MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều khách hàng lo sợ mất trắng tiền góp vốn mua chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở Vinaland

30-11-2016 - 09:10 AM | Bất động sản

6 năm trước, CP Đầu tư Bất động sản Việt Nam (VNI) đã phát hành chứng chỉ quyền mua nhà ở Vinaland cho hàng trăm người, dưới hình thức khách hàng cho VNI vay tiền như một khoản tiết kiệm để được mua nhà tại các dự án do công ty làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn, nhà thì chưa có, tiền không lấy lại được, trong khi dự án bị VNI rao bán. Hàng trăm khách hàng đã trót mua chứng chỉ ở đây bắt đầu hoảng loạn và gửi đơn kêu cứu khắp nơi.

Có hai dự án mà VNI bán theo hình thức phát hành chứng chỉ. Đó là dự án căn hộ Vinaland Tower và Chợ Phước Long (quận 7, TP.HCM). Riêng Vinaland Tower, theo quy chế Quỹ Tiết kiệm nhà ở do VNI công bố trước đây, VNI phát hành chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở với mệnh giá 5 triệu đồng/chứng chỉ. Mỗi chứng chỉ tương đương 1m2 sàn nhà, người mua nộp tiền hàng tháng trong kỳ hạn 60 tháng.

Khách hàng được ưu tiên lựa chọn căn hộ trước khi chào bán ra bên ngoài. Đến kỳ hạn, nếu công ty vẫn chưa xây dựng nhà, người mua có quyền đòi lại tiền với lãi suất bằng 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Tuy nhiên, mới đây HĐQT VNI đã thông qua việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trình lên cổ đông việc chuyển nhượng 2 dự án trên với giá tối thiểu là 390 tỷ đồng và phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, HĐQT sẽ trình thông qua việc chuyển nhượng dự án Vinaland Tower với giá trên 140 tỷ đồng và chuyển nhượng dự án chợ Phước Long với giá 250 tỷ đồng.

Được biết dự án Vinaland Tower tọa lạc tại đường 15B Nguyễn Lương Bằng, P. Phú Mỹ, Quận 7, TP. HCM . Dự án có tổng diện tích sản xây dựng là 31.7 ngàn m2 với mật độ xây dựng là 22.5%, gồm 22 tầng với 288 căn hộ. Dự án đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng từ năm 2013, tuy nhiên năm 2015, công ty gặp bế tắc trong việc tiếp tục hoàn thành thủ tục.

Đối với dự án chợ Phước Long, đây là dự án phê duyệt quy hoạch từ năm 2014, do VNI đầu tư và phát triển có diện tịch 10,000 m2 với hơn 700 sạp hàng. Việc thoái vốn tại dự án chợ Phước Long được đề xuất khá bất ngờ, bởi trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 10/9/2016, HĐQT chỉ đề cập tới việc thoái vốn tại dự án Vinaland Tower mà không nhắc gì đến dự án trên.

Khi nghe được thông tin này, hàng trăm khách hàng đã ký hợp đồng cho VNI vay vốn để có được quyền mua nhà, giúp VNI thu về hàng chục tỷ đồng đang "sống trong sợ hãi" do lo sợ tiền mất mà nhà cũng không thấy.

Chẳng hạn như trường hợp của chị Hồng Phúc, một khách hàng mua 1,5 chứng chỉ VNI. Theo trình bày của chị Phúc, vì mong muốn có được một chỗ ở giá hợp lý, chị đã tin tưởng đóng cho VNI số tiền hơn 700 triệu đồng, nhưng suốt nhiều năm qua, VNI không xây dựng dự án, cũng không trả lại tiền.

"Đọc qua thông tin báo chí mới biết được chủ đầu tư này đang muốn bán dự án do khó khăn về tài chính, gia đình chúng tôi hoảng hốt nhưng không biết gặp ai ở công ty để hỏi. Nếu quả thật như vậy thì không biết số tiền mà chúng tôi bỏ ra sẽ đi về đâu bởi nhiều năm qua chờ mãi dự án vẫn là bãi đất trống không", chị Phúc tâm sự.

Tương tự, anh Hà ở quận Bình Thạnh đã mua 1 chứng chỉ VNI từ đầu năm 2009, đã đóng gần 300 triệu đồng, cũng đang đứng ngồi không yên. Anh cho biết, đã nhiều lần đến công ty đòi tiền, nhưng VNI liên tục từ chối.

Với trường hợp của anh Thành Tín, ngụ tại quận 1 thì khá bi đát! Khi nghe được lời chào mời mua chứng chỉ để có quyền mua nhà tại dự án này khá hấp dẫn, anh đã vay mượn ngân hàng và bạn bè để mua 2 chứng chỉ.

Đến nay anh đã góp hơn 800 triệu đồng nhưng chủ đầu tư vẫn "im hơi lặng tiếng", trong khi hàng tháng anh phải trả lãi ngân hàng gần 20 triệu đồng, căn nhà nhỏ 25m2 của anh cũng đang "cắm" trong ngân hàng. "Hiện tại nhà đâu không thấy nhưng tôi vẫn phải trả lãi tiền nợ gốc đã vay mượn khắp nơi. Nếu tình trạng này không sớm giải quyết chắc tôi phải bán luôn căn nhà đang ở vì khả năng chịu đựng đã cạn", anh Tín tâm sự.

Một khách hàng khác cũng đã mua chứng chỉ của VNI, cho biết bắt đầu ký hợp đồng cho VNI vay tiền từ tháng 1/2009, mỗi tháng anh phải đóng cho VNI số tiền 10,2 triệu đồng cho các chứng chỉ. Sau khi đóng hơn 10 đợt với số tiền hơn 100 triệu đồng, do thấy dự án không xây dựng, anh dừng không đóng nữa.

Khi hết thời hạn cam kết, anh đến công ty đòi tiền, nhưng bị công ty liên tục từ chối, đến nay số tiền gốc lẫn lãi vẫn chưa được thu hồi. Số tiền lãi quá hạn và tiền lãi phạt đã gần gấp đôi số tiền gốc.

Tương tự, hàng trăm khách hàng khác cũng đã chờ đợi mỏi mòn quyền được mua nhà của VNI nhưng vẫn không được hồi đáp. Theo thông tin tìm hiểu, do chủ đầu tư không có câu trả lời thoả đáng về trường hợp này, hơn 100 khách hàng chuẩn bị tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp để sau đó cùng ký vào đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng và các sở ban ngành liên quan.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, ở đây giữa hai bên đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự dựa trên các giao kết tự nguyện, tức là chịu trách nhiệm dân sự về việc huy động và góp vốn. Trong trường hợp giả sử công ty này tuyên bố phá sản, khách hàng coi như mất trắng. Cuối cùng để đòi lại quyền lợi, khách hàng phải tìm đến toà án để giải quyết.

Cũng theo ông Châu, xu hướng phát triển thị trường địa ốc hiện nay đang buộc một số chủ đầu tư chọn phương thức chứng khoán hoá để huy động vốn phát triển dự án. Thay vì đóng tiền mua một căn nhà, nền đất thì với những người không nhiều tiền có thể mua các chứng chỉ loại này để được quyền mua từng m2 nhà ở, qua thời gian góp vốn sẽ được quyền mua cả căn hộ.

Tuy nhiên, khách hàng phải xem xét thật kỳ uy tín và năng lực thực sự của bên huy động vốn đến đâu, chứ không thể nhắm mắt chạy theo số đông.

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện HĐQT công ty VNI cho rằng mục tiêu ban đầu của VNI khi thực hiện huy động vốn của khách hàng là quyết tâm xây dựng dự án. Tuy nhiên, đến năm 2015, khi công ty gần như đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, thì nội bộ phát sinh mâu thuẫn. Một số thành viên HĐQT, cổ đông sáng lập đã thay đổi mục tiêu định hướng ban đầu, thay vì phát triển, họ lại muốn chuyển nhượng dự án cho đối tác chỉ định, khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.

“Bản thân tôi đã nhiều lần phản đối quyết liệt, vì việc này là bất hợp pháp, lừa dối, bội tín với khách hàng, có khả năng dẫn đến tranh chấp, kiện tụng, gây hậu quả xấu cho cổ đông, nhưng họ vẫn không quan tâm”, vị này cho biết.

Ông Châu cũng cho biết thêm khách hàng trước hết cần bình tĩnh để có thời gian hai bên ngồi lại với nhau đưa ra các giải pháp thiết thực giải quyết. Nhiều năm qua VNI được điều hành bởi một tiến sĩ, cũng có tiếng tăm trên thị trường BĐS cả nước, tuy nhiên do nội bộ đang xuất hiện nhiều mâu thuẫn nên khách hàng là đối tượng "chịu trận".

Giải pháp tối ưu nhất mà VNI có thể thực hiện là tìm cách hoán đổi quyền mua nhà của khách hàng sang một dự án khác tương đương. Thứ hai, trong trường hợp vụ việc kéo dài, chủ đầu tư buộc phải tính đến phương án trả lãi số tiền khách hàng đã góp để đảm bảo uy tín của mình.

Đáng chú ý, được biết tháng 3/2009 Vinaland đã ngừng phát hành chứng chỉ quỹ này.

Vì sao Vinaland ngừng phát hành chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở?

Nam Phong

Thời Đại

Trở lên trên