MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn từ thương vụ Vinaconex: Tiền trong nước rất nhiều!

29-11-2018 - 08:52 AM | Doanh nghiệp

Những thương vụ thoái vốn gần đây của Nhà nước thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia cho thấy tiền trong tư nhân còn rất nhiều và sẵn sàng tham gia nếu ‘món hàng’ đưa ra đủ sức hấp dẫn.

Thị trường chứng khoán èo uột cùng với động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây làm dấy lên lo ngại công cuộc thoái vốn Nhà nước bị chậm lại và không đạt kỳ vọng khi thị trường không đủ vốn để hấp thụ nguồn cung khổng lồ. Những thương vụ thoái vốn đình đám như Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh được các đại gia nước ngoài mạnh tay rót vốn sẽ khó tiếp diễn trong bối cảnh thị trường như hiện nay. Tuy nhiên, sự thành công trong bán vốn thời gian gần đây cho thấy nguồn tiền đến từ các nhà đầu tư trong nước cũng rất dồi dào, chỉ cần Nhà nước mạnh tay thoái vốn và ‘món hàng’ đưa ra đủ hấp dẫn để có thể kích thích dòng vốn này.

Thương vụ thoái vốn Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) do Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu thành công ngoài mong đợi khi giá trúng thầu của lô cổ phần do SCIC chào bán đạt 7.366 tỷ đồng, vượt kỳ vọng ban đầu 1.936 tỷ đồng và giá trúng lô cổ phần do Viettel chào bán đạt 2.002,4 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng điểm hấp dẫn của Vinaconex được nhà đầu tư đánh giá cao có lẽ là tài sản đất đai lớn 3,2 triệu m2 đất, trong đó có nhiều khu đất chưa được khai thác hiệu quả. Tuy nhiên trên sàn có nhiều doanh nghiệp vận hành khu công nghiệp có quỹ đất lớn như Kinh Bắc, ITA nhưng giá cổ phiếu các doanh nghiệp này cũng rất bèo bọt. Do đó, việc nhà đầu tư trả giá cao hơn 2.000 tỷ so với giá tham chiếu gây bất ngờ cho toàn thị trường. Cũng có thể, nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Nhà nước rút vốn hoàn toàn tạo điều kiện cho tư nhân nắm quyền kiểm soát giúp Vinaconex có được cơ chế thông thoáng hơn, quyết định nhanh gọn hơn cùng nguồn lực mới sẽ tạo nên bộ mặt mới cho doanh nghiệp.

Nhìn từ thương vụ Vinaconex: Tiền trong nước rất nhiều! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Không chỉ thương vụ lớn như Vinaconex, buổi đấu giá 99,27% vốn CTCP Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng – TKV (Vinacomin Land) do Tập đoàn Công ty Than – Khoáng sản Việt Nam diễn ra vào 22/11 cũng đạt tỷ lệ thành công 100% giúp Nhà nước thu về hơn 195 tỷ đồng. Buổi đấu giá thu hút 6 nhà đầu tư trong nước tham gia với khối lượng đăng ký 29,6 triệu cp, gấp 1,7 lượng chào bán.

Ngoài ra, buổi đấu giá cổ phần của CTCP Giấy Việt Trì do Tổng công ty Giấy Việt Nam – Công ty TNHH sở hữu sắp tới đây (30/11) cũng được kỳ vọng thành công tốt đẹp. Tổng công ty Giấy Việt Nam đăng ký chào bán 2,13 triệu cp Giấy Việt Trì (ứng 29% vốn) nhưng có đến 11 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 6,39 triệu cp, gấp 3 lần. Mặt khác, giá khởi điểm chào bán 27.100 đồng/cp, gấp 2,7 lần mức giá đang giao dịch trên thị trường UPCoM là 10.000 đồng/cp.

Giấy Việt Trì duy trì mức vốn góp chủ sở hữu 73,45 tỷ đồng nhiều năm nay nhưng doanh thu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng trên chục tỷ đồng mỗi năm. Kết quả kinh doanh công ty khá ổn định trong giai đoạn 2014-2016 và tăng trưởng khoảng 30% trong năm 2017. Nửa đầu năm 2018, công ty tiếp tục có bước tiến đáng kể khi doanh thu thuần đạt 584 tỷ đồng, tăng 11% và lãi ròng 11 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Giấy Việt Trì có điểm hạn chế là nợ vẫn còn lớn dù đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Tính đến cuối quý II, nợ gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó riêng nợ vay là 211,3 tỷ gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Do vậy, chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng lớn của Giấy Việt Trì khi ghi nhận trên 25 tỷ đồng mỗi năm, ngốn từ 25-30% lợi nhuận gộp.

Các thương vụ bán vốn trên đa phần từ nguồn vốn trong nước, cho thấy dòng vốn tư nhân khá dồi dào và luôn tìm cơ hội tham gia. Do vậy, ngoài đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thì việc kích hoạt dòng vốn tư nhân trong nước cũng là điểm cần lưu ý. Do đó nếu mức định giá hợp lý, sát với giá trị doanh nghiệp, cùng với lượng chào bán cho phép nhà đầu tư có tỷ lệ chi phối doanh nghiệp sẽ là các yếu tố tạo nên sự thành công của các đợt bán vốn Nhà nước tiếp theo.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

Trở lên trên