MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những con số biết nói chứng minh "kiếp gia công" tại Việt Nam vẫn kéo dài

Trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nếu thực nhìn vào các con số, các doanh nghiệp trong nước không được thụ hưởng nhiều.

8,6 tỷ USD là tổng phí mà các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp cho hàng hoá nước ngoài trong năm 2016. Con số trên được Tổng cục Thống kê nêu ra tại Họp báo Công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017, sáng 19/9.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, đây là nội dung mới, lần đầu được đưa vào cuộc tổng điều tra. 

Năm 2016, Việt Nam có 1.740 doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công hàng hoá với nước ngoài. Trong đó, 1.687 doanh nghiệp nhận gia công hàng hoá cho nước ngoài, 52 doanh nghiệp gửi nguyên liệu ra nước ngoài để gia công.

Nhóm hàng chính của hoạt động gia công bao gồm: dệt may, giày dép, điện tử máy tính, điện thoại và hàng hoá khác.

Trong số tổng phí gia công 8,6 tỷ USD đã nêu, phí từ hoạt động gia công dệt may và giày dép chiếm tỷ trọng lớn nhất. Cụ thể, ngoại tệ do nhóm dệt may thu về là 4,1 tỷ USD, chiếm 48%. Giày dép là 2,7 tỷ USD, chiếm 32%. Lắp ráp điện thoại máy tính chỉ thu về được 268 triệu USD, chiếm 3,1%, lắp ráp điện tử máy tính là 63 triệu USD, chiếm 0,7%.

Tổng cục Thống kê cho biết tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối FDI chiếm trọng số lớn nhất với giá trị hàng hoá sau gia công đạt 25,6 tỷ USD.

Như vậy, khối FDI chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hoá sau gia công. Bên cạnh đó, nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của khối này là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu.

Có thể thấy hoạt động gia công tại Việt Nam đang sử dụng đa phần nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ giá trị nguyên liêu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hoá sau gia công ở mức khá cao, lên đến 62,3%.

Trong đó, nhóm hàng điện thoại chiếm tỷ lệ cao nhất với 78,9%, hàng điện tử máy tính là 76,4%, dệt may là 67,1%, giày dép là 47%...

Số liệu cho thấy nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính gần như doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với 2 nhóm hàng này.

Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm hàng dệt may, giày dép thấp hơn cho thấy ngoài nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, Việt Nam có cung cấp thêm nguyên lệu đầu vào và sản xuất trong nước phụ vụ cho quá trình gia công.

Mặt khác, ở 2 nhóm hàng này ngoài khoản phí gia công, doanh nghiệp Việt còn thu được một khoản ngoại tệ từ việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên