MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhờ “phép màu” của NHNN, Ngân hàng Xây Dựng đã “thay da đổi thịt” thế nào?

10-08-2016 - 08:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ sau 120 ngày chuyển đổi mô hình hoạt động (được NHNN mua lại giá 0 đồng), Ngân hàng Xây dựng đã được thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại.

Nhóm cổ đông phải “bó tay” với ngân hàng âm vốn tới hơn 18.000 tỷ đồng cùng 36 bị cáo ra trước vành móng ngựa nhưng nhờ “phép màu” của NHNN, chỉ 1 năm mua lại bắt buộc giá 0 đồng/cổ phiếu, VNCB giờ đây đã tốt lên rất nhiều.

Thời nhóm bà Phấn, ngân hàng lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ

Theo cáo trạng cùng nội dung các bị cáo và người liên quan khai tại Tòa, kết luận thanh tra ngày 10/7/2012 của NHNN cho thấy, tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng Đại Tín (TrustBank) bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng.

Có 3 nguyên nhân khiến cho ngân hàng thua lỗ, theo kết luận của NHNN là:

Thứ nhất, Bà Hứa Thị Phấn là cố vấn HĐQT và tỷ lệ sở hữu cao tại ngân hàng, thao túng tài chính ngân hàng để phục vụ các dự án, công ty của bà.

Thứ hai, nhóm khách hàng của Công ty Phương Trang đã sử dụng một lượng tiền lớn của ngân hàng Đại Tín mà cụ thể là của nhân dân đã chây ì trả nợ nhằm chiếm đoạt số tiền này của Ngân hàng Đại Tín gây khó khăn cho ngân hàng Đại Tín.

Thứ ba, HĐQT, ban điều hành Ngân hàng Đại Tín vi phạm luật các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng cho nhóm bà Hứa Thị Phấn và Phương Trang.

Phạm Công Danh chi 3.600 tỷ mua lại ngân hàng và vướng vòng lao lý

Không biết gì về ngân hàng vẫn được làm chủ tái cơ cấu

Khai trước tòa, Phạm Công Danh nói rằng ông không biết gì về ngân hàng, tín dụng và đó là sai lầm lớn nhất của ông. Đã nhiều lần, Phạm Công Danh và Phan Thành Mai mang trả đề án tái cấu trúc vì quá sốc với ngân hàng sau khi tiếp quản, ngân hàng thanh khoản kiệt quệ, lại trong diện kiểm soát đặc biệt. Nhưng được các cán bộ thanh tra giám sát NHNN động viên, rằng việc tái cơ cấu chỉ trông chờ vào nguồn lực tư nhân chứ không phải Nhà nước, nên ông lại bước tiếp con đường mà ông không rành.

Phạm Công Danh đã chi 3.600 tỷ đồng trong tổng thỏa thuận 4.700 tỷ đồng với nhóm bà Phấn để sở hữu 84% cổ phần ngân hàng. Cuối năm 2012, tức sau khi nhận ngân hàng từ nhóm cũ được non nửa năm, thì TrustBank đã phải gánh chịu lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng.

Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.

Nguồn cơn thua lỗ, theo các bị cáo, là phải trích lập dự phòng toàn phần cho các khoản vay của giai đoạn trước là nhóm Phú Mỹ và Phương Trang tới 13.000 – 15.000 tỷ, bên cạnh việc ông chủ mới phải chi trả lãi suất ngoài để hút khách hàng giữa lúc ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt không được cho vay.

Những tính toán ban đầu của Phạm Công Danh cùng đề án tái cấu trúc do Phan Thành Mai viết đã không như ý các bị cáo, để rồi vì vướng vào tội cố ý làm trái và vi phạm quy định trong cho vay, đến nay 36 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng và Tập đoàn Thiên Thanh đang phải đứng trước vành móng ngựa vì làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của ngân hàng.

Phép màu của Ngân hàng Nhà nước

Trở lại câu chuyện của TrustBank, tại tòa ngày 8/8, luật sư bảo vệ cho Phạm Công Danh đã hỏi đại diện NHNN rằng, tại thời điểm tháng 7/2012 ngân hàng đã âm vốn 2.800 tỷ đồng, đến cuối năm tình trạng tồi tệ hơn là âm 5.700 tỷ, lỗ lũy kế hơn 8.700 tỷ thì vì sao NHNN trước đó không đặt Trustbank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt?".

Một câu hỏi khác dành cho NHNN của luật sư mà nhiều người cũng muốn biết đó là khi quyết định tái cấu trúc TrustBank, NHNN chủ trương tìm một tập đoàn đủ năng lực tài chính và chấp thuận cho Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu, tuy nhiên Thiên Thanh lại không hề hoạt động liên quan đến ngân hàng. Để sau 2 năm nhóm cổ đông mới vào, Ngân hàng Xây dựng lại ra nông nỗi ấy, 36 bị cáo đứng trước vành móng ngựa thì NHNN có ý kiến gì hay không?

Và “bằng phép màu nào trong vòng hơn 1 năm NHNN đã đưa Ngân hàng Xây dựng từ âm vốn trở thành một ngân hàng đủ năng lực, tiềm năng thực hiện nhiều nghiệp vụ. Phải chăng chỉ NHNN mới đủ năng lực?" là câu hỏi của luật sư đưa ra trước tòa, nhưng cũng khiến nhiều người bận tâm.

Thực tế, Ngân hàng Xây dựng đã có những thay đổi khá ấn tượng kể từ khi thuộc sở hữu của Nhà nước. Từ một ngân hàng 0 đồng, mất thanh khoản vào tháng 3/2015, nhưng đến tháng 6/2016 ngân hàng đã đạt số dư huy động vốn đạt 29.552 tỷ đồng với doanh số huy động vốn tăng ròng trong 6 tháng đạt 2.497 tỷ đồng. Hoạt động xử lý nợ xấu được chú trọng với 500 tỷ đồng bán cho VAMC năm ngoái và tiếp tục bán nợ thêm trong năm nay. CBBank cũng đã tiến hành xử lý nợ xấu tồn đọng cũ từ thời TrustBank với khởi đầu là việc khởi kiện Phương Trang để đòi 3.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, chỉ sau 120 ngày kể từ khi được mua lại giá 0 đồng, tháng 7/2015 đánh dấu sự trở lại đồng loạt các hoạt động kinh doanh của CBBank. Cho đến nay, ngân hàng đã được mở đầy đủ phạm vi hoạt động nghiệp vụ với tất cả các mảng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đối với một ngân hàng thương mại như huy động vốn, sử dụng vốn, cấp tín dụng, trung gian tài chính, cho vay khách hàng cá nhân, bảo lãnh, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đổi mới mạng lưới hoạt động...

Rõ ràng, nhìn vào Ngân hàng Xây dựng ngày hôm nay, không ai tin được chỉ mới hơn 1 năm trước, ngân hàng này còn thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt, âm vốn hơn 24 nghìn tỷ và lỗ lũy kế tới hơn 27.000 tỷ.

Đúng là, Ngân hàng Nhà nước đã có "phép màu".

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên