MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều “nút thắt” xuất khẩu nông sản Việt đang dần được tháo gỡ

17-07-2018 - 21:23 PM | Thị trường

Những "nút thắt" trong xuất khẩu nông sản đang được gỡ dần, tạo đà cho nông nghiệp Việt Nam khơi thông thị trường để bứt phá.

Hàng loạt các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được cấp "visa" sang các thị trường khó tính, trong đó có chôm chôm sang Úc, xoài sang Mỹ, vải thiều sang Nhật. Đáng chú ý, mới đây, lần đầu tiên thịt lợn tươi của Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch...

Trước tín hiệu đáng mừng, rõ ràng, những "nút thắt" đang được gỡ dần tạo đà cho nông nghiệp Việt Nam khơi thông thị trường để bứt phá.

Nhiều “nút thắt” xuất khẩu nông sản Việt đang dần được tháo gỡ - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông sản có nhiều tín hiệu lạc quan. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quý I/2018, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt 4,08%, mức tăng cao nhất trong vòng 13 năm. 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.


Ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD trong năm nay. Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị sơ kết công tác 6 tháng của Bộ NN&PTNT hồi cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung cao vào giải pháp thị trường.

Hiện nay, sức sản xuất nông sản Việt Nam rất tốt, nhưng vấn đề quyết định nhất vẫn là thị trường. Do đó, năm nay ngành nông nghiệp đã tập trung nhiều nhóm giải pháp mang tính chất chủ động để tháo gỡ thị trường kể cả mở rộng, khai thác và sắp xếp thị trường, Bộ trưởng Cường cho hay.

Theo "tư lênh" ngành nông nghiệp, bên cạnh các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, cần tập trung nghiên cứu mở rộng những thị trường mới còn nhiều dư địa. Bên cạnh đó, cần quay trở lại tổ chức thị trường trong nước thật tốt.

Khâu sản xuất làm sao phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Cùng với đó, tiếp tục cải cách hành chính, các quy trình thủ tục, thanh tra chuyên ngành cần phải giảm đầu mỗi, giảm bớt thủ tục. Một lô hàng chỉ làm ở một đầu mối để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Trong thế giới thương mại hiện nay, ngoài yếu tố thị trường, sự thành công còn được tạo nên bởi khả năng cung cấp sản phẩm đúng yêu cầu, đúng hạn cũng như tuân thủ tiêu chuẩn của nhà mua hàng.

Với xu thế toàn cầu hóa, rủi ro khi sản phẩm và nguyên vật liệu không được giao đến đúng hạn và/hoặc không đáp ứng được các yêu cầu theo thỏa thuận cũng ngày càng tăng. Do đó, việc đảm bảo hàng hóa theo đơn đặt hàng phải đáp ứng những thông số kĩ thuật đã được đặt ra là điều hết sức cần thiết.

Trên thực tế đã có những lô hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cả mặt hàng nông sản, bị đối tác nhập khẩu trả về do không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật. Và câu chuyện "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam cũng là bài học đáng nhớ khiến các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nỗ lực hết mình để "gỡ".

Bà Phạm Thị Nhàn, cán bộ cấp cao chuyên về thương mại quốc tế của TÜV Rheinland Vietnam - công ty 100% vốn đầu tư của Đức - chia sẻ: Việc khẳng định chỗ đứng của hàng hóa Việt Nam tại thị trường quốc tế này sẽ góp phần mở rộng danh tiếng của Việt Nam đến các khách hàng trên toàn thế giới.

Theo đánh giá của bà Nhàn, Trung Đông là khu vực giàu tiềm năng đối với hàng nông sản Việt. Hầu hết các nước ở khu vực này có nền nông nghiệp chưa phát triển, năng suất thấp, không đáp ứng được nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân nên nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các loại trái cây miền nhiệt đới là rất cao.

Thêm vào đó, bà Nhàn cho rằng, nhu cầu thủy sản để thay thế cho thịt trong các bữa ăn tại đây tăng làm cho nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản từ Việt Nam cũng tăng đáng kể. Đây sẽ là thị trường tiềm năng nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, để khai thác tốt thị trường này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình, cần có định hướng chiến lược đảm bảo các mục tiêu: nâng cao khả năng cạnh tranh, chú trọng việc cải thiện giá trị sản phẩm, tích cực tham gia và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và xã hội các nước Trung Đông để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu đặc trưng từ thị trường, bà Nhàn thông tin./.

Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên