MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nhân đóng cửa doanh nghiệp này lại mở doanh nghiệp khác

Nhiều doanh nhân đóng cửa doanh nghiệp này lại mở doanh nghiệp khác

Chính các doanh nhân đã đóng cửa doanh nghiệp trước đó đã mở cửa lại hoặc thành lập doanh nghiệp mới. Họ chuyển đổi ngành nghề khác, mở công ty khác để đáp ứng yêu cầu kinh doanh mới.

Bốn tháng đầu năm nay, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân tương đương 14,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có gần 19.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 63.400 doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 16.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Những số liệu này không mới, nhưng tới nay vẫn xuất hiện những ý kiến băn khoăn trong dư luận.

Trước khi bàn luận về số doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, cần nêu thực tiễn số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể hoặc chờ làm thủ tục giải thể. 4 tháng qua, đặc biệt sau tác động đa chiều của đại dịch Covid-19, cả nước có 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có gần 12.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 23,3% so với cùng kỳ 2020.

Theo cách hiểu thông thường, nhiều người sẽ nhìn nhận ở 2 khía cạnh: lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, chờ làm thủ tục giải thể cao là hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường. Khía cạnh thứ 2, ở giai đoạn hiện tại, số doanh nghiệp diện này tăng cao hơn cùng kỳ trước là do “ngấm đòn từ đại dịch”.

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: "Chúng ta thấy có rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, chờ làm thủ tục giải thể. Tuy nhiên, phản ứng chung của phần nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ là tạm ngưng để đợi xem các xu hướng mới như thế nào chứ không phải ngừng.

Thứ 2, cộng đồng kinh doanh mong muốn gia nhập thì trường vẫn là cao. Bản thân chúng tôi khi quan sát từ thời điểm đỉnh dịch của giai đoạn dịch đầu tiên thì hình dung số liệu này sẽ giảm nhiều, tuy nhiên con số cho thấy đã không phải như vậy. Chúng ta cũng có thể nhìn vào những con số khác nữa, đó là tổng số vốn đăng ký vào thị trường cho thấy quyết tâm của những doanh nhân trong mong muốn triển khai các hoạt động của mình vào thị trường mạnh mẽ hơn trước, rất tích cực".

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình đồng thuận quan quan điểm này, ông cho rằng những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ giai đoạn trước đã mang tới niềm tin cho cộng đồng kinh doanh nói chung. Nếu không vì tác động của đại dịch Covid-19, điều này sẽ được thể hiện rõ hơn. Cú sốc Covid-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thương trường nhưng điều hành kinh tế vĩ mô hợp lý, đặc biệt sau thành công bước đầu của việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội” theo tinh thần Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ tiếp tục tạo dựng niềm tin nơi các doanh nhân, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Lê Duy Bình dẫn chứng, chỉ trong tháng 4 vừa qua có gần 14.900 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký là 179.900 tỷ đồng, tăng tới hơn 59%. Tính chung 4 tháng, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký đạt gần 628.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

"Có một điểm tôi đánh giá rất cao đó là đầu tư tư nhân thể hiện qua số lượng doanh nghiệp đăng ký dù tình hình dịch bệnh rất khó khăn. So với đầu tư nước ngoài thì đầu tư tư nhân như thế này chúng tôi tin rằng chính là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế cả năm nay cũng như những năm tiếp theo" - Tiến sỹ Lê Duy Bình nhận định.

Nhìn lại con số thống kê này, cùng kỳ năm trước – giai đoạn đầu tiên toàn nền kinh tế chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, doanh nhân Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CenGroup còn diễn giải, cho thấy những chiều hướng tích cực hơn, khẳng định sự thích ứng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt.

Theo ông Phạm Thanh Hưng: "Nửa đầu năm 2020 chúng ta ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ cần 3 tháng không có doanh số hoặc phải giãn cách xã hội là lập tức phải đóng cửa nếu không sẽ tiếp tục phải gánh những chi phí cố định không thể tạo ra doanh số như chi phí về nhân sự, địa điểm, ví dụ như ngành khách sạn-nhà hàng còn là chi phí mặt bằng… Nhưng sau đó, ngay chính những doanh nghiệp mở cửa lại hoặc thành lập mới được công bố ngay sau đó, tôi biết, phần nhiều do chính các doanh nhân đã đóng cửa doanh nghiệp trước đó. Họ chuyển đổi ngành nghề khác, mở công ty khác, để đáp ứng.

Cho nên thực ra không có nghĩa số lượng doanh nghiệp đóng cửa tương ứng với số doanh nhân ngừng hoạt động kinh doanh của mình, thậm chí như tôi biết có nhiều bạn còn mở ồ ạt hơn trong những lĩnh vực khác, ví dụ thay vì đóng cửa nhà hàng họ mở ra hệ thống cung cấp đồ ăn và giao hàng tận nhà. Đấy là những phản ứng rất là tốt. Việc đáp ứng nhanh với sự thay đổi nhu cầu của thị trường là sự cần thiết đối với tất cả doanh nhân, doanh nghiệp nói chung".

Những góc tiếp cận thực tiễn từ giới doanh nhân, chuyên gia phần nào mang tới dòng thông tin mới cho dư luận nói chung – góp phần diễn giải những con số tưởng chừng đầy mâu thuẫn của cơ quan thống kê. Đó là bản chất của sự biến mất hay xuất hiện và xuất hiện trở lại trên thương trường của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt thời gian gần đây, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đầy biến động do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch.

Theo Thu Trang

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên