MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều người đang “dị ứng” với độc quyền, sao ngân hàng và bảo hiểm lại cố đua nhau “độc quyền”?

09-10-2017 - 08:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Độc quyền thường mang ý nghĩa không mấy tích cực vì khiến cho người dùng cảm thấy họ không được tự do lựa chọn các nhà cung cấp sản phẩm mà họ cho rằng tốt nhất.

Ai cũng biết độc quyền trong nền kinh tế không được xã hội ngày nay dành cảm tình, vì độc quyền sinh ra nhiều thứ mà người dùng không phải lúc nào cũng là đối tượng được lợi. Họ đều muốn kinh tế theo quy luật thị trường tức là có thêm nhiều người tham gia để cạnh tranh nhau về chất lượng từ đó giá thành trở nên dễ chịu hơn.

Tuy nhiên gần đây trong lĩnh vực tài chính ngân hàng lại có sự việc lạ đi ngược xu hướng chung, ấy là các ngân hàng và hãng bảo hiểm đua nhau ký thỏa thuận “độc quyền” về phân phối bảo hiểm.

Chẳng hạn, Sacombank và Dai-ichi life hợp tác 20 năm, Techcombank với Manulife hợp tác 15 năm, Nam A Bank độc quyền với PWD 15 năm, rồi mới đây nhất là SHB cũng hợp tác động quyền với Dai-ichi life trong 15 năm. Hẳn có nhiều người sẽ phân vân về trường hợp của Dai-ichi life vì sao đã độc quyền mà lại với những 2 ngân hàng? Câu trả lời là Dai-ichi độc quyền là bán sản phẩm bảo hiểm của họ, một mình họ được bán cho khách hàng của Sacombank, rồi cũng chỉ mình họ được bán cho khách hàng của SHB, tức là độc quyền một phía chứ không phải độc quyền cả hai phía.

Và câu hỏi đặt ra là, tại sao họ lại tính chuyện độc quyền mà không phải để mở như trước đây khi nhiều hãng bảo hiểm có thể hợp tác với ngân hàng và tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng?

Chia sẻ với chúng tôi, một chuyên gia tài chính cho biết, trước hết chiêu bài này là có sự tính toán của cả hai bên. Với bảo hiểm, họ đã khôn ngoan khi chủ động đi tìm khách hàng thông qua các ngân hàng – một nguồn khách hàng vô cùng lớn lại dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với cách tiếp cận truyền thống. Hơn nữa, những khách hàng ấy cũng nhiều tiềm năng, đều là các khách hàng thực và rất chất lượng bởi họ là những người đang sử dụng dịch vụ ngân hàng, giúp bên bảo hiểm tiết kiệm được đáng kể chi phí trong bước đầu phân loại khách hàng.

Còn phía ngân hàng, sẽ chẳng dại gì họ lại đi dùng chiêu độc quyền là liên kết với bảo hiểm để hạn chế nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng, vì như thế có thể tự làm hại mình, tự mình đuổi khách hàng đi. Nhưng vì sao họ vẫn làm? Đó là bởi các ngân hàng này đã nghiên cứu kỹ lưỡng cả đối tác lẫn nhu cầu khách hàng và thấy rằng đó là sự lựa chọn tốt nhất cho họ. Đối tác liên kết có thể mang lại cho họ nhiều lợi ích không chỉ về mặt kinh tế, lợi nhuận trước mắt mà còn về chiến lược sau này. Khách hàng nếu không có nhu cầu sử dụng bảo hiểm cũng chẳng sao, còn nếu có thì rõ ràng có thêm cơ hội để tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm uy tín mà ngân hàng đã lựa chọn một cách thuận lợi và an tâm hơn.

Tóm lại, sự độc quyền của ngân hàng và bảo hiểm trong trường hợp này không phải hoàn toàn vì bản thân họ để rồi triệt tiêu sự cạnh tranh của kinh tế thị trường hoặc làm thiệt hại cho khách hàng, mà ngược lại là hướng đến sự hài lòng và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu khách hàng.

Tại buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác của ngân hàng SHB với Dai-ichi Life cuối tuần trước, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sự hợp tác giữa một ngân hàng với định chế tài chính lớn sẽ mang lại cơ hội cho khách hàng hai bên nhiều tiện ích vượt trội khi sử dụng các sản phẩm bảo hiểm, ngân hàng. “Tôi tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ mở ra cho cả hai có bước phát triển vượt trội mới, đồng thời tạo sức lan tỏa tích cực trong hệ thống tài chính ngân hàng, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính ngân hàng của Việt Nam, giúp các TCTD nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng phát triển trong tình hình mới”, ông Tú nói.

Về việc các ngân hàng hợp tác với bảo hiểm, các chuyên gia còn đánh giá rằng, với sự chuyển dịch dần theo hướng tăng nguồn thu phi tín dụng để nâng cao hệ số an toàn, nâng cao hiệu quả trong kinh doanh đang diễn ra ngày càng rõ nét, thì việc hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm nhân thọ là xu thế tất yếu. Trong việc hợp tác với Manulife mới đây, Techcombank đang có kỳ vọng sẽ nâng doanh số thu phí bảo hiểm lên đến 10.000 tỷ trong vòng 5 năm tới, tức gấp khoảng 20 lần so với hiện tại, còn Sacombank thì hi vọng nguồn thu từ hoa hồng phí bảo hiểm sau liên kết với Dai-ichi Life dự kiến sẽ đóng góp 15-20% trong tổng thu dịch vụ của ngân hàng thời gian tới.

Ngọc Thảo

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên