MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Harvard cũng không thể bảo vệ tôi

12-07-2014 - 08:30 AM |

Tấm bằng danh giá cùng kinh nghiệm làm việc cũng không thể giúp tôi tránh khỏi nỗi lo lắng như vô tận trong tìm việc.

Amy Gutman tốt nghiệp tại Harvard và từng làm trợ lý cho giám đốc trường Luật Harvard (nay là thẩm phán tối cao Hoa Kỳ) cho tới tháng 4 năm 2009. Sau đó cô đã trải qua 2 năm liên tiếp tìm việc không ngừng nghỉ. Hiện tại, cô đang là ký giả cho tạp chí của trường Harvard và là trưởng dự án Plan B Nation. Dưới đây là những chia sẻ của cô về thời gian tìm việc của mình.


“Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi mà bạn khó có thể giữ được lòng tự trọng của mình nếu như bạn không có việc làm.” Đó là những lời của Kwame Anthony Appiah, giáo sư triết học tại Princeton, trong một buổi phỏng vấn trên radio và tôi có thể nói điều này là rất đúng. 

Nhìn lại những gì tôi đã đi qua, tôi phải thừa nhận rằng tôi là một kẻ “nghiện” những thành tích. Tôi có hai tấm bằng từ Harvard, từng thực tập về luật cho một công ty “top” tại Manhattan, xuất bản hai cuốn tiếu thuyết và nhiều bài báo cùng vô số những thành tích khác. Thế nhưng trong tất cả, có lẽ 2 năm liên tiếp loay hoay tìm việc và không có việc làm là điều tệ hại nhất cho CV của tôi.

Nếu như bạn đã từng trải qua giai đoạn thất nghiệp và tìm việc làm, có lẽ bạn sẽ hiểu. Còn nếu như chưa từng, tôi có thể nói với bạn rằng thời gian thất nghiệp kéo dài quả là một thử thách đối với bất kỳ ai. Nó đòi hỏi bạn phải có một sự kiên cường, niềm tin, lòng kiên nhẫn, sự dũng cảm, khả năng kiềm chế bản thân cũng như đối với những chuẩn mực trong ứng xử khác. 

Dĩ nhiên chúng ta coi trọng những người làm việc chăm chỉ nhưng chẳng lẽ chúng ta lại không thể tỏ một chút tôn trọng cho những nỗ lực tìm việc không mệt mỏi của những người thất nghiệp?

Hai năm ròng tìm việc đã yêu cầu tôi nỗ lực nhiều hơn tất cả những thành tích huy hoàng trong quá khứ. Và tôi thấy mình vẫn còn khá may mắn với số tiền tiết kiệm được trong thời gian đi làm cùng với sự giúp đỡ của những người bạn tuyệt vời. Và đôi lúc tôi chợt nghĩ: Nếu như kinh nghiệm làm việc còn chẳng thể giúp tôi thì hàng triệu người ngoài kia đang xoay sở ra sao khi họ không có những kinh nghiệm đó?


Quá trình tìm việc luôn đòi hỏi một sự kiên trì, niềm tin và lòng dũng cảm.

Thời gian biểu của tôi thường trôi qua một cách đều đặn: Viết thư xin việc, chuẩn bị CV, tìm kiếm trên các website và thực hiện những cuộc gọi. Sau đó đi ngủ, thức dậy rồi lặp lại tất cả. Và tôi thường không nhận được hồi âm gì sau khi gửi hồ sơ đi. Tôi chẳng thể nhớ nổi mình đã ứng tuyển vào bao nhiêu vị trí trong suốt hai năm qua. Đó quả là những ngày vô cùng tệ hại.

Bên cạnh đó, tôi thường phải cố gắng lờ đi một áp lực vô hình rằng “Tôi đã lớn tuổi và tôi không được phép thất nghiệp”. Điều đó quả thật khó chấp nhận được nhưng nó gần như bào mòn ý chí của tôi, khiến tôi cảm thấy thật sự tuyệt vọng khi mà những nỗ lực của mình không mang lại kết quả nào. Nhưng cũng giống như hàng triệu người khác, tôi vẫn tiếp tục và không cho phép mình dừng lại. Kẻ bỏ cuộc thì chẳng bao giờ dành chiến thắng (Quiters never win).

Ngoài áp lực từ chính bản thân mình, bạn sẽ còn phải đối mặt với nhiều áp lực hơn nữa từ cuộc sống bên ngoài một khi bạn “chưa có việc làm”. Tôi đã phải cố gắng hết sức để gia đình và nhiều người quen không biết về tình hình của mình. Thế nhưng việc gì cũng có tính hai mặt của nó, khi bạn không dám chia sẻ khó khăn của mình với ai đó, bạn sẽ cảm thấy ngày càng cô đơn cũng như sự cô lập với dòng chảy của cuộc sống ngoài kia.

Phải, chắc bạn cũng hiểu nguyên nhân sâu xa ở đây là gì: Đó là danh dự của mỗi người. Trong cuốn sách “Mật mã danh dự” năm 2010, Appiah chỉ ra rằng chính danh dự là thứ dẫn con người đến với một cuộc sống thành công. Con người ta khi quen với việc được kính trọng sẽ chẳng thể chịu nổi cảm giác bị người khác coi thường.

Chúng ta khi quen với việc được kính trọng sẽ chẳng thể chịu nổi cảm giác bị coi thường khi thất nghiệp.

Và chính sự phân biệt này khiến tôi phải suy nghĩ thêm rất nhiều. Theo thống kê, với mỗi vị trí tuyển dụng thông thường, trung bình có khoảng 10 tới 20 ứng viên tham gia ứng tuyển. Chắc hẳn bạn cũng biết trong thực tế con số này còn khốc liệt hơn rất nhiều. Bởi lẽ những người thất nghiệp không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với cả những ai đang có công việc nhưng muốn tìm một vị trí tốt hơn. 

Và thậm chí những công việc thuộc hàng “top” như Quản lý khách sạn hay Kỹ sư cao cấp, bạn có thể nhìn thấy rõ dòng chữ “Không tuyển người đang thất nghiệp” trên các quảng cáo. Cũng bởi vì từng học luật nên tôi hiểu rõ nước Mỹ chỉ cấm hành vi phân biệt chủng tộc nhưng lại không cấm hành vi phân biệt giữa thất nghiệp và không thất nghiệp.

Vậy tại sao điều này lại xảy ra đối với những người đang thất nghiệp? Chẳng nhẽ chúng ta có thể đánh đồng “chưa có việc làm” với lười nhác và thất bại. Tuy vậy, chắc chắn rằng không phải tất cả mọi người sẽ đồng ý rằng sự thất nghiệp nên được đối xử với lòng kính trọng. Nếu bạn còn hoài nghi, tôi phải nói với bạn rằng: Hãy nhìn lại lợi ích của bản thân bạn. Việc càng có nhiều người thất nghiệp sẽ ngay lập tức mang lại ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế trước khi mang lại điều gì đó tích cực (nếu có).

Nền kinh tế vẫn chưa vượt qua cơn khủng hoảng và sẽ ngày càng có nhiều người thất nghiệp hơn. Có thể là bạn hoặc cha mẹ và bạn bè của bạn. Việc dành một sự tôn trọng cho những ai đang thất nghiệp sẽ thúc đẩy họ hơn trong tìm kiếm công việc. Một lời động viên hay một cuộc gọi điện thoại đúng lúc. Những điều tưởng như nhỏ bé đó có thể tạo nên một sự khác biệt.

Chúc các bạn thành công!

>> Tại sao không cần cố để thuê sinh viên tốt nghiệp Harvard?

Khanh Lưu

kyanh

Salon

Trở lên trên