MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều ly kỳ trong vụ án Hà Văn Thắm lần lượt được đưa ra ánh sáng

02-09-2017 - 20:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Phiên xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm là một trong những đại án kinh tế với các con số khiến nhiều người phải giật mình.

Vậy là đã qua một tuần xét xử vụ Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm gây thiệt hại nghìn tỷ xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) sau hơn 5 tháng tạm hoãn để điều tra lại. Đã có khá nhiều điều bất ngờ và những con số "khủng" tại đại án này được lần lượt đưa ra ánh sáng.

Bà Hứa Thị Phấn cho biết từng bị Hà Văn Thắm đe dọa

Do bà Hứa Thị Phấn bệnh nặng không thể đến tòa nên HĐXX công bố bản khai bằng văn bản do các điều tra viên thực hiện vào cuối năm 2014.

Theo đó, bà Phấn cho biết bà mua cổ phần ngân hàng từ năm 2007, khi Ngân hàng Đại Tín còn là ngân hàng nông thôn. Việc tham gia cố vấn HĐQT là được cử vào chứ bà thực tế không tham gia gì vì bà không hiểu biết về hoạt động ngân hàng cũng như tín dụng.

Về thỏa thuận bán lại ngân hàng của ông Thắm cho ông Danh, bà Phấn cho rằng bà không biết thỏa thuận đó.

Liên quan đến việc mua cổ phần cổ phiếu, bà Phấn nói đã quen biết ông Thắm từ trước. Ông Thắm cũng từng cho ngân hàng Đại Tín vay tiền khoảng hơn 200 tỷ đồng.

Đến năm 2012, ông Thắm đến trụ sở công ty Phú Mỹ gặp bà Phấn, ông Thắm nói có ông Đặng Văn Thảo phó chánh thanh tra NHNN nói ngân hàng có nhiều sai phạm, "sau đó ông Thắm hù dọa tôi, đề nghị tôi cho sáp nhập Đại Tín vào OceanBank, nếu không sẽ cho cán bộ thanh tra vào kiểm tra...Sau đó ông Đặng Văn Thảo cũng có tới gặp tôi và nói nhiều việc liên quan tới sai phạm của ngân hàng tôi. Mặc dù không biết sự việc đúng sai thế nào do không tham gia trực tiếp vào ngân hàng, nhưng nghe những lời đó tôi chấp nhận giao Ngân hàng Đại Tín cho ông Thắm, và yêu cầu ông Thắm phải chịu trách nhiệm về các khoản vay, tổng số tiền phải chịu trách nhiệm thay tôi là hơn 4.400 tỷ đồng" - lời khai của bà Phấn được đọc tại tòa.

Sau đó ông Thắm đề nghị lập hợp đồng và đề nghị trả bà Phấn thêm 5 tỷ đồng. Sau vài ngày ông Thắm cùng với 2 nhân viên mang hồ sơ đến chỗ bà Phấn, bao gồm cả hồ sơ về từ nhiệm và bà Phấn đã gọi các cổ đông đến, sau khoảng 3 tiếng là thực hiện xong việc bàn giao cổ phần ngân hàng cho ông Thắm.

Việc ông Thắm bán lại cổ phần cho ông Danh thế nào bà Phấn không biết.

OceanBank không nằm trong nhóm G14 nên làm gì cũng không ảnh hưởng đến thị trường vốn

Lời khai của Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) Hà Văn Thắm cho biết trước đây Cơ quan điều tra khi xử lý vụ ngân hàng ACB cũng đã công bố 29 ngân hàng vi phạm vượt trần, ở Việt Nam lúc đó có tổng cộng 34 ngân hàng.

Bị cáo Thắm cho biết: Trong cáo trạng có nêu hoạt động chi ngoài lãi suất của Oceanbank ảnh hưởng đến chính sách điều hành của NHNN, bị cáo không đồng ý. Lúc đó NHNN có thành lập nhóm G14, Oceanbank không được tham gia. Lúc đó bị cáo mới biết G14 nắm 80% tổng huy động vốn, Oceanbank không nằm trong nhóm này, chỉ nằm trong nhóm nắm 20% còn lại nên dù Oceanbank có làm gì cũng không ảnh hưởng tới huy động vốn của thị trường. Một số ngân hàng bị công bố chi vượt trần thì một số giám đốc chi nhánh bị phạt cách chức 2, 3 năm. Với ngân hàng nhỏ như Oceanbank thì không những không làm ảnh hưởng thị trường mà ngược lại, bị ảnh hưởng theo.

"Ngân hàng đi đêm với khách hàng là phản ứng phụ của liều thuốc chống lạm phát, mong quý toà xem xét. Nếu bị cáo không làm thì ngân hàng đổ bể, có lúc bị cáo có ra chỉ thị dừng chi lãi ngoài nhưng sau đó ngân hàng gần như bị tê liệt, bị cáo làm như vậy là giữ chính sách tiền tệ chứ không phải phá như cáo trạng", Hà Văn Thắm nói.

Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm đang bị truy tố bị cáo vì tội cố ý làm trái với hậu quả thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.576 tỷ, Hà Văn Thắm cho rằng hành vi chi lãi ngoài không gây thiệt hại cho ngân hàng.

"Bị cáo không đi làm thuê mà là cổ đông lớn của Oceanbank, bị cáo không đời nào làm hại ngân hàng. Tất cả tiền huy động được đều được tận dụng một cách triệt để, cho vay có lãi, ở ngân hàng có đặc điểm tốt là chỉ có 1 hệ thống sổ sách nên có thể xác định những gì bị cáo vừa nói, bị cáo nghĩ ngân hàng không thiệt hại gì", cựu Chủ tịch ngân hàng Oceanbank khai trước tòa.

Một nhóm nhân viên Oceanbank CN Hải Phòng tố bị ép phải nhận tiền để chi lãi ngoài

Theo đại diện của nhóm này, có một số người không tham gia việc chi lãi ngoài theo chỉ đạo như nhân viên hành chính, nhân viên quỹ...còn lại có người bị ép phải chi lãi ngoài và có bằng chứng chứng minh.

"Trong thời gian công tác tại CN Hải Phòng, việc chi lãi ngoài năm 2011, tôi có tham gia, khi đó tôi làm Phó phòng kế toán. Theo đơn ở đây, chúng tôi bị chỉ đạo và ép nhận số tiền chi lãi ngoài. Với tôi, tổng các khách hàng tôi chi chỉ khoảng 192 triệu nhưng tôi bị ép nhận chi đến 764 triệu hoặc có những người bị ép nhận trên 100 triệu. Người ép chi ngoài lãi suất là chị Trần Thị Kim Chi – Quyền Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng (chức vụ khi đó). Chúng tôi có thể cung cấp chứng cứ chị Chi ép chúng tôi", đại diện nhóm này cho biết.

Kiến nghị của nhóm nhân viên chi nhánh Hải Phòng cũng đã được gửi lên tòa. HĐXX cho biết sẽ đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của bà Chi sau.

Nguyễn Xuân Sơn khai mỗi lần đưa tiền cho đại diện VietsovPetro hàng chục nghìn USD hoặc 200-300 triệu đồng

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết nhiều lần vào Vũng Tàu cùng bà Nguyễn Thị Kiều Liên - GĐ CN Vũng Tàu để gặp lãnh đạo VietsovPetro, sau đó đưa tiền cho Kế toán trưởng là ông Võ Quang Huy và TGĐ Nguyễn Hữu Tuyến. Bị cáo Sơn chỉ nhớ mang máng khoảng chục lần, mỗi lần đưa từ 10.000 đến 20.000 USD, hoặc 200 đến 300 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu cũng cho biết có đến Vũng Tàu để thực hiện chi lãi ngoài và đến rất nhiều lần nên không nhớ. Tháng 1/2011 đến tháng 6/2012, cứ định kỳ 2-3 tháng 1 lần. Giai đoạn tháng 7/2012-6/2014, theo thanh toán bên kế toán, giao tiền 3 tháng/lần. Mỗi lần đi đều nhờ liên hệ trước và đi cùng bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên.

Bị cáo Thu cho biết, VietsovPetro chủ yếu gửi vào Oceanbank tiền USD, tiền VNĐ rất ít. Việc chi lãi ngoài cho VietsovPetro được nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm phê duyệt dựa trên số dư tài khoản của VietsovPetro.

Theo bị cáo Thu, số dư tiền gửi của VietsoPetro cao nhất vào khoảng năm 2011, có thời điểm tiền đô lên tới mấy trăm triệu đô. Tỷ lệ phần trăm đối với tiền gửi không kỳ hạn đối với tiền đồng là 0,1%/tháng, cuối 2012, Hà Văn Thắm cho áp dụng là 0,15%/tháng còn tiền đô thì thấp hơn nhiều, khoảng 0,05% hoặc 0,02%.

Nguyễn Minh Thu khai đưa tiền theo tỷ lệ, kế toán trưởng 70%, còn Tổng giám đốc là 30%. Việc thoả thuận đưa tiền bằng miệng, không có hợp đồng. Bị cáo Thu xác định đưa tiền lãi ngoài cho Võ Quang Huy và Nguyễn Hữu Tuyến. Sau khi ông Tuyến nghỉ hưu thì bị cáo đưa cho ông Từ Thành Nghĩa.

Phần góp vốn 6,65% của Công ty Đầu tư XD Sông Đà vào OceanBank là tiền của Hà Văn Thắm

Khi được tòa hỏi đến việc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Sông Đà (nắm giữ tỷ lệ 6,65% vốn của Oceanbank, tương đương 266 tỷ đồng), đại diện công ty này cho biết, công ty gồm 4 cổ đông đều là các cá nhân và doanh nghiệp. Công ty không liên quan đến Hà Văn Thắm.

Nhưng sau đó, khi được tòa gọi hỏi, Hà Văn Thắm khai rằng đây là công ty của Thắm nhờ các cổ đông đứng hộ, về mặt sổ sách thì bị cáo không liên quan nhưng toàn bộ số vốn là bị cáo bỏ ra.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Sông Đà góp 266 tỷ đồng vào OceanBank, là 1 trong 4 cổ đông lớn của ngân hàng này, cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 20%, Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC) chiếm 20%, Công ty TNHH VNT chiếm 20%. Hai công ty OGC và VNT cũng đều là của Thắm.

Đầu tư trái quy định

Từ trước năm 2008, Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã có chủ trương thành lập một ngân hàng riêng của ngành dầu khí, có tên là Ngân hàng Hồng Việt. Một Ban trù bị đã được thành lập với mục đích triển khai các công việc liên quan đến việc đề nghị cấp giấy phép.

Tuy nhiên, đến năm 2008, do tình hình kinh tế trong nước gặp khó khăn, Thủ tướng đã không phê duyệt thành lập ngân hàng mới mà chỉ cho phép tập đoàn góp vốn vào ngân hàng khác.

Theo tài liệu điều tra về việc Tập đoàn Dầu khí góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (tương đương 20% VĐL) xác định PVN góp vốn mua 20% cổ phần của OceanBank, tương ứng số tiền 800 tỷ đồng được thực hiện theo 3 đợt: đợt 1 góp 400 tỷ đồng ngày 31/12/2008; đợt 2 góp 300 tỷ đồng ngày 27/10/2010 và đợt 3 góp 100 tỷ ngày 17/5/2011.

Theo kết luận điều tra bổ sung vào tháng 5/2017 của Cơ quan điều tra, việc góp vốn lần 3 này của Petro Vietnam là trái với khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Theo quy định, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Đại diện uỷ quyền của PVN tại toà cho biết, PVN có ba lần góp vốn thì chỉ có lần sau cùng, góp 100 tỷ đồng là sai khung pháp lý do luật các tổ chức tín dụng được sửa đổi năm 2010, lần thứ 3 thực hiện là do triển khai từ hệ quả của lần thứ 1, do PVN chưa cập nhật chính sách nên vẫn thực hiện tiếp theo chủ trương của Chính phủ từ năm 2008.

Từng có đối tác muốn mua 20% vốn từ Petro Vietnam

Tại phiên toà, bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Oceanbank cho biết, khi có quy định giảm tỷ lệ góp vốn của các doanh nghiệp tại TCTD tối đa từ 20% xuống 15%, bị cáo đã trao đổi với đại diện Petro Vietnam.

Theo đó, Hà Văn Thắm đề nghị PVN không cần bán bớt vốn mà ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ lên 5.300 tỷ đồng, khi đó, vốn góp của PVN sẽ tự động giảm xuống 15%. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã không được thông qua.

Trao đổi với Hà Văn Thắm, PVN cho biết có chủ trương thoái hết vốn tại ngân hàng. Bản thân Hà Văn Thắm sau đó đã trực tiếp đi tìm người mua lại phần vốn và mời được một công ty Singapore và 1 công ty của Việt Nam. Các bên đã làm các thủ tục thẩm định, đã có văn bản gửi PVN đồng ý mua 20% vốn góp đó với giá 800 tỷ đồng.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên