MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nick Vujicic đến Việt Nam - Bài học về chi phí truyền thông?

23-05-2013 - 15:20 PM |

Từ “khuyết tật” đến không “khuyết tật”

Tối ngày 22/05/2013, mở đầu bài diễn thuyết của mình trong chương trình dài khoảng 90 phút được truyền trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia về sự kiện “Chào Việt Nam” do Tập đoàn Tôn Hoa Sen tài trợ chính, Nick Vujicic – người đàn ông khuyết tật đã đánh thức con tim của phần lớn khán giả khi nói về “khuyết tật”.

“Dù khuyết tật hay không chúng ta đều có những giá trị như nhau. Chúng ta có rất nhiều điều trong cuộc sống nhưng có một điều chúng ta cần phải có, đó là tình yêu thương – Yêu thương chính bản thân mình và yêu thương mọi người vì chúng ta cần có họ.

Chúng ta không thể có được phép màu xảy ra với chính mình, nhưng chính chúng ta có thể là phép màu đối với người khác.

Giá trị của chúng ta không được quyết định bởi những điều mà chúng ta làm được, mà nó được quyết định bởi những điều chúng ta không thể làm được. Không có cây cỏ nào trên trái đất này là hoàn hảo. Chúng ta cần biết rằng mỗi một ngày trong cuộc sống của chúng ta là một món quà.

Con người thi thoảng tức giận về những thứ mình không có hoặc biết ơn những gì mình đang có. Nhưng chúng ta nên biết ơn/biết yêu những điều chúng ta đang có.

Trong cuộc sống hiện thời, chúng ta dễ dàng trở thành người ích kỷ, luôn luôn muốn người khác tha thứ cho mình, giúp đỡ mình khi mình cần, cho mình những thứ mình chưa có. Điều tươi đẹp trong cuộc sống là khi mình giúp người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chúng ta đều có thể làm những việc theo cách của mình. Những điều quý báu nhất với một con người sau gia đình đó chính là những người bạn thực sự. Dù cho ta không có được người bạn thực sự thì chúng ta cũng có thể trở thành người bạn thực sự của ai đó.

Khi chúng ta có một thái độ tích cực và có niềm tin thì không có điều gì có thể ngăn cản được chúng ta.”


Rõ ràng, suy nghĩ hay triết lý của Nick không còn dừng lại ở đối tượng nhận là người khuyết tật về mặt vật lý. Nói một cách khác, những điều Nick truyền đạt trong bài diễn thuyết ngắn không phải là điều xa lạ với người Việt Nam – người được nghe hát ru và học những câu ca dao thành ngữ từ khi còn tấm bé. Nhưng cuộc sống bộn bề những lo toan, đặc biệt khi kinh tế khó khăn, khi độ mở của nền kinh tế lớn người ta có thể tạm quên những điều nhỏ nhặt góp nên cuộc sống tươi đẹp.

Hơn 30 tỷ đồng cho một chương trình PR là quá lãng phí?

Chuỗi sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam không ít ý kiến cho rằng phí phạm khi tiêu hết hơn 30 tỷ đồng của các nhà tổ chức trong đó CTCP Tập đoàn Hoa Sen – HSG là nhà tài trợ chính, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn và tỷ lệ người nghèo vẫn cao.

Nhiều người sẽ cảm thấy xót xa hơn khi Nick cổ động: Người Việt Nam nên hỗ trợ, giúp đỡ người Việt Nam từ đó tạo ra sức mạnh đoàn kết.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, chi phí để chạy chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia cho chương trình “Chào Việt Nam” và những chương trình dành cho thanh niên – học sinh, trẻ em; chi phí cho ê kíp phục vụ và cả chi phí tài trợ/bảo trợ kèm theo trong chương trình chiếm tỷ lệ khá lớn so với chi phí trực tiếp cho diễn giả.

Xét về phía cộng đồng, hơn 30 tỷ đồng nên dùng cho chương trình Nick Vujicic đến Việt Nam hay nên dùng để đóng góp vào các tổ chức thiện nguyện, giúp đỡ các trường hợp bất hạnh trong xã hội Việt Nam?

Như đã nói ở trên, Nick đến Việt Nam không đơn thuần chỉ truyền đạt cảm hứng, nghị lực sống cho những người “khuyết tật” về mặt vật lý nữa, mà với sức lan tỏa và bằng chứng cuộc sống của anh, có thể làm thay đổi suy nghĩ những người không có “khuyết tật” về mặt vật lý, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện tại.

Cuối cùng, xét về phía đơn vị tài trợ, rõ ràng với một doanh nghiệp bất kỳ, tài trợ cho một chương trình cộng đồng đương nhiên họ mong muốn nhận về giá trị - quảng bá thương hiệu, và giá trị cộng đồng/doanh nghiệp vì cộng đồng. Đây cũng là mục đích đỉnh cao mà các doanh nghiệp thành công luôn muốn vươn tới.

Tuy nhiên về mặt truyền thông, nhà tổ chức khi đã tiết lộ con số chi phí cũng nên để khán giả biết được tỷ lệ bao nhiêu % sẽ vào các quỹ hỗ trợ, các tổ chức….để tránh những tác động ngược không mong muốn.

Q.Nguyễn

kyanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên