MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại thị trường hàng hóa 2017: Giá thép, đồng tăng mạnh; nông sản mất giá

02-01-2018 - 21:56 PM | Thị trường

Kết thúc năm 2017, giá các mặt hàng kim loại tăng mạnh từ 30-50% trong khi giá nông sản giảm do được mùa.

Kim loại công nghiệp, khí gas hóa lỏng và thép kết thúc năm 2017 đầy khả quan do Trung Quốc thắt chặt quản lý ô nhiễm môi trường. Nhu cầu nhiên liệu sạch và nguyên liệu thô cho phát triển nền công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng mạnh.

Kết thúc năm 2017, giá dầu đạt ngưỡng cao nhất chưa từng có trong vòng hơn 2 năm do nhu cầu tăng và nỗ lực cắt giảm nguồn cung của các quốc gia xuất khẩu dầu khí chủ chốt.

Trong năm 2018, các chuyên gia dự đoán việc các nền kinh tế lớn liên tục tăng trưởng và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng khiến giá của các hàng hóa công nghiệp và năng lượng đạt đỉnh nhiều năm.

Chuyên gia tại Futures International Terry Reilly nhận định: "Tôi nhận thấy thời kỳ giá thấp của các loại nguyên vật liệu đã kết thúc do các quỹ đầu tư tập trung hơn vào các loại hàng hóa này trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tăng trưởng mạnh".

Nhu cầu và giá cả những kim loại được sử dụng để sản xuất dây điện, pin năng lượng mặt trời trong ngành năng lượng tái tạo trong đó có đồng tăng mạnh. Tương tự đối đối với nhôm được sử dụng để sản xuất xe điện.

Giá đồng và nhôm tăng gần 30% trong năm 2017 lên ngưỡng cao nhất trong vòng 4 năm trong tuần giao dịch cuối cùng năm 2017 lên mức lần lượt 7.321,5 USD và 2.284,75 USD/tấn.

Pan Pacific Copper- công ty sản xuất đồng lớn nhất Nhật Bản kỳ vọng giá đồng sẽ còn tiếp tục tăng hơn 25% trong vòng 2 năm tới do nhu cầu trên toàn thế giới tiếp tục tăng, vượt cả nguồn cung.

Giá palladium tăng 57% trong năm 2017 và chạm ngưỡng cao nhất kể từ năm 2001 vào hôm thứ 5 tuần trước, đạt 1.072 USD/ounce. Chuyên gia Filippo Finocchi cho rằng: "Việc doanh số bán hàng các dòng xe hybrid và xe chạy xăng tăng kéo theo giá palladium cũng tăng theo. Hoạt động sản xuất các dòng xe này chiếm 75% nhu cầu palladium".

Giá thép thanh Thượng Hải tăng gần 50% trong năm nay do chính phủ Trung Quốc đóng cửa các nhà máy sản xuất thép kém chất lượng đồng thời cắt giảm sản lượng thép để bảo vệ môi trường và rút lượng thép dư thừa. Bên cạnh đó, kế hoạch tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh cũng làm cho nhu cầu thép tăng cao trong khi nguồn cung bị thu hẹp, từ đó giá thép được đẩy mạnh trong năm 2017.

OPEC cắt giảm sản lượng dầu, nhu cầu khí gas của Trung Quốc tăng mạnh

Giá dầu Brent phá vỡ ngưỡng 67 USD/thùng trong tuần giao dịch cuối cùng năm 2017. Tính chung trong năm 2017, giá dầu Brent tăng 17%.

Giá dầu Brent được hưởng lợi từ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga nhằm tái cân bằng thị trường, đưa trữ lượng dầu thô xuống mức trung bình 5 năm và đẩy giá dầu tăng lên.

Giá dầu WTI tăng 12% trong cả năm 2017, đóng cửa ở mức trên 60 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối cùng của năm. Đây là ngưỡng giá cao nhất kể từ giữa năm 2015.

Tuy nhiên, yếu tố ngăn cản đà tăng giá dầu lại đến từ việc Mỹ liên tục tăng sản lượng trong bối cảnh giá dầu phục hồi. Kể từ giữa năm 2016, sản lượng khai thác dầu thô cảu Mỹ tăng hơn 16% lên mức gần 10 triệu thùng/ngày.

Khí gas hóa lỏng giao ngay tại thị trường châu Á cũng ghi nhận đợt tăng giá mạnh kể từ tháng 6 khi tăng gấp đôi lên ngưỡng cao nhất kể từ cuối năm 2014 đạt hơn 11 USD/BTU.

Đợt tăng giá này chủ yếu do chương trình chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu sạch khiến hàng triệu hộ gia đình và các ngành công nghiệp chuyển từ sử dụng than sang khí gas.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo. Công suất nhà máy điện toàn cầu đang ở mức khoảng 300 GW gấp 300 lần so với năm 2000, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế. Trong đó, Trung Quốc chiếm 1/3 tổng công suất. Cơ quan này cũng cho hay mỗi năm Trung Quốc đóng góp thêm 50 GW.

Mặc dù vậy, diễn biến giá than cũng khá tích cực trong năm 2017. Giá than Australia tăng 10% lên hơn 100 USD/tấn do Trung Quốc đóng cửa nhiều mỏ than buộc họ phải tăng nhập khẩu.

Năng suất nông sản đạt kỷ lục, giá giảm

Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp kết thúc năm 2017 với giá khá thấp do sản lượng tăng. Giá đường thô giảm 22% trong bối cảnh Tổ chức Đường Thế giới dự đoán lượng đường dư thừa trên thế giới niên vụ 2017/2018 có thể lên tới 5 triệu tấn so với mức thâm hụt 3,1 triệu tấn trong niên vụ 2016/2017.

Giá ca cao ở London kết thúc năm 2017 giảm 20% đánh dấu năm giảm thứ 2 sau khi lao dốc 23% năm trước đó do chịu áp lực bởi sản lượng dư thừa kỷ lục niên vụ 2016/2017.

Sản lượng ngô đạt ngưỡng kỷ lục lần thứ 8 trong vòng 10 năm. Sản lượng đậu tương cũng đạt đỉnh 4 lần trong vòng 5 năm qua, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay. Điều này dẫn đến giá giảm khoảng 5%.

Giá lúa mỳ đang trên đà tăng khiêm tốn 5% trong năm 2017 sau khi diện tích canh tác bị thu hẹp liên tiếp trong 4 năm. Thêm vào đó, nguồn cung lúa mỳ giàu protein suy giảm do hệ quả hiện tượng thời tiết cực đoan La Niña.

Giá cao su Tokyo giảm 18% trong năm 2017 sau khi trở thành một trong những mặt hàng có diễn biến giá tốt nhất trong năm 2016.

Giá cao su giảm 18% năm 2017

Giá dầu cọ giảm 10% năm vừa qua với sản lượng khu vực Đông Nam vượt nhu cầu từ các nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Châu Âu.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Trở lên trên