MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những đại gia ngân hàng trên sàn chứng khoán

20-02-2012 - 18:45 PM |

Phần lớn các đại gia ngân hàng đều có khối tài sản lớn và đứng vị trí cao trong top những người giàu nhất thị trường chứng khoán.

 
Nguyễn Đức Kiên (1963) – Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB
 
Hầu như chỉ được biết đến vai trò là một người tâm huyết với bóng đá và không còn giữ chức vụ cụ thể nào trong ban lãnh đạo Ngân hàng ACB nhưng ông Kiên vẫn là nhân vật đầy quyền lực đối với ACB cũng như trong ngành ngân hàng.
 
Khi CLB Bóng đá Hà Nội làm đội chủ nhà, ta có thể dễ dàng nhận thấy sân bóng được bao kín bởi bảng hiệu với logo của 5 ngân hàng: ACB-Eximbank-Đại Á-Vietbank-Techcombank.
 
Gia đình ông Kiên hiện nắm giữ khoảng 10% cổ phần của ACB, là gia đình giàu thứ 5 trên TTCK Việt Nam năm 2011 với tổng lượng cổ phiếu ACB trị giá gần 2.000 tỷ đồng. Ông cùng vợ là bà Đặng Ngọc Lan đều đứng trong top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán.

Xem thêm: Bầu Kiên là ai?

Hồ Hùng Anh (1970) – Chủ tịch Techcombank

 
Ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch HĐQT của Techcombank từ năm 2008, trước đó đã có 5 năm tham gia HĐQT của Ngân hàng này.

Ông Hùng Anh cùng ông Nguyễn Đăng Quang là những người gây dựng nên Tập đoàn Masan; hiện giữ chức Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan.

Năm 2011, theo xếp hạnh của CafeF/CafeBiz, ông Hồ Hùng Anh là người giàu thứ 7 trên TTCK với 3,84% cổ phần của Tập đoàn Masan trị giá gần 1.800 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Hùng Anh cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nắm giữ khoảng 3% cổ phần của Techcombank.
 

Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch ngân hàng SHB

 
Giống như bầu Kiên, bầu Hiển – ông Đỗ Quang Hiển - nổi tiếng vai trò "ông chủ" của 2 đội bóng Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng hơn là Chủ tịch của Ngân hàng SHB hay Chủ tịch của Tập đoàn T&T.

Năm 2006, ông Hiển cùng Tập đoàn T&T đã thực hiện mua lại Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, sau đó đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB).

Hiện ông Hiển trực tiếp nắm giữ 22 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 4,58% cổ phần của SHB. Hiện tại, thị giá của SHB chỉ còn 7.600 đồng/cp, tuy vậy thì cũng đã tăng 33% so với cuối năm 2011.
 
Ông Hiển cùng SHB đã gây dựng được một hệ thống định chế tài chính bao gồm cả Ngân hàng (SHB)-Công ty chứng khoán (SHS)-Công ty quản lý quỹ (SHF)-Bảo hiểm (SVIC).
 
 
Hà Văn Thắm (1972) – Chủ tịch Ocean Bank
 
Sinh năm 1972, ông Hà Văn Thắm là một trong những doanh nhân trẻ và giàu có nhất trên thị trường chứng khoán. Năm 2011, ông Thắm là người giàu thứ 12 trên TTCK với lượng cổ phiếu OGC trị giá gần 870 tỷ đồng.

Ngoài Ocean Bank, ông Thắm còn là Chủ tịch của một loạt công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Đại Dương như Ocean Group, Ocean Hospitality, Ocean Securities…

Đặng Văn Thành – Chủ tịch Sacombank

 
Lãnh đạo ngân hàng Sacombank từ khi thành lập (năm 1994) đến nay, ông Thành là một trong những người có thâm nhiên nhất trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Thành và con trai là ông Đặng Hồng Anh hiện nắm giữ 7,43% cổ phần của Sacombank. Năm 2011, hai người lần lượt xếp ở vị trí thứ 21 và 23 trong top những người giàu nhất trên TTCK.

Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, gia đình ông Thành còn nổi tiếng trong lĩnh vực mía đường. Thành Thành Công – công ty do vợ ông Thành làm chủ tịch – là một trong những công ty lớn nhất ngành múa đường và nắm cổ phần lớn tại nhiều công ty đường khác như Bourbon Tây Ninh, Đường Ninh Hòa, Đường Biên Hòa…
 
Với việc Eximbank đã có được hơn 51% quyền biểu thì vị trí Chủ tịch Sacombank của ông Đặng Văn Thành hiện khá "lung lay".

Nguyễn Văn Bảng (1950)– Chủ tịch Habubank

 
Lãnh đạo ngân hàng Habubank từ năm 1995, ông Bảng cũng là một trong những người có thâm niên nhất trong ngành ngân hàng.

Gia đình ông Bảng hiện nắm giữ khoảng 10% cổ phần của ngân hàng này.

Với thị giá chỉ còn 4.800 đồng, hiện HBB là cổ phiếu thấp giá nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Đặng Thành Tâm (1964) - Thành viên HĐQT Navibank

 
Dù không giữ chức chủ tịch của ngân hàng nào nhưng Tập đoàn SGI do ông Tâm làm chủ nắm giữ cổ phần chi phối tại 2 ngân hàng Navibank (NVB) và Western Bank.
 
Ông Tâm giữ chức thành viên HĐQT của Navibank và nắm giữ 4,9% cổ phần của ngân hàng này. Trong khi bà Nguyễn Thị Kim Thanh - vợ ông - nắm giữ khoảng 6% cổ phần Navibank và 10% cổ phần Western Bank.
 
Năm 2011, ông Tâm đứng ở vị trí thứ 9 trong top những người giàu nhất TTCK với lượng cổ phiếu trị giá gần 1.400 tỷ đồng - mất gần 2.700 tỷ đồng so với năm 2010.
 
Là một người tuổi Thìn, ông Tâm cho rằng năm 2012 là “năm tuổi” nhưng vận hạn đã đi hết vào năm 2011 rồi. Cũng trong năm 2011, ông Tâm cùng chị gái là bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo - đã được bầu làm đại biểu quốc hội khóa XIII.
 
Ông Lê Quang Tiến (1958) - Chủ tịch Tiên Phong Bank
 
 
Ông Tiến được biết đến với vai trò là Phó Chủ tịch FPT hơn là Chủ tịch của Tiên Phong Bank.
 
Từng là một trong những cổ đông lớn nhất của FPT nhưng do nhiều lần bán ra cổ phiếu nên hiện ông Tiến chỉ còn nắm giữ gần 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,15% vốn điều lệ của FPT.
 
Ông Tiến cũng nắm giữ 0,38% cổ phần của Tiên Phong Bank.
 
Mới đây, ông Đỗ Minh Phú cùng tập đoàn Doji đã đầu tư nắm giữ 20% cổ phần của ngân hàng này.
 
KAL

duchai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên