MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Đăng Khoa và Mai Linh rút khỏi Sala (Thủ Thiêm), về Thủ đô đầu tư dự án 4.500 tỷ

Rục rịch khởi động từ cuối năm 2015, đến nay Hà Nội đã chính thức chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Mai Linh (thuộc sở hữu của ông Trần Đăng Khoa và một số cổ đông khác -PV) làm chủ đầu tư dự án Golden Palace A có quy mô 20ha, trước đây là dự án Tổ hợp tháp dầu khí được “vẽ” cao tới 102 tầng.

Theo quyết định này, tổ hợp dự án này có 3 chức năng chính gồm một công viên giải trí, khu trường liên cấp và tổ hợp văn phòng, nhà ở và thương mại. Trong đó, khu công viên chiếm trên 14,4ha gồm cả hồ điều hòa; khu trường học có diện tích 15.756m2 và khu Tổ hợp nhà ở, văn phòng và TTTM cao cấp có tổng diện tích gần 3ha.

Tổ hợp thương mại, nhà ở và văn phòng này được chia thành 2 khối. Khối thứ nhất được xây dựng 2 cao ốc cao từ 37 đến 44 tầng với tổng số gần 1000 căn hộ. Khối nhà thứ hai là một tổ hợp chung cư cao cấp 44 tầng với tổng số 762 căn hộ. Ngoài ra, khu đất này còn có thêm 22 căn shophouse được xây trên diện tích 5.390m2.

Để đầu tư xây dựng hoàn thiện dự án này, Công ty Đầu tư Mai Linh ước chừng tổng vốn đầu tư khoảng 4.460 tỷ đồng, trong đó vốn tự có chiếm khoảng 15% còn lại là nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Được biết, Golden Palace A trước đây là khu đất được Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã lập một dự án “khủng” với chiều cao của tháp dầu khí lên tới 102 tầng, tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Nhưng sau đó, với chủ trương của Chính phủ là các tập đoàn nhà nước phải thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành, do đó, dự án đình trệ nhiều năm mặc dù năm 2011 PVC đã rút dự án xuống còn 79 tầng (vốn đầu tư 600 triệu USD).

Khoảng giữa 2015, đã có những thông tin Công ty CP Đầu tư Mai Linh được chỉ định làm nhà đầu tư. Nhiều người đặt câu hỏi vậy Đầu tư Mai Linh là ai? Nguồn tiền đầu tư siêu dự án Golden Palace A đến từ đâu?

Ông Trần Đăng Khoa rút khỏi Sala, có khả năng Đầu tư Mai Linh và ông Khoa có hơn 9000 tỷ dồn sức vào Golden Palace A

Có lẽ, những băn khoăn này phải bắt nguồn từ doanh nhân Trần Đăng Khoa, vốn dĩ là người khá nổi tiếng trong giới địa ốc, kể từ khi ông buôn bán rất thành công căn hộ cao cấp ở dự án “nóng bỏng” hồi 2007 là Keangnam Landmark Tower, nên thời đó ông có biệt danh là “Khoa Keangnam”. Từ đó, ông Khoa chuyển sang đầu đầu tư vào nhiều dự án BĐS khác khi lập ra nhiều công ty, trong đó có Công ty CP Đầu tư Mai Linh với 1 số cổ đông Việt kiều khác.

Có thể kể tới như dự án Golden Palace Mễ Trì, Golden Palace Lê Văn Lương (đã hoàn thành), dự án Thành phố Xanh 17ha (đã bán cho Vingroup hiện là Gardenia)…

Đến 2011, tưởng chừng như doanh nhân Trần Đăng Khoa rút khỏi thị trường Hà Nội khi ông cùng với “ông vua ô tô” Việt Nam là Thaco đầu tư vào dự án KĐT mới Sala ở Thủ Thiêm (Tp.HCM) bằng việc lập ra Công ty Đại Quang Minh có vốn điều lệ 4.200 tỷ.

Khi đó, nhóm ông Trần Đăng Khoa chiếm 55% Đại Quang Minh, còn Thaco nắm 45%. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6 năm 2016 thì nhóm ông Trần Đăng Khoa đã rút khỏi Đại Quang Minh.

Bởi, theo giấy chứng nhận đầu tư mới của Đại Quang Minh, cổ đông sáng lập đã được điều chỉnh, theo đó Thaco đã tăng sở hữu từ 45% lên 90%, còn Đầu tư Mai Linh không còn là cổ đông tại Đại Quang Minh, ông Trần Đăng Khoa giảm sở hữu từ 17,5% xuống còn 5%.

Đáng chú ý là báo cáo tài chính của Thaco, cho thấy nửa đầu năm 2016 công ty này đã chi khoảng 945 tỷ để mua thêm 5% cổ phần của Đại Quang Minh với giá 45.000 đồng/cp. Ở báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng đã cập nhật một khoản đầu tư rất lớn hơn 9000 tỷ của Thaco vào đơn vị khác. Rất có khả năng khoản này dùng để mua 45% cổ phần Đại Quang Minh mà nhóm ông Trần Đăng Khoa thoái vốn.

Gia Bảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên