MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều rủi ro cho ngành bán lẻ Việt Nam trong hội nhập

Ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua, tuy nhiên hiện đang gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ.

58% doanh nghiệp thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ Việt Nam khiến cho hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm tham vấn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 6/7 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Hiện nay, doanh nghiệp nội địa đang bộc lộ những điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình...

Theo khảo sát của VCCI, có tới 58% doanh nghiệp thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư TPP, EU vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khiến cho hoạt động của họ trở nên khó khăn hơn.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nêu ý kiến, Việt Nam phải tạo được môi trường hết sức thuận lợi cho việc phát triển ngành dịch vụ bán lẻ, với những khuyến khích mạnh mẽ và hết sức cởi mở của nhà nước trong phát triển doanh nghiệp và thị trường bán lẻ

“Cần giải quyết các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp như vốn kinh doanh, mặt bằng bán lẻ, hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo, nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực, hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp về thông tin, nghiên cứu thị trường, những kinh nghiệm của quốc tế và quan trọng nhất là cập nhật công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng bán lẻ”, bà Loan đề cập.

Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, đa phần các doanh nghiệp tỏ ra khá lạc quan, và cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp học hỏi và có thêm nguồn cung hàng hóa phong phú với giá cả hợp lý hơn.

Do đó, theo các chuyên gia, việc tìm ra những khoảng trống để Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp doanh nghiệp bán lẻ nội địa nâng sức cạnh tranh trong hội nhập được cho là rất cần thiết trong lúc này. Trong tổng thể, những hỗ trợ của Nhà nước sẽ có ý nghĩa lớn về định hướng phát triển ngành bán lẻ một cách hệ thống và bền vững, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát.

Bà Lê Mai Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam kiến nghị: Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận nhiều hơn các cuộc hội thảo lớn hoặc ở Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương có những chương trình an toàn thực phẩm hoặc có những chương trình có thể khuếch trương được sản phẩm thì có thể cho chúng tôi tham dự.

Đặc biệt là các hội chợ có thể miễn phí cho những doanh nghiệp mới vì chúng tôi đang phải chịu lỗ. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thủy sản thực phẩm sạch cho chúng tôi vay ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi./.

Theo Bảo Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên