MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều khoản thu ngân sách đang đà giảm

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện 5 tháng đầu năm ước đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây.

Trong đó, thu nội địa đạt 321,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,9% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015, đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ 2 năm gần đây.

Thu từ dầu thô tháng 5 ước tăng 450 tỷ đồng so với tháng 4, chủ yếu do giá thanh toán trong kỳ đạt 42 USD/thùng, tuy vẫn giảm 18 USD/thùng so với giá dự toán, nhưng đã tăng 3 USD/thùng so với tháng trước. Luỹ kế 5 tháng xấp xỉ 15,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2% dự toán, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng dầu thanh toán 5 tháng ước đạt 6,65 triệu tấn, bằng 47,5% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân 5 tháng khoảng 38,1 USD/thùng, giảm 21,9 USD/thùng so giá tính dự toán.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 58,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng chi NSNN 5 tháng bằng 36,6% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 68 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ xấp xỉ 64,55 nghìn tỷ đồng; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 332 nghìn tỷ đồng.

Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ước đến hết tháng 5 vốn giải ngân cho các dự án là 67,1 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 35,3% kế hoạch); vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt khoảng 21% kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 27,8% kế hoạch).

Bội chi NSNN 5 tháng ước đạt 70 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.

Đến hết ngày 31-5-2016, đã thực hiện phát hành được 147.044,27 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bằng 66,84% kế hoạch, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.

Tuy các khoản thu không được như mong đợi, song phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác thu NSNN 2016 được tổ chức mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng: Chúng ta còn dư địa cho nguồn thu thông qua các biện pháp như chống chuyển giá, chống thất thu, nợ đọng,...

Tuy nhiên, về lâu dài, các đơn vị như Thuế, Hải quan cần song hành tháo gỡ khó khăn cho DN để DN phát triển tạo nguồn thu chứ không được gạn, ép thu. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần chú trọng quản lý thu đúng, đủ, kịp thời vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu; đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện đầy đủ, kịp thời vào NSNN lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ.

Ngoài ra, ngành Tài chính tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát, tập trung vào các đối tượng có rủi ro cao về thu ngân sách như: Dầu khí, xăng dầu, hàng không, ngân hàng, điện lực, thiết bị viễn thông, ô tô, dược phẩm, kinh doanh bất động sản, DN kinh doanh nhà hàng, khách sạn…; DN có vốn liên kết, DN chuyển giá, DN FDI… Đặc biệt là kiểm soát hoàn thuế GTGT chặt chẽ.

Trong động thái mới đây, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị yêu cầu Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) phải chi trả cổ tức năm 2015, bổ sung cân đối ngân sách năm 2016.

Theo Nghị quyết số 99/2015/QH13, Quốc hội giao dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 có một khoản là 55.000 tỉ đồng. Khoản này bao gồm lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty CP có vốn góp do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và số lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn.

Đây là một trong những biện pháp góp phần thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn phải đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán.

Theo H.Vân

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên