MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm dầu khí chờ triển vọng 2019

Giá dầu diễn biến thuân lợi, nhiều dự án sắp triển khai từ 2019 là những động lực tăng trưởng của nhóm dầu khí.

Doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận không theo kịp

Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp nhóm ngành dầu khí trong nửa đầu năm cho thấy một nghịch lý đang diễn ra: doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận tăng chưa tương xứng.

Việc giá dầu khí phục hồi cộng thêm khối lượng công việc gia tăng đã giúp cho doanh thu nhóm ngành này nhìn chung có sự tăng trưởng khoảng 34% so với cùng kỳ, trong đó phải kể đến sự tăng mạnh của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Petrolimex (PLX), PV Oil, PV Drilling (PVD), PV Coating (PVB),..

Tăng trưởng tốt về doanh thu nhưng giá vốn cũng tăng mạnh, cộng thêm sự gia tăng về các loại chi phí cũng như hoạt động sắp xếp tái cấu trúc doanh nghiệp khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp tăng trưởng ở mức thấp hơn (trung bình chỉ 13%), thậm chí là thụt lùi và thua lỗ lớn.

Nhóm dầu khí chờ triển vọng 2019 - Ảnh 1.

Ấn tượng nhất trong nhóm dầu khí vẫn là đầu tàu PV Gas (GAS) với doanh thu tăng 18% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 43% đạt 5.872 tỷ đồng. Nếu loại GAS ra danh sách, thì nhóm dầu khí đã suy giảm 15% về lợi nhuận.

Petrolimex vẫn là doanh nghiệp đứng đầu ngành về doanh thu với hơn 96.000 tỷ đồng trong 6 tháng.Doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 6 tháng năm 2018 là 65,46 USD/thùng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2017 (giá bình quân 6 tháng năm 2017 là 49,95 USD/thùng).Lợi nhuận của PLX đứng top 3 toàn ngành, sau GAS và BSR với gần 2.280 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực xăng dầu chiếm 52,5% tổng lợi nhuận hợp nhất nhờ sản lượng xuất bán xăng dầu tăng 9,3% cùng kỳ năm trước.

Cùng ngành bán lẻ xăng dầu, mặc dù lợi nhuận tăng 21% cùng kỳ nhưng nếu so với PLX quy mô của PVOil vẫn còn rất hạn chế, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 28.670 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 204 tỷ đồng.

PV Trans (PVT)PV Coating (PVB) cũng thuộc nhóm lợi nhuận tăng mạnh. Tuy nhiên, lợi nhuận đột biến của PVT lại đến từ doanh thu tài chính, lãi liên kết và lãi chênh lệch tỷ giá; trong khi đó PVB tăng tốt từ hoạt động cốt lõi do ký được hợp đồng và đã triển khai các dự án thi công bọc ống.

PTSC (PVS) cho dù có lãi nhưng đã giảm đến 67% so với cùng kỳ, chỉ còn 213 tỷ đồng mặc dù doanh thu vẫn xấp xỉ nửa đầu năm ngoái. Việc suy giảm là do lỗ của hoạt động khảo sát địa lý và giảm lợi nhuận từ liên doanh, liên kết.

Sự phân hóa lợi nhuận tiếp tục diễn ra khi có 6/13 doanh nghiệp dầu khí được khảo sát có kết quả kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm.

Thua lỗ lớn nhất vẫn là PV Drilling (PVD) với con số 332 tỷ đồng. Đáng chú ý là doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng mạnh 88% lên 2.726 tỷ đồng cho thấy PVD đã có nhiều việc hơn so với cùng kỳ. Việc thua lỗ là do phát sinh chi phí thuế nhà thầu tạm nộp khi giàn khoan hoạt động tại Malaysia; tăng chi phí bảo trì bảo dưỡng giàn khoan; PVD Oversea hoạt động dưỡi giá vốn và lỗ tỷ giá.

Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), PV DMC (PVC) và PVC-MS (PXS) là 3 doanh nghiệp quay đầu thua lỗ trong nửa đầu năm nay với con số hàng chục tỷ đồng.

Chờ triển vọng 2019 về sau

Có thể thấy nhiều doanh nghiệp dầu khí đã bắt đầu có được khối lượng công việc nhiều hơn nhờ giá dầu khởi sắc cũng như nhiều dự án mới sắp đi vào hoạt động.

Theo báo cáo mới đây của SSI Research, ngành dầu khí có một điểm tích cực là giá dầu đang ổn định ở mức cao, trong khoảng 65-70 USD/thùng. Giá trị sản xuất của ngành dầu khí vì vậy có tăng trưởng cao dù sản lượng giảm nhẹ.

Theo ước tính của SSI Research tính chung 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng quy đổi dầu giảm 3% nhưng giá trị tăng 38%. Diễn biến này cũng khá phù hợp với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên.

Ngoài ra, các dự án lớn của ngành dầu khí sắp hoạt động hay nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến đạt 100% công suất vào tháng 9 sẽ tạo ra nhiều việc hơn cho các doanh nghiệp.

Chứng khoán Đông Á cho biết giai đoạn 2018-2020 các dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (Giai đoạn 2), Sư Tử Trắng, Sao Vàng Đại Nguyệt và Lô B Ô Môn sẽ được đấu thầu và triển khai nhanh với khối lượng đường ống 500km sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho PVB (đơn vị gần như độc quyền mảng bọc ống dầu khí).

Cụ thể, PVB có thể triển khai khoảng hơn 500km đường ống mà điểm rơi doanh thu chính bắt đầu từ quý I/2019 và đỉnh điểm từ giữa 2019 đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2018 PVB sẽ bị hạn chế khối lượng công việc khi chờ triển khai các dự án trên.

Chứng khoán HSC nhận định triển vọng PVS sẽ khả quan từ 2019 dù không có dự án Cá Rồng Đỏ nhưng hưởng lợi nhờ khả năng khởi động các dự án lớn như Block B – Ô Môn (giá trị hợp đồng xấp xỉ 1,2 tỷ USD), Sử Tử Trắng giai đoạn 2 (xấp xỉ 500 triệu USD), Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (chưa công bố giá trị hợp đồng), Dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt…

Với tàu FPSO Lam Sơn, HSC cho rằng tàu vẫn hoạt động với giá thuê tạm thời và ở mức khá thấp nên sẽ không đóng góp lợi nhuận đáng kể cho PVS trong năm nay. Tuy nhiên, giá cho thuê dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2019 khi triển vọng giá dầu khả quan.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định nhóm cổ phiếu dầu khi có thể đáng xem xét khi có một số dự án lớn sẽ được khởi công vào năm 2019. VDSC cho biết PXS có thể lỗ trong năm 2018 với mức sụt giảm doanh thu 22%

Nhưng từ năm 2019, công suất suất hoạt động của PXS sẽ được lấp đầy với các hợp đồng mới từ các dự án nhà máy lọc dầu Long Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt, Điện Gió tại Việt Nam và Đài Loan, cũng như là các dự án ngoài khơi lớn như Khối B và Sư Tử Trắng giai đoạn 2. Điều này sẽ giúp cải thiện doanh thu và lợi nhuận gộp của công ty.

Triển vọng giá dầu khả quan cùng nhiều dự án lớn chuẩn bị hoạt động là yếu tố tích cực hỗ trợ cho nhóm dầu khí thời gian tới. Trên thị trường chứng khoán, hầu hết các cổ phiếu dầu khí đã quay đầu tăng mạnh trong thời gian qua như GAS, PVS, PVD, PXS, PLX, PVT,…

Theo Huy Lê

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên