã trở lại.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, quyết định rời EU của người Anh, lá phiếu lựa chọn hòa bình ổn định của người Hà Lan hay 2 cuộc bầu cử sắp tới tại Đức và Pháp đều là những sự kiện đáng chú ý không chỉ đối với giới chính trị gia. Tính bất ổn của những sự kiện này khiến cho nhà đầu tư trên toàn cầu không thể đứng ngoài.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy lan tỏa khắp thế giới, một số vấn đề địa chính trị tỏ ra rõ ràng hơn như thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, Ấn Độ và Nga; bất ổn ở Trung Đông; vô số vụ khủng bố và khủng hoảng dân nhập cư.

Vào những năm cuối thập niên 80s đến đầu 90s, cụm từ "rủi ro địa chính trị" hầu như đã biến mất khỏi sổ tay của các nhà đầu tư. Bởi đó là thời điểm bức tường Berlin sụp đổ, Liên bang Xô viết tan rã và nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama tuyên bố "quá trình tiến hoá lịch sử của nhân loại qua sự đấu tranh quyết liệt giữa các ý thức hệ đã đến hồi kết thúc".

Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ lịch sử, sự bình lặng tương đối trong những năm 1990s, 2000s là một điều bất thường, không phải thông lệ.

Số liệu mới đây của Viện CFA cho thấy địa chính trị đang trở thành một trong những mối quan tâm lớn của nhà đầu tư. 70% trong số những người tham gia khảo sát nói rằng lợi nhuận đầu tư trong 3 - 5 năm tới sẽ bị giảm. Trong đó, các nhà đầu tư nhận định Tổng thống Trump là rủi ro chính trị có tác động lớn nhất đến các chiến lược đầu tư của họ.

Nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm đến những rủi ro xung quanh sự kiện Brexit, bởi kết quả trưng cầu dân ý là ràng buộc và ngày Anh rời EU chỉ còn là vấn đề thời gian. 20% số người tham gia khảo sát dự kiến Brexit sẽ còn tiếp tục duy trì những bất ổn của nó trong vòng 2 năm tới. 36% người cho rằng rất có thể EU sẽ tan rã.

Trong khi ngành đầu tư vốn đã cho thấy những dấu hiệu gãy nứt: niềm tin suy giảm, những triển vọng tiêu cực, vắng bóng những nhà đầu tư dài hạn, một thế hệ trẻ thờ ơ. Đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ tiết kiệm và lợi nhuận thấp như hiện nay. Địa chính trị chỉ là một trong nhiều thách thức mà các nhà quản lý tài sản và khách hàng của họ phải đối mặt. Nó là một điểm uốn mà các công ty đầu tư phải vượt qua.

Để làm được điều đó, Viện CFA đã đưa ra 4 mục tiêu mà các công ty quản lý tài sản nên theo đuổi:

- Điều chỉnh lại mô hình kinh doanh để tạo ra giá trị cho khách hàng trên mức lợi nhuận biên mỏng hơn

- Cải thiện niềm tin của giới trẻ và thu hút nhà đầu tư dài hạn

- Tuyển mộ những người làm trong nghề có nhiều động lực làm việc hơn là tiền bạc

- Áp dụng khoa học công nghệ trước khi chúng khiến nhà đầu tư trở thành kẻ phục của công nghệ

Những mục tiêu này nằm trong sổ tay nhiệm vụ của Viện CFA nhằm đưa nghề đầu tư đem lại nhiều lợi ích cho xã hội hơn thay vì chỉ cung cấp tiền bạc cho người giàu - thứ mà chúng ta gọi là "chủ nghĩa tư bản đại đồng".

Thông qua đó, ngành đầu tư có thể kết nối lại với mục tiêu phục vụ cộng đồng của nó và tài sản có thể chảy về những lợi ích hiệu quả nhất. Tài chính là câu chuyện về dài hạn và ngắn hạn, nhưng hiện nay có rất nhiều vấn đề dài hạn như biến đổi khí hậu mà chưa được giải quyết. Đó là điều cần thay đổi.

Sự kết thúc của một điểm uốn sẽ dẫn đến những điều tồi tệ hay bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng mới còn phụ thuộc vào tầm nhìn, trí khôn và hành động của những người dẫn dắt nó. Đó là trách nhiệm của tất cả những người làm nghề đầu tư. Hãy trở thành những người có tầm nhìn và hành động bằng sự khôn ngoan và lòng can đảm.

Anh Sa

FT

Trở lên trên