MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập cư vào Nhật: Một cánh cửa hẹp

24-08-2016 - 11:21 AM | Tài chính quốc tế

Người Nhật không có những phong trào chống lại việc nhập cư mạnh mẽ như ở châu Âu nhưng họ có niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ. Và, dù các phương tiện truyền thông đại chúng không còn đổ lỗi cho người nhập cư là nguyên do xảy ra các tệ nạn xã hội thì sự phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến.

Trong khu phố Shin-Okubo của Tokyo, mọi người có thể cảm nhận được mùi của các món ăn và lắng nghe ngôn ngữ Hàn Quốc đang bay trong không khí. Ngay bên cạnh siêu thị có bán kim chi là một cửa hàng bán món Kebab do ông chủ người Ấn Độ điều hành. Cửa hàng có cả những mẩu giấy quảng cáo về đạo Hồi, tôn giáo được khởi nguồn từ vùng đất Calcutta. Một hãng kinh doanh nhà đất quảng cáo nhân viên của họ có thể nói nhiều thứ tiếng như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan cùng với bản vẽ những căn hộ nhỏ cho thuê tại Tokyo.

Khu vực đa quốc gia như Shin-Okubo là trường hợp rất hiếm ở Nhật Bản. Đất nước này vẫn tương đối khép kín cho người nước ngoài, nhóm chỉ chiếm 2% dân số trong 127 triệu người, quá thấp so với mức trung bình 12% của OECD, một tổ chức bao gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Song, Nhật Bản vẫn đặc biệt thiếu lao động.

Gần như 83% doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động, mức cao nhất của bất cứ nước nào được khảo sát về chỉ số này, theo Manpower, một công ty tuyển dụng. Và sắp tới, áp lực có thể trở nên nặng nề hơn nhiều.

Dân số tại xứ sở mặt trời mọc dự kiến sẽ giảm xuống còn 87 triệu người vào năm 2060. Dân số trong độ tuổi lao động (15-64) dự kiến giảm từ 78 triệu còn 44 triệu người, chủ yếu là do già hóa dân số.

Keidanren, Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, và các nhà lãnh đạo kinh doanh nổi bật như Takeshi Niinami, người đứng đầu của Suntory, một công ty đồ uống, từ lâu đã kêu gọi chính phủ nên mở rộng chính sách người nhập cư.

Tuy nhiên, Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản, cho biết ông muốn nâng tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản có việc làm và tăng tuổi nghỉ hưu trước khi tính đến việc chấp nhận nhiều người nhập cư tràn vào hơn.

Nhưng dù sao, dưới thời của Thủ tướng Abe, chính quyền của ông cũng đã thực hiện một vài cải cách nhỏ để thúc đẩy dân nhập cư. Nhật Bản đã nới lỏng lệnh cấm cấp thị thực cho người lao động có tay nghề thấp, với các thỏa thuận cho phép người nước ngoài được làm việc tại các khu kinh tế đặc biệt.

Các nhà chức trách cũng đã mở ra con đường cho sinh viên và thực tập sinh dễ dàng có được visa hơn và không làm gắt trước những trường hợp mà người chủ muốn tuyển dụng nhân viên. Nhưng chính sách này chỉ áp dụng cho các công việc yêu cầu rất ít việc học hành hoặc kỹ năng như công việc bán hàng tại kombini (các cửa hàng nằm khắp nơi tại góc đường) hay trong các lĩnh vực lâm nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng và chế biến thực phẩm.

Nhật Bản có thể nới lỏng thời gian cư trú cho thực tập sinh từ ba lên năm năm. Ông Abe cũng cho biết sẽ giảm thời gian cư trú ngắn hạn cho người nhập cư sống tại Nhật Bản trước khi đủ điều kiện để cư trú vĩnh viễn tại đây, từ 5 năm xuống dưới 3 năm.

Tất cả điều này là điểm khởi đầu để tạo ra sự khác biệt. Năm ngoái, số lượng người nước ngoài cư trú tại Nhật đạt con số kỷ lục 2,23 triệu người, tăng 72% so với hai thập kỷ trước đây và số lượng người có visa ngắn hạn cũng tăng.

Tuy nhiên, những nỗ lực này có vẻ nhằm mục tiêu gia tăng số lượng người làm việc tạm thời và người lao động có tay nghề mà không khuyến khích sự gia tăng người nhập cư trên quy mô lớn.

Bằng chứng là trong năm 2015, chỉ có 27 người người nước ngoài có được quốc tịch Nhật Bản, chiếm 0,4% ứng viên nộp đơn, một con số rất nhỏ.

Một vài tiếng nói vẫn ủng hộ việc mở cửa rộng rãi hơn. Hidenori Sakanaka, một người nhập cư hiện giờ đang là trưởng ban nhập cư Nhật Bản, ước tính rằng đất nước cần 10 triệu người nhập cư trong vòng 50 năm tiếp theo.

“Ít nhất, Nhật Bản cần có một chính sách rõ ràng hơn về việc đưa lao động nước ngoài vào làm việc, chứ không phải bỏ qua việc lạm dụng visa du học và thực tập sinh”, Shigeru Ishiba, một nghị sĩ nổi bật trong Đảng Dân chủ Tự do, người được kỳ vọng sẽ thách thức vai trò lãnh đạo đảng này của ông Abe trong năm 2018 cho biết. “Chính phủ cần phải đưa ra con số cụ thể bao nhiêu người nhập cư muốn thu hút và trong khung thời gian nào”.

Quan điểm của cộng đồng

Dư luận về việc nhập cư cũng đang thay đổi tại Nhật. Theo một cuộc khảo sát gần đây của WinGallup, người Nhật ủng hộ mở rộng chính sách nhập cư chiếm 22%, chống đối là 15% và một con số khổng lồ 63% người được khảo sát cho biết họ không chắc chắn.

Dù vậy, một vòng tay ấm áp chào đón người nhập cư là điều khó có thể xảy ra. Người Nhật không có những phong trào chống lại việc nhập cư mạnh mẽ như ở châu Âu nhưng họ có niềm tự hào dân tộc. Và, dù các phương tiện truyền thông đại chúng không còn đổ lỗi cho người nhập cư là nguyên do xảy ra các tệ nạn xã hội, thì sự phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến.

Nhiều chủ nhà không cho người nước ngoài thuê nhà, Li Hong Kun – một nhà môi giới nhà đất người Trung Quốc cho biết. Nguyên nhân được cho là vì người nhập cư không tuân thủ nhiều nguyên tắc chẳng hạn như không gây tiếng động sau 10h đêm hay phân loại rác đúng cách (một công việc tương đối vất vả).

Người khác thì cho rằng các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu là một nguyên do cần phải giữ nước Nhật riêng cho người Nhật.

“Dù người Nhật sống tại Brazil được khuyến khích trở lại Nhật vào những năm 1980, nhưng chưa bao giờ họ thực sự được chấp nhận”, Tatsuya Mizuno, tác giả của một cuốn sách về cộng đồng cho biết.

Đinh Lộc

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên