MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm cổ phiếu Sonadezi kéo nhau lên đỉnh

Các công ty thuộc nhóm Sonadezi đa phần có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2018, cộng thêm việc hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất vào các khu công nghiệp giúp cổ phiếu nhóm này đang tăng cao.

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn diễn biến thất thường, thanh khoản yếu và dòng tiền đang tìm đến các nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng. Trong đó, nhóm cổ phiếu liên quan đến Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Sonadezi (UPCoM: SNZ) đang thu hút dòng tiền và có giai đoạn tăng giá khá mạnh.

Nhiều cổ phiếu phá đỉnh

Với riêng cổ phiếu SNZ của "ông trùm" Khu công nghiệp tại Đồng Nai, thị giá tăng nhanh lên mức 20.000 đồng/cp, gấp đôi trong 1 năm qua. Thanh khoản cổ phiếu cũng xuất hiện nhiều hơn kể từ tháng 3.

Nhóm cổ phiếu Sonadezi kéo nhau lên đỉnh - Ảnh 1.

Không chỉ công ty mẹ, nhiều đơn vị thành viên của Sonadezi cũng ghi nhận sự tăng mạnh về giá cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đang kinh doanh mảng khu công nghiệp (KCN).

Cổ phiếu SZL của CTCP Sonadezi Long Thành liên tiếp phá đỉnh và hiện giao dịch trên 47.000 đồng/cp. Cổ phiếu CTCP Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) kể từ khi niêm yết ngày 15/1 đạt đỉnh 20.500 đồng/cp. Hay như CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (HoSE: D2D) cũng tăng gấp đôi giá trong 1 năm qua, hiện giao dịch quanh vùng đỉnh gần 140.000 đồng/cp.

Ngoài ra, một số đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực khác cũng ghi nhận sự tăng giá trong 1 năm qua. Cổ phiếu CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai (UPCoM: DND) tăng đến 127% chỉ sau 1 năm và đang đạt đỉnh 38.400 đồng/cp. Cổ phiếu DNW của CTCP Cấp nước Đồng Nai tăng giá đến 40%.

Cổ phiếu CTCP Dịch vụ Sonadezi (UPCoM: SDV) tăng 34%. CTCP Cảng Đồng Nai (HOSE: PDN) đạt mức giá 84.000 đồng/cp, tức tăng 28% sau 1 năm. CTCP Môi trường Sonadezi (UPCoM: SZE) đạt mức tăng hơn 26%. Tuy nhiên, các cổ phiếu này chưa được chú ý nhiều khi thanh khoản vẫn còn khá hạn chế.

Nhóm cổ phiếu Sonadezi kéo nhau lên đỉnh - Ảnh 2.

Sonadezi kinh doanh ra sao?

TCT Sonadezi có tiền thân là Công ty Phát triển Khu Công nghiệp Biên Hòa được thành lập ngày 15/12/1990 theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản công nghiệp - dân dụng; kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh nước và sản phẩm ngành nước; kinh doanh dịch vụ và sản phẩm hỗ trợ.

Cổ phiếu SNZ của Tổng công ty Sonadezi chính thức được giao dịch trên hệ thống UPCoM kể từ ngày 20/11/2017 với vốn điều lệ đăng ký 3.765 tỷ đồng. Xét theo thị giá 20.000 đồng/cp, ông trùm KCN tại Đồng Nai có mức vốn hóa thị trường hơn 7.500 tỷ đồng.

Tính đến cuối 2018, Sonadezi nắm giữ trực tiếp và gián tiếp cổ phần tại 9 công ty con và 9 công ty liên kết.

Nhóm cổ phiếu Sonadezi kéo nhau lên đỉnh - Ảnh 3.

Danh sách các đơn vị thành viên thuộc Sonadezi.

Do hoạt động chính trong lĩnh vực khu công nghiệp, Sonadezi hưởng lợi lớn từ nền kinh tế phát triển năng động của Việt Nam đang thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, cộng thêm chiến tranh thương mại giúp đẩy mạnh làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Những lợi thế đó bắt đầu thể hiện trong kết quả kinh doanh của Sonadezi. Theo đó, doanh thu năm 2018 tăng 14% lên 4.314 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 794 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2017.

Nhóm cổ phiếu Sonadezi kéo nhau lên đỉnh - Ảnh 4.

Lợi nhuận của SNZ tăng mạnh trong năm 2018.

Là đơn vị hàng đầu về mảng hạ tầng tại Đồng Nai, Sonadezi đã phát triển hơn 11 khu công nghiệp trọng điểm, chiếm 1/3 diện tích KCN tại tỉnh. Ngoài ra, tổng công ty còn đang phát triển KCN lớn tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Một số KCN hàng đầu của Sonadezi như Biên Hòa 1,2, KCN Amata, Châu Đức, Gò Dầu, Giang Điền…

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối 2018, toàn tỉnh có 1.378 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với vốn đăng ký 28,5 tỷ USD, tỷ lệ giải ngân thực tế cao với 20,5 tỷ USD phần lớn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Toàn tỉnh có 31/32 KCN đang hoạt động với 77% diện tích đất cho thuê trong các KCN đã được lấp đầy, đạt tỷ lệ cao nhất Việt Nam.

Các đơn vị thành viên đóng góp lợi nhuận lớn

Kết quả tích cực trong năm 2018 của Sonadezi còn có sự đóng góp rất lớn từ nhóm công ty con, công ty liên kết. Sonadezi cho biết hầu hết các công ty thành viên đều hoàn thành và vượt kế hoạch. Một số đơn vị có kết quả vượt trội như D2D, PDN, SZL, SZC, SDV, Sonadezi An Bình...

Nhóm cổ phiếu Sonadezi kéo nhau lên đỉnh - Ảnh 5.

Doanh thu và lợi nhuận các công ty thành viên Sonadezi.

Với lợi thế đất đai tại huyện Long Thành, các KCN của cả D2D và SZL được đánh giá cao khi hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất, việc triển khai các tuyến đường cao tốc, tuyến đường vành đai cũng như từ hiệu bay quốc tế Long Thành.

Lợi nhuận Đô thị Công nghiệp Số 2 tăng liên tục trong các năm qua. Năm 2018, D2D có lãi hơn 94 tỷ đồng, tăng 25% và EPS đạt trên 7.591 đồng. Trong quý I/2019, công ty tiếp tục báo lãi tăng 78% đạt hơn 39 tỷ đồng.

D2D là đơn vị phát triển KCN Nhơn Trạch 2 với diện tích cho thuê gần 282ha và đã lấp đầy 100%; đồng thời công ty cũng đang tiến hành cho thuê đất tại KCN Châu Đức với diện tích hơn 13ha. Ở các mảng khác, D2D còn là chủ đầu tư dự án Chợ Long Thành diện tích hơn 2ha, phát triển khu dân cư Lộc An hơn 41ha dự kiến hoàn tất trong năm nay, phát triển khu dân cư phường Thống Nhất hơn 34ha…

Với Sonadezi Long Thành, công ty đạt mức tăng 22% về lợi nhuận trong năm 2018 lên 109 tỷ đồng, EPS đạt 4.797 đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận quý I/2019 của SZL lại giảm 20% bởi ảnh hưởng từ giá vốn tăng, doanh thu tài chính giảm, chi phí quản lý tăng cũng như không còn thuế ưu đãi doanh nghiệp.

Tại KCN Long Thành, SZL đã bán được tổng diện tích là gần 21ha trên diện tích đất công nghiệp 309ha, đồng thời triển khai xây dựng, tiếp thị cho thuê giai đoạn 4 và lập hồ sơ quy hoạch giai đoạn 5 để tiếp tục cho thuê. Dự án Cụm công nghiệp Long Phước 1 có tổng diện tích 75ha, công ty đang bồi thường giải phóng mặt bằng gần 43ha. SZL còn thuê lại 50ha đất KCN Châu Đức để xây dựng nhà xưởng cho thuê.

Bên cạnh đất công nghiệp, SZL còn có hoạt động bán đất nền lũy kế bán được 257 nền, công ty cũng đang triển khai đến 7 dự án khu dân cư, kinh doanh xăng dầu, nước sạch…

Một đơn vị khu công nghiệp khác là Sonadezi Châu Đức cũng có kết quả kinh doanh tốt. Năm 2018, SZC ghi nhận lợi nhuận tăng 34% đạt 97 tỷ đồng. Trong quý I/2019, lợi nhuận tăng hơn 20% lên mức 18,5 tỷ đồng.

SZC hiện là chủ đầu tư Khu công nghiệp - Đô thị Châu Đức quy mô 2.245ha (đã bồi thưởng khoảng 1.500ha) và dự án sân Golf Châu Đức 36 lỗ với diện tích 152ha. Trong năm 2018, SZC đã ký được 18 hợp đồng cho thuê đất công nghiệp với diện tích hơn 106ha và có 15 thỏa thuận thuê đất với diện tích hơn 55ha. Tính lũy kế, SZC đã cho thuê hơn 381ha đất công nghiệp.

Cũng nhờ hoạt động các khu công nghiệp trở nên tích cực dẫn đến nhóm các công ty về dịch vụ, môi trường, logistic...cũng được hưởng lợi gián tiếp.

CTCP Dịch vụ Sonadezi đạt mức tăng 16% lợi nhuận trong năm 2018 lên hơn 17 tỷ đồng, cũng là mức lãi kỷ lục của công ty. CTCP Môi trường Sonadezi ghi nhận 28,6 tỷ lợi nhuận năm 2018, tăng 7%. Cấp nước Đồng Nai có lợi nhuận 2018 tăng 165% lên 127 tỷ đồng. Lợi nhuận Cảng Đồng Nai tăng 45% lên 111 tỷ trong năm 2018.


Theo Huy Lê

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên