MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn từ điệp khúc 'giải cứu' dưa hấu

24-04-2018 - 15:30 PM | Thị trường

Tại một hội nghị lớn do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức mới đây bàn về tiêu thụ dưa hấu, hàng chục DN nhập khẩu nông sản đến từ Trung Quốc tham dự hội nghị đã đưa ra những lí giải vì sao...

Thay vì kiểu trồng dưa bừa phứa rồi quẳng lên xe tải chở lên biên giới Trung Quốc, các bên gồm nông dân trồng dưa, DN xuất khẩu và cả DN nhập khẩu phía Trung Quốc hoàn toàn có thể ngồi lại để lên kế hoạch SX bài bản, tránh tình trạng ùn ứ cửa khẩu, được mùa mất giá.

Nhìn từ điệp khúc giải cứu dưa hấu - Ảnh 1.

SX tự phát, thiếu tổ chức liên kết tiêu thụ đang là bài học cho quả dưa hấu nhiều năm qua



Như NNVN  đã đưa tin, “đến hẹn lại lên”, dưa hấu tại Bình Định sau những ngày được giá ít ỏi ở đầu vụ, đã lại rớt giá thê thảm, mà nguyên nhân được cho là mùa thu hoạch dưa hấu của Trung Quốc cũng vào rộ.

Đây không phải là câu chuyện năm nay mới có. Những năm gần đây, tình trạng dưa hấu miền Trung ùn ùn đổ lên biên giới Lạng Sơn, gây ùn tắc nghiêm trọng mỗi khi tới kỳ thu hoạch chính vụ đã liên tiếp xảy ra. Tại một hội nghị lớn do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức mới đây bàn về tiêu thụ dưa hấu, hàng chục DN nhập khẩu nông sản đến từ Trung Quốc tham dự hội nghị đã đưa ra những lí giải vì sao quả dưa hấu miền Trung năm nào cũng phải “giải cứu”!

Theo các DN Trung Quốc có mặt tại hội nghị này, sở dĩ dưa hấu Việt Nam XK sang thị trường này còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế về số lượng, thứ nhất là việc tổ chức SX chưa đáp ứng được thị hiếu của thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, người Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa hấu vừa phải, với trọng lượng từ khoảng 3 - 4 kg/quả. Trong khi đó, hầu hết dưa hấu Quảng Ngãi là các giống dưa thường có trọng lượng quá lớn, gấp từ 1,5 - 2,5 lần. Bên cạnh đó, mùa dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 8, 9 hàng năm, lệch vụ không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam nên việc NK tương đối hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức SX dưa hấu tại Việt Nam cần phải lệch vụ theo hướng sớm hơn hoặc muộn hơn so với vụ chính của Trung Quốc. Bên cạnh đó, khâu bảo quản, sơ chế đóng gói của các cơ sở thu mua, XK dưa hấu của Việt Nam cũng đang hết sức sơ sài.

Cũng tại hội nghị này, Bộ Công thương cùng các sở ngành của các tỉnh có trồng dưa hấu lớn tại miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên... cũng đã đưa ra những lí giải về tình trạng dưa hấu liên tục rớt giá trong những năm qua.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Thống kê năm 2017, sản lượng dưa hấu cả nước đạt 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêu thụ giữa thị trường trong nước và quốc tế là hết sức chênh lệch (trong nước 80% và XK chỉ 20%), trong đó, lượng dưa hấu XK chiếm tới trên 85% là qua Trung Quốc. Sự mất cân đối giữa tỉ trọng XK và tiêu thụ trong nước không chỉ liên tục dẫn tới những cuộc phải “giải cứu” dưa hấu trong những năm qua, mà còn lộ ra những bất cập lớn trong tổ chức SX để đáp ứng nhu cầu XK loại trái cây này sang thị trường Trung Quốc - một nước vốn cũng trồng nhiều dưa hấu.

Ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Việc chưa hình thành được các tổ chức hợp tác SX, liên kết với các DN tiêu thụ một cách bền vững, có liên kết chặt chẽ đã khiến nông dân trồng dưa hấu một cách tự phát, đa phần SX nhưng chưa xác định được thị trường cả về số lượng, chất lượng và chủng loại sản phẩm. Vì vậy, đã đến lúc các bên, gồm nông dân, HTX, DN xuất khẩu và cả các nhà NK dưa hấu phía Trung Quốc phải cùng nhau ngồi lại, bàn bạc về kế hoạch liên kết SX dưa hấu và các loại nông sản khác một cách bài bản, có kế hoạch hơn, tránh tình trạng tự phát và ùn tắc lặp lại trong năm 2018.

Đẩy mạnh thương mại nông sản với tỉnh Quảng Tây

Tại buổi tiếp ông Trần Vũ, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 20/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục nâng cấp các cơ chế hiện có; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khâu thông quan hàng hóa ở cửa khẩu biên giới; đề nghị Quảng Tây tiếp tục có biện pháp phát triển kinh tế thương mại biên giới; sớm triển khai thí điểm thông quan một điểm dừng, phát triển cơ sở hạ tầng kho bãi, tạo thuận lợi thông thương hàng hóa hai bên... Thủ tướng cho rằng, hai bên có thể nghiên cứu, nâng cấp, xây mới một số cầu để tạo thuận lợi thông thương.

Nhìn từ điệp khúc giải cứu dưa hấu - Ảnh 2.

Ảnh: Lê Bền


Trước đó, tại buổi làm việc trước đó với Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị phía Quảng Tây có ý kiến đối với cơ quan kiểm dịch của Trung Quốc khẩn trương hoàn tất các thủ tục đánh giá rủi ro, cho phép sữa và các sản phẩm sữa, một số loại hoa quả (na, bưởi da xanh, chanh leo...), lợn và thịt lợn… của Việt Nam được XK chính thức sang Trung Quốc, đồng thời, dành thời gian quá độ cho phía Việt Nam trong vấn đề truy xuất nguồn gốc hoa quả NK; tiếp tục tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan cho các mặt hàng nông sản khi vào mùa cao điểm...

Ông Trần Vũ nhất trí hai bên cần tích cực nghiên cứu thúc đẩy thí điểm mô hình “Thông quan một điểm dừng” đối với một số mặt hàng như dưa hấu, thanh long của Việt Nam XK qua các cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; Móng Cái - Đông Hưng, tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa XNK hai bên...

Theo thống kê của phía Quảng Tây, Việt Nam nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Thương mại Việt Nam - Quảng Tây luôn chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc. Năm 2017, kim ngạch thương mại Việt Nam - Quảng Tây đạt 24,12 tỷ USD, tăng 0,4%, trong khi đó Quảng Tây XK sang Việt Nam trên 13,77 tỷ USD, giảm 0,7% nhưng NK lại đạt trên 10,35 tỷ USD, tăng 2%.


Theo Lê Bển

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên