MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cạm bẫy tâm lý trong đầu tư chứng khoán

“Thị trường sinh ra là để đánh lừa mọi người mọi lúc mọi nơi” - Jessive Livermore

Khi giao dịch trên thị trường, rất nhiều cạm bẫy về mặt tâm lý có thể khiến nhà đầu tư mắc sai lầm. Bài viết này giúp nhà đầu tư nêu lên những cạm bẫy cơ bản, để khi mắc phải chúng ta có thể chặn đứng chúng trước khi tài khoản của chúng ta bị chúng thổi bay.

Tham vọng làm giàu một cách nhanh chóng

Khi bước vào đầu tư, nhiều người mang suy nghĩ sẽ kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ thị trường một cách nhanh chóng, tuy nhiên đa phần không nghĩ ngược lại là rủi ro cũng sẽ rất cao nếu chúng ta không đủ kinh nghiệm hoặc có tính cách không phù hợp. Những câu chuyện đồn thổi về những nhà đầu tư huyền thoại với những vụ giao dịch kinh điển mọi thời đại, hoặc đơn giản chỉ nghe thấy bạn bè rỉ tai nhau về lợi nhuận thu được từ thị trường ở mỗi giai đoạn sôi động đã khiến đa số vội vã giao dịch dẫn tới hiện tượng “Over trade” hoặc không quản trị rủi ro chặt chẽ.

Tuy nhiên hãy nên nhớ rằng những câu chuyện trên đa phần chỉ kể cho bạn về một chiều hướng tích cực là giúp bạn làm giàu một cách nhanh chóng, nhưng không kể điều ngược lại. Sự thực là để nổi danh trong giới tài chính những nhà đầu tư huyền thoại cũng đã trải qua một quá trình rèn luyện đủ lâu, hay những người thu được lợi nhuận lớn mà bạn nghe được chẳng qua họ chỉ gặp đúng thời điểm thị trường thuận lợi mà thôi. Để thu được lợi nhuận một cách lâu dài, chúng ta đều phải coi đầu tư là một nghề thực sự và làm việc hết mình với nó.

Nếu bạn bắt đầu sự nghiệp giao dịch từ tuần trước và mong muốn kiếm đủ số tiền bạn muốn và biến mất khỏi thị trường trong nửa năm, thì đó thật sự là một điều hoang tưởng. Đầu tư là một nghề nghiệp, không phải một cách làm giàu thần tốc, nếu bạn thật sự muốn phất lên một cách nhanh chóng bạn nên thử casino hay chơi xổ số.

Sợ hãi với việc mất tiền khi đầu tư

Nhìn chung mọi người quan niệm thành công có nghĩa là có thật nhiều tiền. Như vậy ngược lại – mất tiền, có nghĩa là chúng ta đang thất bại. Điều này dẫn đến việc mọi người sợ mất tiền.

Tuy nhiên, có một vấn đề là bất cứ công việc nào đều cũng có phát sinh chi phí trước khi kiếm được lợi nhuận và trong đầu tư cũng vậy. Việc thua lỗ hay mất tiền là điều hiển nhiên và đó là chi phí mọi người phải bỏ ra khi giao dịch, vấn đề của chúng ta là tối thiểu hóa chi phí. Ngoài ra việc mất mát với một chi phí đủ để chấp nhận được để đổi lấy những kinh nghiệm hay bài học nhất định, do vậy chúng ta không nên sợ hãi khi mất tiền trong đầu tư.

Khi bạn luôn sợ hãi với việc mất tiền, bạn sẽ không đủ dũng cảm để chuyển từ việc giao dịch ảo sang việc giao dịch thật. Như vậy đến khi nào bạn mới có thể coi đầu tư là một nghề?

Khi bạn nghĩ đến việc mất tiền quá nhiều, bạn sẽ đưa ra những quyết định đầy cảm xúc từ đó dẫn đến bạn dễ dàng sẽ bị thị trường dẫn dắt. Trong đầu tư, nếu cảm xúc của chúng ta không được cân bằng ở thời điểm ra quyết định đối với một vụ giao dịch nào đó, thì hiển nhiên kết quả nhận được sẽ rất tồi tệ.

Những nhà đầu tư giỏi nhất đều coi việc mất tiền vào thị trường là điều không tránh khỏi, bởi đầu tư vẫn là một trò chơi mang tính xác suất. Có thắng, có thua nhưng khi thắng cần thắng được nhiều và khi thua cần tối thiểu được khoản thua lỗ, có như vậy mới tồn tại và thu được lợi nhuận ổn định trong đầu tư.

Thị trường không bao giờ luôn luôn đi theo hướng mà bạn dự đoán, hãy đứng dậy sau mỗi vấp ngã, học hỏi từ những thất bại đó, bạn sẽ dần có những cú trade tốt hơn.

Không chấp nhận mình thua

Những nhà đầu tư mới hoặc kể cả một số những nhà đầu tư lâu năm nhưng khi vướng phải những vụ giao dịch thua lỗ đủ lớn, họ không chấp nhận mình đã sai do chưa đủ kinh nghiệm hoặc do tiếc nuối về mức mất mát hiện tại. Thay vì cắt lỗ để bảo toàn vốn thì họ lại cố gắng giữ lệnh hoặc đẩy thêm lệnh ngược với chiều hướng hiện tại để bình quân giá với mong muốn thị trường sẽ vận động đúng như ý họ,

Thắng thua là chuyện hiển nhiên, và việc của chúng ta không phải là biến lệnh thua thành lệnh thắng mà là làm sao để giảm thấp nhất số tiền mất trên những lệnh thua đó.

Thiếu tính kỷ luật

Đây là một cạm bẫy phổ biến và nguy hiểm nhất nhưng lại ít khi được bàn luận. Một người giao dịch thiếu kỷ luật sẽ không bao giờ có thể thành công trên thị trường này, và hành vi thiếu tính kỷ luật có thể theo nhiều cách khác nhau.

Đầu tiên là sự thay đổi hệ thống giao dịch một cách quá nhanh, những nhà đầu tư dạng này rất hay tinh chỉnh hoặc thay đổi phương pháp giao dịch. Tuy nhiên để sự dụng hiệu quả một hệ thống giao dịch cần phải có thời gian và trải nghiệm qua một số chu kỳ thị trường, có như vậy họ mới đánh giá được những ưu nhược điểm của hệ thống giao dịch để nâng cấp lên nhằm thu được hiệu suất cao hơn.

Thứ hai là việc bỏ hệ thống giao dịch hiện tại của mình chỉ vì điều kiện thị trường đang không phù hợp với hệ thống giao dịch đó. Những nhà đầu tư dạng này quá nông nóng và quên đi rằng không có hệ thống giao dịch nào hoàn hảo, và chỉ thích hợp trong những điều kiện thị trường thích hợp.

Thứ ba là việc có hệ thống giao dịch nhưng không tuân thủ do bị cảm xúc chi phối. Điều này dễ dẫn tới những tổn thất nặng nề về mặt dài hạn, bởi lẽ chúng ta đang giao dịch dựa trên những thứ chúng ta không biết và không kiểm soát được rủi ro.

Trên đây là những cạm bẫy tâm lý mà nhiều nhà đầu tư mắc phải, việc tránh mắc phải có thể giúp chúng ta thu được lợi nhuận ổn định trên thị trường một cách lâu dài.

Tú Phạm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên