MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nhà bán lẻ di động tuyên bố dừng hoạt động, chấp nhận doanh số bằng 0 đợi diễn biến mới

26-07-2021 - 14:15 PM | Thị trường

Bên cạnh việc đóng toàn bộ cửa hàng, một số hệ thống bán lẻ cho biết sẽ ngừng luôn các hoạt động bán hàng online.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27/4) nhiều hệ thống bán lẻ di động đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, các cửa hàng bán lẻ buộc phải đóng cửa hoàn toàn, doanh số giảm mạnh.

Đặc biệt, một số hệ thống bán lẻ còn thông báo ngừng tất cả hoạt động kinh doanh kể cả giao hàng online. Theo đó, vào tháng 6, hệ thống Hnam Mobile đã đóng toàn bộ các cửa hàng để đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng trong mùa dịch, không bán hàng online. Theo đại diện Hnam Mobile, hệ thống này đã bị giảm 100% doanh số trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.

"Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng, chúng tôi đóng toàn bộ 100% cửa hàng hơn một tháng nay và vẫn chưa biết thời gian nào được hoạt động trở lại. Ngoài các chi phí điều trị F0, cách ly F1, công ty vẫn phải chi trả một phần lương cho nhân viên để đảm bảo được đời sống cá nhân. Chúng tôi chi rất nhiều mà lại không có nguồn thu nên đang gặp khó khăn lớn", đại diện hệ thống Hnam Mobile nói.

Nhiều nhà bán lẻ di động tuyên bố dừng hoạt động, chấp nhận doanh số bằng 0 đợi diễn biến mới - Ảnh 1.

Ông Mai Triều Nguyên nhận định 2021 là năm kinh doanh khó khăn.

Theo ông Mai Triều Nguyên - Giám đốc hệ thống Mai Nguyên, sau khi có thông tin shipper tại TP.HCM chỉ được chở các mặt hàng thiết yếu, công ty đã cho tạm ngưng các hoạt động kinh doanh online từ ngày 25/7 đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

"Với việc ngưng 100% các hoạt động kinh doanh thì không còn cách nào gọi là để ‘sống sót’, ngoài việc ngồi mong chờ tình hình ổn định. Công ty đã làm việc với đối tác cho thuê mặt và điều chỉnh lương của các nhân viên để cân đối, có thể tiếp tục kinh doanh sau dịch", ông Nguyên nói.

Ông Xuân Hòa, đại diện hệ thống XT Mobile cho biết trước đây vẫn có thể giao hàng về tỉnh được. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống đã cho tạm ngưng bán online vì các tỉnh đều có ca dương tính và việc giao hàng rất khó khăn.

"Tất cả nhân viên của công ty đều đang được nghỉ tạm thời. Công ty đang hỗ trợ các bạn 100.000 đồng/1 ngày. Nếu tình hình khó khăn hơn, dịch kéo dài qua tháng 8 hoặc tháng 9 thì tuỳ theo tài chính, công ty sẽ đưa ra quyết định khác để ứng phó. Kịch bản xấu nhất sẽ bỏ bớt mặt bằng và cắt giảm nhân sự", ông Hòa chia sẻ.

Kinh doanh smartphone được hơn 5 năm nhưng đây là lần đầu tiên anh Tuấn Thanh phải đóng cửa hàng ở quận 10, TP.HCM từ tháng 4 để về quê sinh sống. Anh Thanh cho biết mùa dịch nên lượng khách hàng giảm nhiều. Hiện tại, anh phải đóng 30-40 triệu tiền mặt bằng hằng tháng.

"Nếu dịch Covid-19 cứ tiếp tục kéo dài khoảng 2 tháng nữa cùng với việc không thể thương lượng đối tác cho thuê nhà tôi sẽ trả lại mặt bằng trong thời gian tới", anh Thanh nói.

Đại diện các hệ thống bán lẻ đều cho rằng 2021 được xem là năm kinh doanh khó khăn nhất từ trước đến nay.

"Thật ra, năm ngoái dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát nhưng chúng tôi kinh doanh thành công. Nguyên nhân đến từ việc các đợt bùng phát dịch năm 2020 diễn ra khá nhẹ. Giữa các trận dịch thì nền kinh tế có vài tháng để phục hồi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ, tình hình dịch bệnh trở nên căng thẳng liên tục và chưa có dấu hiệu suy giảm. Nếu cuối tháng 8 dịch bệnh được kiểm soát thì chưa chắc bán được hàng vì người dân đã bị ảnh hưởng trong thời gian dài và có tâm lý tiết kiệm tiền hơn để phòng trường hợp bùng phát dịch tiếp theo. Tôi cho rằng trong năm nay để tồn tại được đã là thành công", ông Nguyên nhận định.

Song Tử

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên