MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn người Thái 'hung hăng' phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô 40 năm trước, ngành ô tô Việt sẽ học được gì?

Năm 1995, khi công nghiệp ô tô trong nước mới chập chững phát triển thì ở Thái Lan, người ta đã nâng mức tỷ lệ nội địa hóa của ô tô lên 70%. Năm 2010, chúng ta tuyên bố sự thất bại trong những nỗ lực nâng tỷ lệ nội địa hóa của ô tô trong nước lên 60% thì báo chí khu vực coi Thái Lan là ông vua ô tô của Đông Nam Á, còn báo chí quốc tế thì gọi Thái Lan là trung tâm sản xuất ô tô của toàn châu lục.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tuy đã trải qua hơn 20 năm tồn tại nhưng giờ đây vẫn đang phải khó khăn đi tìm đường hướng phát triển cho mình.

Trong bối cảnh này, có một thử thách lớn hơn đang đón chờ công nghiệp ô tô trong nước vào ngay thời điểm những ngày đầu năm 2018. Đó chính là khi mà mức thuế nhập khẩu xe từ ASEAN được hạ xuống 0% và thị trường Việt Nam được dự đoán sẽ tràn ngập các dòng xe giá rẻ từ Indonesia, Thái Lan…

Vẫn đang phải loay hoay thì đã rõ, nhưng nếu nhìn ra chỉ ngay trong khu vực Đông Nam Á thì ô tô Việt Nam hẳn sẽ có nhiều bài học phải học hỏi. Nếu như công nghiệp ô tô Việt Nam không phát triển chính là do chưa có nổi ngành công nghiệp phụ trợ ô tô thì trong khu vực, có một đất nước đã giải quyết rất tốt bài toán này.

Đất nước đó, chẳng đâu xa, chính là Thái Lan.

Còn nhớ, vào năm 1995, khi mà công nghiệp ô tô trong nước mới chập chững phát triển thì ở Thái Lan, người ta đã nâng mức tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trên đất chùa Vàng lên tới 70%.

Năm 2010, chúng ta tuyên bố sự hoàn toàn thất bại trong những nỗ lực nâng tỷ lệ nội địa hóa của ô tô trong nước lên 60% thì cùng lúc, báo chí khu vực coi Thái Lan là ông vua ô tô của Đông Nam Á, còn báo chí quốc tế thì gọi Thái Lan là trung tâm sản xuất ô tô của toàn châu lục (Automotive Hub of Asia).

Từ một chính sách năm 1975: "Anh không tham gia thì mời anh đi về"

Chính phủ Thái Lan bắt đầu cho ngành công nghiệp ô tô nước mình manh nha phát triển từ những năm 1960.

Trong suốt khoảng thời gian đó, có nhiều chính sách được đưa ra, tuy nhiên, có một nhóm đã được thực hiện trong rất hiệu quả giai đoạn từ năm 1975 đến 1999 đã đóng góp phần quan trọng vào vị thế hàng đầu Đông Nam Á của công nghiệp ô tô Thái Lan như ngày nay.

Đó là các chính sách, vừa mang tính tự điều chỉnh, vừa mang tính cưỡng chế, nhằm giúp người Thái được tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô (local content requirement (LCR) regulation). Chính các chính sách này đã giúp cho các ngành công nghiệp phụ trợ ô tô tại Thái Lan phát triển, qua đó trở thành chìa khóa để ô tô Thái Lan cất cánh sau này.

Trở lại thời điểm năm 1975, chính phủ Thái đã buộc các nhà sản xuất ô tô tại Thái Lan lúc đó - đa phần là các hãng nước ngoài - phải mua phụ tùng linh kiện tại các nhà sản xuất địa phương. Quy định này là chính là tiền đề cho chuỗi chính sách sau đó, bởi lẽ trước năm 1975, hầu như đã không có sự tồn tại của nhà sản xuất phụ tùng ô tô địa phương nào ở Thái Lan.

Đồng thời, Chính phủ Thái cũng đưa ra yêu cầu thẳng thắn với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lúc đó về một lộ trình nội địa hóa đối với các loại xe chở khách và xe chở hàng trong tương lai.

Ví dụ, theo như lộ trình này, tất cả các loại xe sẽ có tỷ lệ nội địa hóa năm 1975 là khoảng 25%. Nhưng đến năm 1999, xe chở khách phải đạt được tỷ lệ nội địa hóa là hơn 50%, xe chở hàng chạy bằng diesel thì phải đạt mức trên 70%. Chính phủ Thái Lan rõ ràng đã "lật bài ngửa" rất rõ ràng với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài lúc đó: "Anh không tham gia thì mời anh đi về".

Từ đó, các nhà sản xuất ô tô đã phải đáp ứng ngay bằng cách mở rộng việc sản xuất các linh kiện phụ tùng ô tô ngay trên đất Thái và hạn chế nhập khẩu các linh kiện lắp ráp từ bên ngoài. Một loạt các bộ phận sản xuất linh kiện của các công ty, các công ty con sản xuất phụ tùng ô tô mọc lên trên đất Thái chính là kết quả.

