MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36, cổ phiếu ngân hàng nổi sóng dẫn dắt thị trường

Theo các chuyên gia phân tích, đối với thị trường chứng khoán, đây được xem là tín hiệu tích cực khi sự nhất quán chính sách nới lỏng liên tiếp được cụ thể hóa bằng các quyết định hợp lý, đúng thời điểm của cơ quan quản lý.

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (24/08), sau chuỗi ngày ảm đạm, nhà đầu tư chứng kiến sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong vai trò nâng đỡ chỉ số và dẫn dắt thị trường.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN đang được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp là động lực chính cho hiện tượng này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mục đích của Dự thảo này là sửa đổi một số quy định tại Thông tư 36 cho phù hợp với tình hình thực tế hoạt động và khả năng tuân thủ của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg), phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD, chi nhánh NHNNg theo hướng điều chỉnh giãn lộ trình thực hiện tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn cho phù hợp với mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

CTCK VPBS tóm tắt, nội dung chính của Dự thảo Thông tư xoay quanh các vấn đề sau:

(1) Giãn thời hạn siết chặt tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cho các TCTD, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng GDP của Chính phủ;

(2) Giảm rủi ro hệ thống thông qua thắt chặt tình trạng sở hữu chéo, cho vay kinh doanh cổ phiếu, đầu tư bất động sản, cho vay đối với các đối tượng nội bộ;

(3) Chỉnh sửa cách tính tỷ lệ an toàn vốn hoạt động cho phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Trong bản tin ngày, CTCK Rồng Việt cho rằng một trong những điểm sửa đổi mà nhà đầu tư quan tâm là việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn so với quy định của Thông tư 06. Cụ thể như sau:

Sự điều chỉnh này của NHNN xuất phát từ Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, theo VDSC sẽ có những tác động tích cực nhất định trong ngắn hạn. Trước hết, việc giãn lộ trình sẽ giảm áp lực lên biến động lãi suất huy động của các ngân hàng (như đầu năm từng chứng kiến một tăng lãi suất huy động cục bộ do hiệu lực của Thông tư 06).

Thêm vào đó, nguồn vốn đáp ứng cho đầu tư trung và dài hạn của các doanh nghiệp sẽ không bị co hẹp đột ngột, các ngân hàng sẽ có thêm thời gian để cơ cấu dần việc cho vay ở các lĩnh vực rủi ro cao sang các khoản cho vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Cùng chung quan điểm, CTCK VCBS đánh giá, quyết định về tỷ lệ tối đa cho phép vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn nâng từ 40% lên 45% áp dụng 1/1/2018 là bước đi tiếp theo trong chuỗi các chính sách nới lỏng nhất quán của Chính phủ cũng như NHNN nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh (1) tăng trưởng tín dụng liên tục ở mức cao trong vòng 7 tháng đầu năm (đạt 9,3%, tăng cao so với mức 8,54% cùng kỳ năm ngoái) và định hướng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu trên 20% cho cả năm; (2) tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn của hệ thống, theo VCBS ước tính, hiện vào khoảng quanh 45% thì động thái thái kể trên của NHNN, nếu được chính thức áp dụng, sẽ hỗ trợ giảm đáng kể áp lực huy động với các ngân hàng thương mại. Thông qua đó, chi phí vốn của các ngân hàng có thể được giữ ổn định hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, đối với thị trường chứng khoán, đây được xem là tín hiệu tích cực khi sự nhất quán chính sách nới lỏng liên tiếp được cụ thể hóa bằng các quyết định hợp lý, đúng thời điểm của cơ quan quản lý.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên