MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản và nghịch lý thừa việc làm nhưng lương không tăng

02-11-2017 - 15:29 PM | Tài chính quốc tế

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang phải đau đầu để chuyển đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thành động lực tăng lương, qua đó kích thích thị trường tiêu dùng trong nước. Điều trớ trêu ở đây là dù tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng các tập đoàn vẫn không chịu chi thêm cho nhân viên.

Mới đây, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định vẫn giữ nguyên chương trình nới lỏng tiền tệ, đồng thời hạ mức dự báo lạm phát thấp hơn nữa so với mức mục tiêu. BOJ cho rằng chính thái độ tiết kiệm của những tập đoàn và các hộ gia đình đã khiến lạm phát không thể đạt mức mục tiêu mong muốn để họ nâng lãi suất, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật đã xuống dưới 3%.

Ví dụ như vùng đảo Fukui ở Nhật Bản với dân số khoảng 780.000 người và có tỷ lệ việc làm bình quân trên mỗi lao động khả dụng là 1,98 tính đến tháng 9 vừa qua, mức cao thứ 2 sau thủ đô Tokyo. Dẫu vậy, mức lương bình quân tháng tại đây lại suy giảm từ đầu năm đến nay.

Theo Tokai Tokyo Reserch Center, hiện Nhật vẫn còn rất nhiều người già và phụ nữ chưa tham gia vào lực lượng lao động và khi số người này tham gia xin việc, tình trạng tăng lương sẽ còn trở nên xa vời hơn nữa.

Câu chuyện Nhật Bản gặp khó khi cố gắng đạt mức lạm phát mục tiêu 2% dù tỷ lệ thất nghiệp thấp đang cho thấy những lúng túng của các nhà hoạch định chính sách khi áp dụng theo các lý thuyết kinh tế truyền thống. Điều này cũng gây ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các chuyên gia kinh tế khi chuyên gia Phillips Curve cho rằng mối tương quan giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát không còn chính xác như trước.


Tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu

Tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu

“Khi tương lai kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện hơn, những công ty này sẽ đầu tư, thuê thêm nhân viên, nâng lương và giá sản phẩm. Hiện chúng tôi vẫn chưa ở thời điểm đó”, Thống đốc Haruhiko Kuroda của BOJ giải thích về quyết định giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ vừa qua.

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra chương trình nớí lỏng định lượng (QE) sau khi nền kinh tế gặp khủng hoảng do thị trường chứng khoán và bất động sản xì hơi đầu thập niên 1990. Tiếp sau đó, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng buộc phải thực hiện chính sách này do cuộc khủng hoảng năm 2008.

Kể từ đó đến nay, BOJ đã tăng cường gấp đôi chương trình mua lại trái phiếu cũng như nới lỏng tiền tệ nhằm đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức mục tiêu 2% nhằm tránh rủi ro giảm phát và tăng trưởng chậm trong thời gian dài.

Dẫu vậy, trong khi FED đã bắt đầu tăng lãi suất còn ECB giảm dần chương trình nới lỏng tiền tệ thì BOJ vẫn kiên trì với chính sách này nhằm tránh rủi ro thắt chặt tiền tệ quá sớm và ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế.

Từ năm 2015 đến nay, FED đã nâng lãi suất 4 lần và đang có kế hoạch cắt giảm danh mục tái đầu tư mua vào trái phiếu để cân bằng thị trường với tổng giá trị 4,5 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, ECB đã có những dấu hiệu giảm dần chương trình mua lại trái phiếu còn Ngân hàng trung ương Anh thì đã bắt đầu có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Richard Yetsenga của ANZ Banking Group, rất nhiều nền kinh tế đang có số liệu khá tốt sau khi áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ nhưng mức lương và tỷ lệ lạm phát lại không chịu đạt mức mục tiêu theo lý thuyết.

Hiện nền kinh tế Nhật Bản đang có đà tăng trưởng lâu nhất trong 16 năm qua và thị trường chứng khoán đang ở mức đỉnh trong 2 thập niên. Bởi vậy, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng cuối cùng tỷ lệ lạm phát và mức lương tại đây rồi sẽ tăng.

“Nếu ở vị trí của chính phủ Nhật Bản, tôi sẽ không vội từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ”, chuyên gia kinh tế trưởng Klaus Baader của Societe Generale tại Châu Á Thái Bình Dương nói.

Theo AB

Thời Đại

Trở lên trên