Năm 1974, hãng Siam Nissan mở rộng sản xuất các bộ phận thân xe và bộ phận khung xe trên đất Thái.

Đến năm 1978, Toyota thì thành lập một công ty con chuyên sản xuất linh kiện là Toyota Autobody. Cũng trong khoảng thời gian đó, hãng Isuzu cũng thành lập công ty con có vai trò tương tự là Isuzu Body.

Đồng thời, người Thái cũng đã mời các nhà cung cấp linh kiện ô tô Nhật Bản đầu tư vào Thái Lan, hoặc kết hợp với nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng Thái Lan thông qua những bản thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật.

Những kết quả đầu tiên đã đến với ngành công nghiệp ô tô Thái. Dần dần, khả năng sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô của các nhà lắp ráp trong nước đã phát triển, dẫn đến sự nổi lên của một ngành công nghiệp phụ trợ ô tô tại nước này trong thập niên 70 của thế kỷ trước.

Theo báo cáo của Poapongsakorn và Techakanont (2008) thì vào những năm 1970, người ta nhìn thấy các nhà sản xuất phụ tùng ô tô đặt nhà máy của mình tại khắp các khu công nghiệp ở Bangkok và ở tỉnh Samut Prakan. Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty trong ngành công nghiệp ô tô vốn phát triển ở Bangkok, nay đã lan đến cả những vùng lân cận.

Cần mạnh tay để cho công nghiệp phụ trợ ô tô phải phát triển

Đã tạo được nền móng cho ngành công nghiệp phụ trợ ô tô nhưng chính phủ Thái Lan còn đặt nhiều quyết tâm vươn xa hơn thế.

Trong những năm 1980, Chính phủ Thái sửa đổi chính sách nâng tỷ lệ nội địa hóa (LCR) theo hướng mang đến lợi ích cho ô tô Thái nhiều hơn. Giờ đây, các yêu cầu được chính phủ Thái Lan đặt ra vượt hẳn ra ngoài của chỉ việc lắp ráp ô tô.

Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách Thái Lan đã áp đặt các hạn chế khác như việc các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng buộc phải tìm nguồn cung cấp địa phương cho các bộ phận nhất định, ví dụ như bộ tản nhiệt, pin, ống xả, và bộ phận cho động cơ diesel. Đặc biệt ở động cơ diesel, nếu tỷ lệ nội địa hóa được áp dụng vào năm 1989 là mức 20% thì chính phủ Thái Lan kỳ vọng con số này sẽ tăng đến 70% vào năm 1996.

Sự thay đổi này, giờ được giới làm chuyên gia nhìn nhận lại và được mô tả lại bằng từ "hung hăng" (aggresive). Vào thời điểm đó, có lẽ từ này cũng đúng cho những quyết tâm mãnh liệt muốn xây dựng một nền công nghiệp ô tô vững mạnh của người Thái.

Còn đối với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tại Thái Lan lúc đó, việc chuyển sang sử dụng linh kiện từ các công ty ở trong đất Thái Lan trở thành lựa chọn không thể khác.

Rất nhanh, các công ty Nhật Bản đã phản hồi với chính sách của chính phủ Thái Lan bằng việc kết nối với các nhà sản xuất ngay tại đất Thái và của người Thái.


Mô hình hợp tác giữa các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Thái Lan

Mô hình hợp tác giữa các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Thái Lan

Cần biết rằng trong sản xuất ô tô, mối quan hệ giữa các nhà cung cấp và nhà lắp ráp ô tô qua lại lẫn nhau rất nhiều. Một nhà cung cấp phụ tùng Thái Lan có thể cung cấp các bộ phận cho nhiều nhà sản xuất ô tô ở Nhật Bản hay Hàn Quốc Việc bán cho nhiều khách hàng như vầy đồng thời đã cho phép các nhà cung cấp phụ tùng Thái đạt được tính kinh tế theo quy mô của mình.

Trong quá trình này, người Thái đã học hỏi được rất nhiều từ các nhà sản xuất ô tô, do các hãng này phải cung cấp cả tư vấn kỹ thuật cũng như sự hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội địa. Rút cục, chính phủ Thái Lan đã thành công trong việc thực hiện chính sách đầy "hung hăng" nhưng rất hiệu quả của mình: sự chuyển giao công nghệ đã thực sự xảy ra sau này.


Sản xuất ô tô tại Thái Lan

Sản xuất ô tô tại Thái Lan

Giờ đây, ở những ngày năm 2017 này, công nghiệp ô tô Thái Lan đã vươn lên vị trí số 1 ASEAN và thứ 9 thế giới với sản lượng 2,5 triệu xe được sản xuất vào năm 2013. Hiện ngành công nghiệp này đóng góp khoảng 12% GDP của Thái Lan.

Có lẽ nhìn vào câu chuyện Thái Lan xây dựng thành công ngành công nghiệp phụ trợ ô tô này, công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có nhiều điều cần phải làm.

Theo Vượng lê

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên