MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng vẫn chật vật xử lý nợ xấu

11-07-2018 - 19:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời, xử lý nợ xấu ở các TCTD đã hiệu quả lên đáng kể. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều khi không ít ngân hàng chưa hết chật vật để rao bán tài sản đảm bảo trong thời gian vừa qua, dù tổ chức đấu giá nhiều lần và liên tiếp hạ giá.


Theo số liệu của NHNN, từ năm 2012 đến hết tháng 3/2018, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được hơn 753 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đáng chú ý, số nợ xấu xử lý theo Nghị quyết 42 đạt tổng cộng 100,5 nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch HĐTV VAMC- ông Nguyễn Tiến Đông từng phát biểu trong một buổi toạ đàm ngành ngân hàng rằng, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, hiệu quả xử lý nợ xấu cao gấp rưỡi so với các thời kỳ trước. Đã có những biểu hiệu tích cực hơn trong xử lý nợ trong thời gian qua khi các ngân hàng tự tin và chủ động hơn để tự xử lý, ý thức trả nợ của khách hàng cũng tốt lên nhiều.

Thêm vào đó, chính bản thân VAMC cũng có những bước chuyển. Trước đây, VAMC mua nợ xấu chủ yếu bằng trái phiếu đặc biệt và phân tích các khoản nợ xấu từ 30 tỷ trở lên. Tuy nhiên, từ 2018, VAMC hạn chế việc mua nợ xấu và phát hành trái hiếu đặc biệt, tiến hành phân tích, phân loại các khoản nợ xấu từ 10 tỷ trở lên và thực hiện mua bán đứt đoạn (mua theo cơ chế thị trường).

Không thể phủ nhận những tín hiệu tốt trong quá trình xử lý nợ xấu của toàn ngành. Thế nhưng, nhìn nhận một cách toàn diện, Nghị quyết 42 cũng không phải là đũa thần giúp giải quyết được hết tất cả vướng mắc, quan sát cho thấy nhiều nhà băng thời gian qua vẫn còn đang rất khó khăn, chật vật với các khoản nợ xấu lớn, đặc biệt trong việc đấu giá tài sản đảm bảo.

Đầu năm 2018, Sacombank thông báo đã bán đấu giá thành công và ký hợp đồng với các đối tác trong việc chuyển nhượng 3 tài sản bất động sản lớn tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An, tổng giá trị hợp đồng là 9.200 tỷ. Đây là một trong những trường hợp thành công tiêu biểu trong xử lý tài sản bảo đảm kể từ khi có Nghị quyết 42.

Tuy nhiên để có kết quả này, 2 lần bán công khai của ngân hàng đều thất bại và phải giảm giá tới 900 tỷ đồng mới thành công. Đồng thời Sacombank không nhận được ngay luôn 9.200 tỷ đồng mà chỉ nhận được 920 tỷ đồng tiền đặt cọc, số tiền còn lại 8.280 tỷ được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm, ân hạn 2 năm đầu và phí trả chậm 7,5%/năm.

Không được may mắn như Sacombank khi xử lý được khối tài sản khủng trên, nhiều ngân hàng lớn khác đang phải chật vật với khâu đấu giá khi dù giảm giá mạnh, phân tách tài sản theo nhóm để đấu giá vẫn chưa kết quả.

Agribank từ đầu năm đến nay đã phải nhiều lần hạ giá khởi điểm cho các tài sản bảo đảm, số lần thông báo đấu giá cùng 1 tài sản đến 4, 5 lần. Gần nhất, nhà băng này đã phải giảm giá chào bán tới 77 tỷ đồng xuống còn 207 tỷ cho loạt tài sản đảm bảo của Công ty CP Khoáng sản Miền Trung. Chỉ trong năm nay, Agribank đã thông báo đấu giá cho tài sản này tới 3 lần, mỗi lần giá lại giảm một ít nhưng vẫn chưa nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra mua. Số nợ xấu mà Khoáng sản Miền Trung để lại tại Agribank lên tới 230 tỷ đồng, cả gốc lẫn lãi.

Không chỉ vất vả với tài sản đảm bảo của Khoáng sản Miền Trung, Agribank còn liên tục chào bán tài sản của công ty LifePro nhưng mãi không thành. Đã là lần thứ 5 Agribank tổ chức chào bán, giá giảm 55 tỷ đồng so với lần đầu tiên, thậm chí quyết tâm hơn khi chấp nhận cả phương án đấu giá theo nhóm tài sản; phiên đấu giá dự kiến mới đây vẫn phải lùi lại.

BIDV cũng đang đẩy mạnh siết nợ các tài sản bảo đảm của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn cho khoản nợ gốc 1.208 tỷ đồng và dư nợ lãi 1.070 tỷ đồng. Giá khởi điểm ban đầu được đưa ra là 845 tỷ đồng nhưng BIDV đã quyết định gia hạn thời gian nhận hồ sơ vì không ai mua.

Một số ý kiến cho rằng, việc liên tục điều chỉnh giá chào bán, hoãn phiên đấu giá nhiều lần cho thấy định giá tài sản của các ngân hàng vẫn còn chưa chuẩn, khiến việc xử lý nợ xấu kéo dài, mất thời gian và công sức.

Một số khác thì thêm rằng, không chỉ vấn đề xác định giá tài sản đảm bảo, ngân hàng hiện còn vướng mắc không ít ở tình trạng ách tắc khâu kê khai thuế, nộp thuế; hay các khoản vay có liên quan đến các vụ án và đang trong quá trình điều tra, xét xử khiến việc xử lý tài sản bảo đảm kéo dài,…

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên