MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân lực taxi – Đến lượt công ty cần tài xế

19-12-2017 - 09:12 AM | Doanh nghiệp

Hiện nay trước sự gia nhập và bùng nổ của Uber, Grab, câu chuyện quản lý nhân sự tại những hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun đã hoàn toàn khác.

Trên vai trò nguyên là Tổng Giám đốc Taxi Mai Linh những năm 2007-2009, ông Trần Bằng Việt, hiện là CEO DongA Solutions, cho biết câu chuyện nhân sự taxi bây giờ đã thay đổi 180 độ, tức đến lúc công ty cần tài xế!

Theo ông Việt, vấn đề nhân sự là câu chuyện chung của bất kỳ loại hình công ty nào, nhưng với những hãng taxi thì câu chuyện hoàn toàn khác. Bởi, lĩnh vực này việc cạnh tranh nhân lực tài xế lái xe (về kinh nghiệm, kỹ năng…) vẫn luôn gay gắt.

Nhớ lại những năm 2007-2009, trên vai trò Tổng Giám đốc Mai Linh, ông Việt cho biết để một tài xế taxi làm việc phải mất rất nhiều thời gian. Không những tài xế đó phải có bằng lái, kinh nghiệm điều khiển phương tiện mà còn phải trải qua 30 ngày liên tục đào tạo trước khi làm việc chính thức. Trong thời gian đào tạo này, tài xế được rèn luyện từ kỹ năng ăn nói với khách hàng, xử lý tình huống thực tế đến kỹ năng vệ sinh máy, vệ sinh cơ thể… Như vậy, rất khó để đào tạo được một tài xế taxi có thể đảm đương tốt công việc, mang lại hiệu suất cao cho công ty.

Chưa kể, tài xế còn là có tác động lớn đến mô hình kinh doanh, cụ thể là mô hình hoạt động 2.1 trong việc quản lý nhân sự của những đơn vị kinh doanh vận tải. Tức một tài xế lái chính một ngày, luôn có khoảng 5% nhân sự dự phòng, sẵn sàng thay thế tài xế chính khi có vấn đề sức khỏe, hoặc bị kỷ luật… Do đó, điều này cũng gây áp lực đối với tài xế chính vì luôn có người sẵn sàng thay thế công việc, nên chính nhân sự này phải luôn chấp hành tốt kỷ luật, cũng như đảm bảo chất lượng công việc sao cho tốt nhất.

Thế nhưng, hiện nay trước sự gia nhập và bùng nổ của Uber, Grab, câu chuyện quản lý nhân sự tại những hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun đã hoàn toàn khác. Theo thống kế 6 tháng đầu năm, Vinashun cắt giảm đến 8,000 nhân sự, ngay sau đó trong báo cáo nửa đầu năm 2017 Mai Linh cũng cho biết đã có 6,000 nhân viên nghỉ việc. Theo ông Việt, điều này sẽ gây tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, khi mà số lượng lớn nhân viên đột ngột suy giảm sẽ gây quá tải trong công việc, từ đó làm giảm năng suất hoạt động.

Rủi ro và giải pháp

Bên cạnh hiệu suất hoạt động, một rủi ro đáng bận tâm đối với bài toán quản lý nhân sự tính đến nay của Mai Linh hay Vinasun, theo ông Việt là tính kỷ luật của tài xế sẽ giảm. Bởi, không còn như trước kia, tài xế cần công việc, áp lực trước mô hình kinh doanh có 5% nhân sự sẵn sàng thay thế; mà hiện nay công ty cần tài xế. Do đó, tính kỷ luật của nhân lực đang đứng trước rủi ro suy giảm. Và điều này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến hiệu suất kinh doanh doanh nghiệp, ông Việt khẳng định.


Ông Trần Bằng Việt, CEO DongA Solutions, Nguyên Tổng Giám đốc Taxi Mai Linh

Ông Trần Bằng Việt, CEO DongA Solutions, Nguyên Tổng Giám đốc Taxi Mai Linh

Mặt khác, để đào tạo được một tài xế đảm đương được công việc rất mất thời gian, do đó với sự xuất hiện của đối thủ đáng “gờm” Uber và Grab, Mai Linh, Vinasun hay những hãng taxi truyền thống nói chung đang phải chịu rủi ro chung là nhân sự nghỉ việc ồ ạt.

Trước vấn đề này, ông Việt chia sẻ ông cũng đã có đưa ra những lời khuyên để giữ chân nhân viên cho Mai Linh, hiện Công ty cũng đang trong quá trình xem xét thực thi, do đó không tiện chia sẻ. Song, vấn đề của Mai Linh bây giờ không phải là nhân sự, mà là chiến lược kinh doanh nói chung, ông Việt khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện ManpowerGroup Việt Nam cho biết: “Đây đã là câu chuyện sống hay chết trong kinh doanh, vấn đề ở đây của doanh nghiệp taxi truyền thống là chiến lược kinh doanh”. Mặc dù vậy, nhân sự cũng đang là bài toán nan giải, cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến Mai Linh hiện nay, vị này phân trần.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên