MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm công tác thị trường vốn đề xuất loại bỏ sàn UPCOM và OTC

Một đề xuất khác được đưa ra là buộc Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của công ty phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc công ty vi phạm thời hạn niêm yết và thủ tục niêm yết.

Sáng ngày 5/12/2016, Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên năm 2016 đã được tổ chức với chủ đề "Nâng cao vai trò kinh tế tư nhân - Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước vì sẽ phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam".

Tại Diễn đàn này, nhóm công tác thị trường vốn đã đề xuất một số giải pháp khá “mạnh tay” để tăng quy mô và thanh khoản của các thị trường vốn.

Thứ nhất, về việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nhóm công tác thị trường vốn cho rằng cần phân định rõ ràng đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán bằng cách quy định cụ thể rằng Luật Đầu tư không áp dụng đối với các công ty đại chúng và quỹ đầu tư đại chúng.

Trước đó, tại buổi họp tham vấn với UBCKNN, ông Kiên Nguyễn – đại diện nhóm này đã phát biểu: Nếu Điều 23 của Luật đầu tư (51% vốn cổ phần trở lên được sở hữu bởi NĐT nước ngoài sẽ bị tính là nhà đầu tư nước ngoài) mà áp dụng với công ty đại chúng và quỹ đại chúng thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ngừng hoạt động.

Nhóm công tác thị trường vốn cũng đề xuất tăng sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, đối với ngân hàng mà Nhà nước là cổ đông lớn và ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thì nâng room ngoại lên 35%; đối với ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, nên cho nước ngoài mua 100%.

Thứ hai, về vấn đề cổ phần hóa, nhóm đề xuất phải cụ thể và công khai lộ trình cổ phần hóa, bao gồm liệt kê tên của các Doanh nghiệp Nhà nước sẽ được cổ phần hóa và dự kiến thời gian thực hiện cổ phần hóa những doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, phải bán ít nhất 20% - 30% doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa. Yêu cầu các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa tuyệt đối tuân thủ thời gian niêm yết và thủ tục niêm yết đối với cả UPCOM, HNX và HOSE. Để điều này được thực hiện đúng thời hạn, nhóm đề xuất tăng mức phạt vi phạm về thời gian niêm yết và thủ tục niêm yết lên 10% lợi nhuận ròng của công ty vi phạm. Đồng thời, buộc Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của công ty vi phạm phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc công ty vi phạm thời hạn niêm yết và thủ tục niêm yết.

Một trong những đề xuất “mới mẻ” nhất được đưa ra là cân nhắc việc loại bỏ sàn UPCOM và OTC, và cân nhắc việc yêu cầu doanh nghiệp niêm yết thẳng tại Sở giao dịch Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh (có thể trong vòng 3 năm từ bây giờ).

Thứ ba, nhóm công tác thị trường vốn đề xuất Chính phủ khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho các quỹ hưu trí tự nguyện. Theo ý kiến của họ, chính sách ưu đãi thuế cho việc đóng góp vào quỹ chưa phù hợp mặc dù chính sách thuế chính là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của các quỹ hưu trí tự nguyện này. Chính sách thuế hiện tại không tạo được động lực và không đủ hấp dẫn để người lao động và người sử dụng lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.

Cũng tại buổi họp tham vấn trước đó, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán đã cho biết đơn vị soạn thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện - Vụ tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) vừa trình Chính phủ dự thảo mới nhất của Nghị định.

Thứ tư, nhóm công tác thị trường vốn cho rằng mức phạt vi phạm áp dụng cho hành vi vi phạm quy định về quản trị doanh nghiệp của công ty đại chúng là chưa phù hợp. Ví dụ, mức phạt 50 triệu đồng cho vi phạm quy định về xung đột lợi ích và giao dịch với người có liên quan áp dụng đối với một giám đốc của một công ty niêm yết là quá thấp.

Do đó, nhóm kiến nghị Chính phủ tăng mức phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về quản trị doanh nghiệp của công ty đại chúng lên 100 triệu đồng hoặc 10% giá trị giao dịch vi phạm, tùy số tiền nào lớn hơn.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên