MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân viên ngân hàng: Muốn thành công thì đừng chỉ suốt ngày than thở mà phải biết cách vượt qua áp lực

20-02-2019 - 11:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Dân trong ngành vẫn thường ca thán với nhau về áp lực của những người làm ngân hàng. Nhưng điều quan trọng bây giờ không phải là than thở, mà nhân viên ngân hàng phải biết làm gì để vượt qua áp lực…

Vượt qua áp lực hoàn thành KPIs

Với dân ngân hàng, KPIs luôn là áp lực lớn nhất. Vì việc hoàn thành KPIs mang tính quyết định cho sự thành công hay thất bại của một người làm ngân hàng. Hiện nay, với hầu hết các ngân hàng, KPIs được gắn cho tất cả CBNV chứ không chỉ có nhân viên thuộc bộ phận kinh doanh. Và nếu vượt qua được áp lực về KPIs, nhân viên ngân hàng như đã vượt qua hơn 70% những gì cần phải làm.

Để có thể vượt qua áp lực về KPIs, mỗi nhân viên ngân hàng cần có sự chủ động và phân bổ kế hoạch hàng tháng. Đồng thời, nhân viên ngân hàng cũng cần phải "chạy đà" thật nhanh vào những tháng đầu năm để làm nền tảng cho cả năm. Chẳng hạn như với chỉ tiêu tín dụng, cần đạt dư nợ tốt vào những tháng giáp Tết nguyên đán. Đây là thời điểm nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp cao. Nếu không chạy được doanh số trong những tháng này thì sẽ bị động cho tháng 2, tháng 3 dương lịch. Vì đây thường là thời điểm trùng với nghỉ Tết và chịu ảnh hưởng của âm hưởng không khí Tết "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Và thường đầu năm sau Tết, tâm lý người dân cũng ngại việc vay tiền.

Ngoài ra, nhân viên ngân hàng cũng cần bình tĩnh, tránh quá áp lực về doanh số của một sản phẩm, dịch vụ nào đó rồi thêm lúng túng. Một nhân viên kinh doanh, nếu không hoàn thành về chỉ tiêu tín dụng, bạn vẫn còn rất nhiều sản phẩm khác để bán như bảo hiểm, huy động, thẻ tín dụng, bảo lãnh, thanh toán quốc tế,.. Nếu bạn không thể là một nhân viên xuất sắc toàn diện, thì bạn cần khai thác thật tốt các thế mạnh của mình về sản phẩm dịch vụ nào đó trong bộ KPIs để bù đắp cho các chỉ tiêu mà bạn còn hạn chế.

Ngoài những điều kiện cơ bản như kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm và các mối quan hệ,...để có thể thành công hơn, nhân viên kinh doanh tại các ngân hàng cần lập cho mình một quyển số tay tác nghiệp. Quyển sổ tay có thể dùng để ghi chú nhật ký tác nghiệp, ghi chú những cuộc hẹn, lịch gặp khách hàng, hồ sơ nào cần bổ sung và bổ sung những gì để ghi nhớ... Hay thậm chí quyển sổ tay tác nghiệp cũng có thể ghi quy trình, sản phẩm, lãi suất hoặc đơn giản là ghi thông tin cá nhân của khách hàng (địa chỉ, số điện thoại, sinh nhật, ngày đáo hạn, sở thích của khách hàng,...) để có thể chăm sóc và duy trì mối quan hệ tốt hơn với khách hàng. Và những thông tin cá nhân của khách hàng ghi trong sổ tay là điều mà danh bạ điện thoại không thể lưu trữ đẩy đủ được.

Vượt qua áp lực trong mối quan hệ với lãnh đạo

Ngoài áp lực về KPIs, hình như những nhân viên ngân hàng càng làm lâu năm, càng có kinh nghiệm thì thường có thêm một áp lực mới. Đó là áp lực trong mối quan hệ với các cấp lãnh đạo của mình tại ngân hàng.

Nếu bạn may mắn có một người sếp giỏi nghiệp vụ, tận tình, công tâm và khách quan thì đó là điều đáng mừng. Nhưng thực tế, tại các ngân hàng, không phải bao giờ các banker cũng được may mắn như vậy. Cũng như giới công sở, các mối quan hệ tình - tiền, ưu ái con cháu, người quen vẫn còn tồn tại ở các ngân hàng. Vẫn có người dùng tình, dùng tiền để đổi lấy chức vụ, địa vị và danh vọng. Và cũng có người tiến thân trong ngân hàng bằng mối quan hệ họ hàng.

Dẫu biết rằng, ngành ngân hàng là một trong những ngành "minh bạch" nhất, nơi mà tài năng thực thụ luôn có cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, dù bạn có năng lực nhưng không khéo trong mối quan hệ với lãnh đạo, đôi khi bạn vẫn bị trù dập và cứ thế phải lầm lũi làm việc hoặc tức tưởi xin nghỉ việc...

Để có thể vượt qua áp lực với lãnh đạo, trước tiên bạn cần phải là một nhân viên giỏi, có hệ khách hàng, am hiểu quy trình, nghiệp vụ. Trên cơ sở nắm vững quy định, bạn có thể ứng phó với các tình huống bị cô lập từ Sếp bằng chính các quy định của ngân hàng và quy định pháp luật. Tuy nhiên, bạn cũng cần khéo léo, tế nhị trong ứng xử; khi sếp có sai, bạn cũng không nên quá tự tin mà thể hiện bản thân làm ảnh hưởng uy tín sếp. Nghĩa là bạn cần mạnh mẽ vận dụng quy trình khi bị sếp dồn ép để tự bảo vệ bạn, nhưng tuyệt đối bạn không nên dồn ép hay tạo áp lực lại đối với lãnh đạo của bạn. Vì điều đó hoàn toàn không có lợi cho bạn trên tiến trình phát triển nghề nghiệp.

Và một trong những cách để hạn chế những va chạm không cần thiết giữa bạn với lãnh đạo, có một nguyên tắc mà dân ngân hàng ít khi thực hiện được là sự bí mật và không được nhiều chuyện. Việc bạn kể việc này, việc kia cho đồng nghiệp nghe (dù đó là người thân tín nhất), nhưng đôi khi vẫn có thể đến tai lãnh đạo của bạn. Vì vốn dĩ sếp của bạn thường hơn bạn "một cái đầu" và luôn biết cách để khai thác thông tin từ các nhân viên dưới quyền.

Vượt qua áp lực gia đình

Đặc thù của ngành ngân hàng là hầu hết các vị trí, nhân viên đều phải quen với việc đi sớm về muộn. Và thật không dễ dàng để vượt qua áp lực từ chính những người thân trong gia đình. Dù bạn là phụ nữ hay nam giới, thì sau công việc tại cơ quan, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm xử lý hàng loạt công việc tại gia đình.

Sau khi vắt gần như là kiệt sức cho công việc, lúc trở về nhà bạn phải đối diện với trách nhiệm làm dâu, làm cha, làm mẹ,…với hàng loạt công việc của cuộc sống đời thường. Vì vậy, bạn cần giải thích cho những người thân yêu nhất về công việc của mình; cũng như bạn cần có sự hài hòa nhất định giữa công việc cơ quan và công việc tại gia đình.

Điều quan trọng hơn hết, bạn cần sự sẻ chia của người bạn đời. Bạn và vợ/chồng bạn phải xác định rõ một trong hai người sẽ tập trung nhiều hơn cho "hậu phương" (gia đình) hay "tiền tuyến" (ngân hàng). Vì cả hai "mặt trân" này đều quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến cuộc sống, tương lai và hạnh phúc của gia đình bạn. Công việc cho bạn thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng có những ước mơ bình dị của những đứa trẻ ở các gia đình có ba hoặc mẹ hoặc cả hai làm ngân hàng dường như đã bị người lớn lãng quên…

Vượt qua áp lực với chính bản thân mình

Người ta nói rằng, điều khó khăn nhất là vượt qua chính bản thân mình. Và nhân viên ngân hàng cũng vậy. Họ cũng phải đối diện với rất nhiều áp lực về chỉ tiêu KPIs, áp lực từ lãnh đạo, áp lực từ phía gia đình… Nhưng thật sự mà nói, áp lực khó vượt qua nhất của nhân viên ngân hàng chính bản thân họ.

Nhiều nhân viên ngân hàng dù mới ra trường hay đã có kinh nghiệm lâu năm nhưng vẫn có thể dễ dàng gục ngã khi đối diện với áp lực từ nhiều phía. KPIs, mâu thuẫn với lãnh đạo, sự không cảm thông của gia đình…đã làm gục ngã không biết bao nhiêu nhân sự ngành ngân hàng. Và khi không thể vượt lên áp lực, họ đã lặng lẽ rời khỏi ngành như một kiếm tìm một sự giải thoát cho chính mình. Phải chăng đây chính là biểu hiện của việc không vượt qua được chính bản thân mình; khi mà lòng yêu nghề, sự kiên trì và quyết tâm của các nhân viên ngân hàng chưa đủ lớn?

Và đâu đó cũng còn nhiều nhân viên ngân hàng quá tự tin hoặc quá tham vọng khi tự đặt ra cho mình những ước mơ về tiến trình phát triển sự nghiệp vượt quá khả năng của bản thân. Cũng có thể họ là những nhân viên có năng lực, có tâm huyết, nhưng họ làm lâu năm vẫn không thể phát triển lên vị trí cao hơn. Bởi sự thăng tiến trong ngành ngân hàng cần hội tụ nhiều yếu tố, nhiều kỹ năng chứ không phải mọi thứ bạn muốn là được. Chính bởi những ước mơ quá lớn, để rồi "giấc mơ con đè nát cuộc đời con". Những nhân viên ngân hàng làm việc lâu năm cứ ngước nhìn những thế hệ đàn em lần lượt được thăng tiến rồi chợt nhận ra bản thân chưa vượt qua được chính mình. Vì vậy, từ những ngày đầu tiên bước vào làm việc tại ngân hàng, mỗi người hãy chọn cho mình một ước mơ trong tầm với để phấn đấu. Đừng tự tạo thêm áp lực cho mình khi ngước nhìn bạn bè đồng trang lứa đã thành đạt trong ngành ngân hàng rồi tự ti, gục ngã…

Hoài Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên