MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng dẫn đầu ngành thời trang của ông chủ Uniqlo

10-09-2012 - 20:00 PM |

Chọn con mèo Maru làm đại sứ thương hiệu, Uniqlo cho thấy đó là sự lựa chọn hết sức độc đáo, mới lạ của mình.

Thông thường, các doanh nghiệp muốn khuếch trương, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của mình thì hay chọn những nhân vật nổi tiếng (có thể là diễn viên điện ảnh, người mẫu, vận động viên thể thao...) làm đại sứ thương hiệu. Đó là cách làm quen thuộc bấy lâu nay. Song trong tuần qua, Uniqlo, hãng sản xuất và kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng may mặc hàng đầu của Nhật Bản lại có cách chọn đại sứ thương hiệu hết sức độc đáo, mới lạ, chẳng giống ai. 

Đó là chọn con mèo Maru trên mạng Internet. Maru là một trong những chú mèo nổi tiếng nhất trên mạng Internet hiện nay. Clip về chú mèo đáng yêu này đùa với các hộp vuông mang thương hiệu Uniqlo trên mạng chia sẻ video Youtube đã thu hút gần 200 triệu lượt người xem.

Hãng Uniqlo chọn chiêu tiếp thị này ngay trước khi mở cửa hàng mới Uniqlo tại TP. San Francisco (bang Calfornia - Mỹ) vào ngày 5/10 tới.

Trước đó, trong tháng 5/2012, ngay trước thềm Giải vô địch quần vợt Pháp mở rộng Roland Garros, Uniqlo cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người khi bổ nhiệm đại sứ thương hiệu là tay vợt Novak Djokovic (Serbia). Vận động viên này đã giành được một số giải Grand Slam và hiện đứng thứ 2 thế giới, sau Roger Federer (Thuỵ Sỹ). Chi tiết của bản hợp đồng giữa cây vợt người Serbia với Uniqlo không được tiết lộ, song chắc chắn ít nhất cũng phải vài triệu USD mỗi năm, cao hơn so với mức tài trợ mà Hãng Sergio Tacchini (Italia) đã trả.

Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch Uniqlo nhận xét, chính bản thân Novak Djokovic đã luôn có khát vọng vươn đến ngôi vị số 1 thế giới, không ngừng chạy đua với các đối thủ khác và gặt hái nhiều thành công. “Đây chính là điểm chung giữa Uniqlo và Novak Djokovic, khi Uniqlo cũng có tham vọng hướng tới vị trí số 1 vào năm 2020, với mục tiêu doanh thu đạt 50 tỷ USD, vượt xa con số hiện tại là 12 tỷ USD, và vượt qua các đối thủ chính là Zara (Tập đoàn Inditex của Tây Ban Nha), H & M (Thuỵ Điển) và GAP (Mỹ)”, ông Tadashi Yanai cho biết.

Để đạt được tham vọng đó, Uniqlo đã từng bước thiết lập vị trí của mình tại thị trường Mỹ, với một loạt các cửa hàng lớn thu hút sự chú ý trên đại lộ số 5 (New York); hợp tác cùng nhà thiết kế lừng danh Jil Sander (Mỹ); tạo môi trường bán hàng thân thiện với nghệ thuật bán hàng và không gian đẹp được chính các nhà quản lý Uniqlo tại Nhật Bản nghiên cứu, trước khi nhân rộng sang các thị trường khác trên toàn cầu.

Dự kiến, Uniqlo sẽ mở hai cửa hàng mới ở Mỹ vào mùa Thu này, đồng thời tung ra một trang web thương mại điện tử. Công ty hy vọng sẽ mở thêm hàng trăm cửa hàng như thế ở đây, với tốc độ 20 - 30 cửa hàng mỗi năm. Trong ngắn hạn, Uniqlo muốn đánh bại GAP trên thị trường Mỹ với giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, việc làm sao cho các thiết kế phù hợp với người Nhật cũng trở nên phù hợp với người Mỹ sẽ là một thách thức không nhỏ với Uniqlo. Ông Tadashi Yanai rất tâm đắc với câu chuyện về các loại vải mang tính sáng tạo mới của Uniqlo.

“Người Mỹ tin rằng cotton là loại vải tốt nhất, nhưng chúng tôi đã phát minh ra loại vải mới sẽ thay đổi lối sống của nhiều người, từ loại vải giữ ấm độc đáo Heattech đến loại vải làm mát Airism, mặc như không mặc trong mùa Hè”, ông Tadashi Yanai nói.

Để thể hiện sự hòa nhập của mình, đầu năm 2012, ông Tadashi Yanai đề ra quy định, tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong toàn Công ty. Tức là mọi nhân viên của Uniqlo đều phải học và sử dụng được tiếng Anh.

Đi lên từ một doanh nghiệp gia đình nhỏ đã tồn tại từ năm 1949, ông Tadashi Yanai mở cửa hàng Uniqlo (viết tắt tiếng Anh của Unique Clothing Warehouse) đầu tiên tại TP. Hiroshima vào năm 1984. Uniqlo cũng từng là công ty con của Fast Retailing Co., Ltd.., song từ ngày 1/11/2005, đã tách ra độc lập hoàn toàn và niêm yết cổ phiếu tại Sở GDCK Tokyo.

Tiếp sau đó, chuỗi cửa hàng Uniqlo được mở rộng ra khắp Nhật Bản. Ngay sau khi có chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng đầu ở Harajuku vào năm 1998, Uniqlo trở thành một trào lưu ăn mặc sành điệu, khi đưa ra thị trường loại vải lông cừu, vốn khá đắt tiền. Chỉ trong năm 2000, Uniqlo đã bán được 26 triệu sản phẩm quần áo lông cừu các loại.

Đầu những năm 2000, tin rằng thương hiệu Uniqlo đã chinh phục được khách hàng Nhật Bản, ông bắt đầu chuyển sự tập trung sang thị trường Mỹ, châu Âu và Đông Á. Hiện tại, Uniqlo đã có hơn 800 cửa hàng ở Nhật Bản. Ông Tadashi Yanai đã tính đến bài mua bán & sáp nhập (M&A), nhưng dường như chưa có duyên với chuyện này, khi năm 2007, thất bại trong việc mua lại Barneys, còn năm ngoái việc muốn thâu tóm GAP đổ vỡ ngay ở giai đoạn đầu.

Theo Tạp chí kinh doanh Forbes (Mỹ), với tổng tài sản 9 tỷ USD, ông Tadashi Yanai hiện là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản.

Ông đang đầu tư xây dựng Trường đại học Uniqlo tại Tokyo để hàng năm đào tạo, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho 1.500 nhà quản lý cửa hàng. Tức là luôn luôn tìm mọi cách làm mới Uniqlo.

Theo Trung Hiếu
Đầu tư Chứng khoán

tanhoa

Trở lên trên