MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm dầu khí, ngân hàng tiếp đà dẫn dắt, Vn-Index hướng tới mốc 985 điểm trong tuần đầu tháng “cô hồn”?

Theo đánh giá của các CTCK, xu hướng tăng điểm của thị trường sẽ được duy trì trong tuần này và mục tiêu Vn-Index hướng đến có thể là vùng 985 điểm.

Tuần giao dịch 6-10/8 diễn ra khá tích cực với đà tăng được duy trì trong gần hết các phiên. Kết thúc phiên giao dịch 10/8, chỉ số Vn-Index dừng tại 968,47 điểm, vượt qua đường kháng cự MA50 và tăng gần 1% so với tuần trước đó.

Việc thị trường tăng điểm trong tuần qua có sự đóng góp không nhỏ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí. Những thông tin về việc bán cổ phần ngân hàng, cũng như PVN sẽ tiến hành thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp dầu khí, triển vọng hồi phục của ngành dầu khí đã giúp dòng tiền đổ vào các nhóm cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, tỷ giá mặc dù đang ở mức cao nhưng đã hạ nhiệt từ đỉnh cùng với việc ngân hàng nhà nước hút ròng hơn 60.000 tỷ đồng để kiểm soát lạm phát là những tín hiệu tích cực từ phía điều hành khiến thị trường có niềm tin hơn

Dù vậy, thanh khoản thị trường lại sụt giảm nhẹ với giá trị khớp lệnh bình quân HoSE tuần qua đạt 3.426 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 3.770 tỷ đồng/phiên trong tuần trước.

Giao dịch khối ngoại cũng là điểm trừ khi họ tiếp tục bán ròng khá mạnh với giá trị gần 3.000 tỷ trên toàn thị trường. Áp lực bán tập trung mạnh vào một số cổ phiếu như VNM, VIC, HPG…Khối tự doanh cũng bán ròng hơn 66 tỷ đồng trong tuần qua. Tuy nhiên, điểm sáng lại xuất hiện ở quỹ ETF nội VFMVN30 khi phát hành ròng 1 triệu chứng chỉ quỹ.

HĐTL 4 kỳ hạn đóng cửa tăng nhưng vẫn thấp hơn một chút so với chỉ số cơ sở VN30, nhưng hợp đồng kỳ hạn dài đóng cửa cao hơn một chút kỳ hạn tháng 8. Đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường khi bước sang tuần sau.

Nhóm dầu khí, ngân hàng tiếp đà dẫn dắt, Vn-Index hướng tới mốc 985 điểm trong tuần đầu tháng “cô hồn”? - Ảnh 1.

Vn-Index hướng tới vùng 985 điểm với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, ngân hàng?

Trong tuần giao dịch tiếp theo, những câu chuyện về ngành dầu khí, ngân hàng có lẽ vẫn tiếp tục là tâm điểm của thị trường. Trong báo cáo mới được công bố, CTCK HSC cho rằng câu chuyện thoái vốn Nhà nước đã lấy lại sức sống và là một trong những câu chuyện ưa thích của thị trường vốn đã lắng xuống từ tháng 4.

Bên cạnh đó là thông tin Thaco đầu tư vào HNG, công ty con của HAG cũng giúp lấy lại hy vọng là nhiều khoản công nợ của HNG tại các ngân hàng chẳng hạn như BID sẽ được cải thiện.

HSC đánh giá động thái Vn-Index hồi phục sau khi giảm xuống dưới 960 điểm vào phiên cuối tuần trước một lần nữa khẳng định rằng có lực mua mạnh ở mặt bằng giá cao hơn mặt bằng giá những tháng gần đây và là dấu hiệu tích cực. Điều này có nghĩa là trước mắt thị trường sẽ vẫn còn tăng. Thông tin từ thế giới vẫn trái chiều. Lo ngại tranh chấp thương mại vẫn ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán khu vực. Tuy nhiên HSC thấy rằng (1) câu chuyện cổ phần hóa, thoái vốn (là yếu tố trong nước và không phụ thuộc thị trường thế giới) đã lấy lại sức sống và (2) trước mắt quan điểm chung cho rằng ảnh hưởng từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với Việt Nam là không lớn và thậm chí có lẽ còn là tia hy vọng cho Việt Nam. Điều này có nghĩa là rủi ro chính đối với thị trường trong tương lai là vấn đề tỷ giá và lạm phát.

Cũng chung quan điểm tịch cực, CTCK SHS cho rằng tín hiệu kỹ thuật trung hạn của Vn-Index đã được cải thiện từ Tiêu cực lên Trung tính khi chỉ số này đã vượt qua được đường MA50 ngày. Điểm tiêu cực hiện tại là khối ngoại vẫn duy trì bán ròng nhưng với lượng đang có xu hướng ít dần đi. Ngưỡng kháng cự gần nhất của chỉ số được xác định tại 985 điểm có thể sẽ được thử thách trong tuần giao dịch tới. Nhìn về dài hạn hơn, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy với các phiên tăng giảm đan xen nhưng xu hướng ngắn hạn có thể vẫn nghiêng về tích cực một chút.

Trong khi đó, CTCK BSC đánh giá chỉ số Vn-Index đang vận động tích cực trên nền 960 điểm và có nhiều cơ hội để tăng trở lại nhờ sự đồng thuận từ nhóm ngân hàng và dầu khí cùng với việc khối ngoại dừng bán ròng.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên