MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều quy định vô lý, doanh nghiệp dệt may "kêu cứu"

“Rất nhiều nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp luôn phải chịu áp lực”...

Doanh nghiệp dệt may vẫn bị thanh tra, kiểm tra nhiều cùng với những quy định vô lý làm khó. Đó là những nội dung được doanh nghiệp phản ánh tại “Hội nghị đối thoại phản ánh khó khăn, vướng mắc về các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh” do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức ngày 23/11.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, cho biết, nhiều kiến nghị của Vitas đã được các bộ, ban, ngành nghiên cứu nghiêm túc và từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, một số vấn đề trong quá trình giải quyết còn kéo dài hoặc tháo gỡ chưa triệt để.

Doanh nghiệp cần môi trường thuận lợi

Ông Trần Phương Cách, Tổng giám đốc Công ty may sông Hồng Phú Thọ phản ánh, từ tháng 5 đến nay, công ty nhận được 4 quyết định: kiểm tra sau thông quan, kiểm tra chế độ chính sách với người lao động.

Mặc dù thời gian kiểm tra 5-7 ngày nhưng để đáp ứng được yêu cầu thì doanh nghiệp mất hàng tháng chuẩn bị.

Ông Cách nhận xét: “Chúng ta cần có môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn, không nhất thiết có nhiều cuộc kiểm tra như vậy. Có lẽ, Chỉ thị 20 đã có nhưng không thiêng”.

Đại diện Công ty Cổ phần dệt công nghệ Hà Nội cũng cho biết, trong 1 năm phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, nhiều phiền phức. Nội dung kiểm tra chồng chéo về môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy, an ninh quốc phòng, phòng chống dịch.

Từ đầu năm tới nay có 4 đoàn kiểm tra liên quan tới môi trường từ cấp quận, phường, phòng tài nguyên môi trường quận, Sở Công Thương..., ông Giang kiến nghị, cần nghiên cứu, xem xét kiểm tra số lượng phù hợp, đỡ gây phiền phức cho doanh nghiệp.

Kết quả kiểm tra cần liên thông giữa các cơ quan ban, ngành với nhau, tránh trùng lặp, khiến doanh nghiệp phải giải trình nhiều.

Ông Giang dẫn chứng một câu chuyện xảy ra cách đây 2 tháng ở Tổng công ty May Việt Tiến. Một đội dọn vệ sinh của quận Tân Bình đi dọn thấy hố ga công cộng bên ngoài địa phận của May Việt Tiến có bùn. Họ đòi gặp lãnh đạo doanh nghiệp lập biên bản vi phạm môi trường. “Rất nhiều nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp luôn phải chịu áp lực”, ông Giang nhấn mạnh.

Cần cải cách bộ máy thực thi

Ông Hoàng Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Thuận Thành thẳng thắn nói: “Nhà nước kiến tạo, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhưng không ai nói đến cải tạo nhận thức của cán bộ công chức. Chính bộ phận này khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực. Doanh nghiệp muốn phát triển cần có quan hệ với các cơ quan ban, ngành chức năng tạo điều kiện, nhưng các đơn vị này luôn kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp”.

Ông Khang cho biết, khi doanh nghiệp mới thành lập đã có đoàn kiểm tra môi trường, phòng cháy chữa cháy tới. Vì mới thành lập chưa đầy đủ nên bị nộp phạt.

Sau khi hoạt động được 2 năm vẫn chưa có được giấy phép xây dựng. Vậy làm sao doanh nghiệp phát triển được?

Ông Khang cho biết thêm, cán bộ kiểm tra sau thông quan tới 4-5 ngày từ sáng đến tối mịt. Họ đi hết phòng ban này đến phòng ban khác hỏi toàn những câu không có trong hệ thống văn bản quản lý nào cả.

“Nhận thức của cán bộ, công chức hải quan có vấn đề”, ông Khang nhận định. Việc nhập khẩu thiết bị công nghệ hiện đại, nhập khẩu vật tư để sản xuất cũng bị cán bộ vặn hỏi tại sao lại mua giá rẻ hơn người khác và qui kết có hành vi gian dối, gian lận.

“Do đó cải cách thủ tục hành chính trước tiên cần cải cách bộ máy thực thi”, ông Khang bức xúc.

Ở khía cạnh khác, đại diện Tổng công ty May Nhà Bè phản ánh về việc giá tính thuế với phần nguyên vật liệu dư thừa và lỗi mốt của hàng sản xuất xuất khẩu.

Quy định đối với hàng huỷ của sản xuất gia công thì cho phép không phải nộp thuế, còn với hàng sản xuất xuất khẩu thì phải nộp thuế. Trong khi đó, hàng gia công là của chủ nước ngoài, hàng xuất khẩu thì chủ là doanh nghiệp trong nước.

Vị đại diện này cho rằng, như vậy có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong khi Chính phủ đang có chính sách hướng doanh nghiệp dệt may tiến tới OBM (tự thiết kế, sản xuất, phân phối).

Thực tế, với sản phẩm gia công lỗi, nguyên liệu dư thừa thì đề nghị khách hàng nước ngoài mang về nước họ nhưng họ cũng không mang về vì số nguyên phụ liệu thừa đó không sử dụng được, hoặc phế phẩm, phế liệu, không thu được lợi gì, nếu mang về nước họ thì mất chi phí quá lớn.

“Có những lúc đốt mấy chục nghìn mét vải rất tiếc, còn nếu bán thì giá rất thấp không đủ tiền nộp thuế. Nên doanh nghiệp chấp nhận hình thức tiêu huỷ”, vị đại diện May Nhà Bè bày tỏ.

Khoản 13 điều 144 Thông tư 38 quy định: hàng hoá xuất nhập khẩu nằm trong sự giám sát của hải quan vi phạm buộc phải tiêu huỷ và đã tiêu huỷ thì không phải nộp thuế. Nghĩa là doanh nghiệp bị lập biên bản vi phạm phải tiêu huỷ thì không phải nộp thuế.

Còn với doanh nghiệp làm ăn chân chính chỉ là hàng sản xuất dư thừa, lỗi thì phải nộp thuế khi tiêu huỷ. Điều này thật nghịch lý, đánh đồng giữa doanh nghiệp vi phạm với doanh nghiệp không vi phạm.

Theo Hương Loan

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên