MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề "độc, lạ" trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao?

Những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh "độc, lạ" này vẫn thường được nhắc đến hàng năm, nhưng danh sách thì đang liên tục kéo dài.

Trên thị trường chứng khoán, ngoài những nhóm ngành với hàng chục "ông lớn, ông bé" tranh nhau đất diễn, thì lại có những doanh nghiệp "độc quyền" phô diễn trong nhóm ngành chỉ duy nhất một mình trên sàn chứng khoán.

Những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh "độc, lạ" này vẫn thường được nhắc đến hàng năm, nhưng danh sách thì đang liên tục kéo dài.

Hãy điểm danh những doanh nghiệp thường được cho vào danh sách đặc biệt này, như doanh nghiệp chuyên kinh doanh vàng mã (CAP), doanh nghiệp bán dây thừng (SBV), Chiếu xạ thủy sản, hoa quả (APC), dịch vụ mai táng (CPH), diêm (DTN), giấy vệ sinh (HAP), bao cao su (MRF), kềm y tế (MEF), đồ chơi gỗ trẻ em (NHT), sòng bạc (RIC), trung tâm đăng kiểm (HTK)…

Doanh nghiệp bán vàng mã

Với cái tên CTCP Nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP), ít ai có thể ngờ phần lớn doanh thu từ công ty lại đến từ bán giấy và vàng mã. 6 tháng đầu năm 2019 doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng, thì có 67,4 tỷ đồng từ thu bán giấy đế, chiếm khoảng 34% tổng doanh thu. Còn doanh thu bán vàng mã đạt hơn 37,4 tỷ đồng, đóng góp gần 19% tổng doanh thu. Doanh thu từ tinh bột sắn vẫn là nhiều nhất với hơn 88 tỷ đồng, chiếm 44% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu từ tinh dầu quế, giấy lẻ...

CAP tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái, được thành lập từ năm 1972, và đến năm 1994 mới đổi tên là Công ty chế biến lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.

Sau năm 2018 đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội với 387 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế gấp đôi năm trước đó, đạt 34,6 tỷ đồng, thì lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 đạt được chưa đến 1/4 cùng kỳ năm ngoái với gần 7,6 tỷ đồng (năm tài chính của CAP bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau).

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Cuối tháng 8/2019 vừa qua CAP phát hành 475.935 cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50% cho cổ đông, nâng vốn điều lệ lên hơn 52,3 tỷ đồng. Tuy vậy, trên thị trường, cổ phiếu CAP đang rơi vào đà giảm sâu, hiện giao dịch quanh mức 29.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu CAP cũng khá ổn định với mấy ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Tạm tính theo mức giá hiện nay, vốn hóa thị trường của Nông sản thực phẩm Yên Bái cũng rơi vào khoảng 154 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu CAP trong 1 năm gần đây.

Doanh nghiệp làm nghề mai táng

Cái tên nói lên tất cả - CTCP Mai táng Hải Phòng là doanh nghiệp trong ngành dịch vụ mai táng đầu tiên và hiện là duy nhất trên sàn. Doanh thu thuần năm 2018 đạt 118 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước đó, tương ứng công ty thu về khoảng 320 triệu đồng mỗi ngày. CPH hiện đang quản lý, duy tu, chăm sóc các phần mộ tại 2 nghĩa trang Ninh Hải và nghĩa trang Phi Liệt tại Hải Phòng.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ dịch vụ mai táng đạt 57,8 tỷ đồng, chiếm khoảng 49% tổng doanh thu. Tuy nhiên, mảng này chỉ mang về hơn 7 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Trong khi đó doanh thu bán hàng hóa đạt gần 52 tỷ đồng, chiếm 44% tổng doanh thu nhưng mang lại 23,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp, chiếm 66% lợi nhuận gộp đạt được trong năm. Hàng hóa công ty bán ra, là những sản phầm như bình, quách, mộ đá các loại...

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của CHP khá ổn định về doanh thu và lợi nhuận dù đặc thù ngành nghề hiện cũng gặp rất nhiều sự cạnh tranh từ các công ty khác, đặc biệt là các dịch vụ tang lễ tư nhân, kể cả các doanh nghiệp ở những tỉnh lân cận có khu hỏa táng, có khu công viên nghĩa trang rộng lớn.

Kế hoạch năm 2019, CPH sẽ mở rộng nghĩa trang Phi Liệt; hoàn tất việc di dời trụ sở; Xây dựng CSHT khu mộ mai táng, cải táng tại nghĩa trang Ninh Hải, xây dựng các khu mộ kiểu mẫu, cao cấp tại nghĩa trang Phi Liệt; Xây dựng tòa bách linh tại nghĩa trang Phi Liệt và Ninh Hải…

CHP đưa 4,4 triệu cổ phiếu lên sàn từ tháng 2/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên đến nay chưa một cổ phiếu nào khớp lệnh qua sàn. Giá cổ phiếu CHP chủ yếu điều chỉnh qua các đợt chia cổ tức của công ty, hiện giao dịch ở mức 5.100 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, CHP đã từng tạo những "cơn sốt" trên thị trường chứng khoán khi nhiều phiên dư mua với lượng lớn, nhưng không cổ phiếu nào được bán ra.

Sản xuất đồ chơi gỗ cho trẻ em

Nam Hoa Toys (NHT) được biết đến là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại đồ chơi gỗ cho trẻ em. Nam Hoa Toys cũng được xem là doanh nghiệp "bé hạt tiêu" trên sàn chứng khoán với vốn điều lệ hơn 102 tỷ đồng. Cổ phiếu NHT cũng đã tăng mạnh từ đầu năm 2019 đến nay với mức tăng hơn gấp đôi, hiện giao dịch quanh mức 64.000 đồng/cổ phiếu. Mới đây công ty đã thống nhất thông qua hồ sơ thực hiện chuyển giao dịch toàn bộ hơn 10,28 triệu cổ phiếu NHT từ sàn Upcom sang niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội, tuy vậy việc chuyển sàn vẫn chưa hoàn tất.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu NHT trog 1 năm gần đây.

Bên cạnh đó, ngày 12/9 vừa qua Nam Hoa Toys đã thông qua tờ trình phát hành 5,1 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, hơn 1/6 thị giá hiện nay của cổ phiếu NHT.

Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần năm 2018 đạt hơn 200 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm trước đó. Lợi nhuận trước thuế đạt 71,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 56,7 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với lợi nhuận đạt được năm 2017. EPS đạt gần 10.000 đồng/cổ phiếu.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 5.

Chiếu xạ thủy sản, hoa quả

Chiếu xạ An Phú (APC) lên sàn từ tháng 2/2010, và đến nay đã hơn 9 năm độc chiếm danh hiệu doanh nghiệp chiếu xạ duy nhất trên sàn chứng khoán. Theo tìm hiểu, tại Việt Nam hiện có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chiếu xạ, trong đó cái tên "lâu đời" nhất là Sơn Sơn, sau đó gần chục năm mới xuất hiện thêm An Phú, Thái Sơn, và VinaGama. Đặc thù ngành nghề, chiếu xạ chưa được sử dụng nhiều trong khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà chủ yếu là dịch vụ hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa thủy sản, thực phẩm và trái cây ra nước ngoài. Tuy nhiên An Phú lại là doanh nghiệp đầu tiên lên niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nếu xét về giá cổ phiếu, nhà đầu tư hẳn chưa quên khoảng 2 năm trước, đang giao dịch ổn định quanh mức giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/cổ phiếu, APC bất ngờ tăng, đánh dấu bằng 2 phiên tăng trần ngày 17 và 18/7/2017 vượt mốc 30.000 đồng/cổ phiếu.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 6.

Diễn biến giá cổ phiếu APC trong 3 năm gần đây.

Sau đó là chuỗi ngày APC âm thầm tăng giá, mức tăng lớn dần khiến nhà đầu tư bắt đầu chú ý, thì APC đã vượt ngưỡng 90.000 đồng/cổ phiếu, tạo đỉnh ở mức 90.800 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 18/12/2017 – chỉ mấy tháng từ ngày bắt đầu tăng giá.

Tuy nhiên, trước hàng loạt thông tin về mâu thuẫn nội bộ, về các dấu hỏi của cổ đông khi công ty dự kiến phát hành riêng lẻ cho đối tác Torus Capital với giá chào bán quá thấp, chưa bằng 1/3 thị giá. Bên cạnh đó, còn có lý do Chiếu xạ An Phú giữ lại lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức 2018 cho cổ đông. Cổ phiếu APC cũng vì thế mà bắt đầu chuỗi lao dốc, về lại dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí xuống vùng đáy của khoảng 3 năm trở lại đây với giá hiện tại quanh mức 22.200 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ đầu năm 2019 đến nay APC đã giảm đi khoảng 30%.

Kết quả kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 cũng giảm 20% so với cùng kỳ, đạt 63,5 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế giảm đến 35%, còn 22,8 tỷ đồng. Trên BCTC cũng thể hiện, tính đến 30/6/2019 Chiếu xạ An Phú còn 235 tỷ đồng LNST chưa phân phối, còn hơn 9 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và số cổ phiếu quỹ trị giá hơn 2 tỷ đồng. Công ty cũng đã chính thức hủy phương án tăng vốn gây tranh cãi hơn 1 năm trước.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 7.

Diêm Thống Nhất – doanh nghiệp bền bỉ "giữ lửa"

Ngày nay nhiều dụng cụ "tạo lửa" đẹp mắt, đặc biệt la sự đa dạng của bật lửa ga đã khiến cho hình ảnh những bao diêm dần hiếm thấy trên thị trường. Tuy nhiên Diêm Thống Nhất vẫn sống, vẫn tồn tại và vẫn phát triển khá ổn định. Nguyên nhân, không chỉ vì thương hiệu đi sâu vào lòng người, mà công ty cũng đã "thức thời" với nhóm các sản phẩm ăn theo như bao bì, in ấn, và cả dòng sản phẩm bật lửa Thống Nhất với nhiều mẫu mã đa dạng, đẹp mắt. 

Bắt đầu từ năm 2014, Diêm Thống Nhất sản xuất bật lửa và sản phẩm này tiêu thụ được 1,65 triệu chiếc, tăng mạnh lên thành 11 triệu chiếc năm 2017 và lên đến 14,67 triệu chiếc vào năm 2018. Trong khi đó số lượng bao diêm sản xuất được 103 triệu bao năm 2017, và giảm xuống còn 98,25 triệu bao vào năm 2018 vừa qua.

Doanh thu năm 2018 của Diêm Thống Nhất (DTN) đạt 118,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh thu 115,8 tỷ đồng đạt được năm 2017. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế thu về xấp xỉ cùng kỳ, đạt 2,27 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng diêm cũng đang chiếm một phần không hề nhỏ, tuy nhiên doanh thu chủ yếu đến từ bật lửa Thống Nhất.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 8.

Doanh nghiệp bán Giấy vệ sinh

CTCP Hapaco (mã chứng khoán HAP) tiền thân là Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến, thành lập từ năm 1960. Năm 2012, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy Tissue của thị trường, Tập đoàn đầu tư thêm 02 dây truyền giấy Tissue tại Công ty Cổ phần HAPACO HPP.

Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2019 đạt 217 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi đó lợi nhuận sau thuế xấp xỉ bằng nửa đầu năm ngoái với 16,4 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2019 "Của để dành" của Hapaco còn có hơn 32 tỷ đồng LNST chưa phân phối, có hơn 64 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, số cổ phiếu quỹ trị giá hơn 4,6 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần gần 30 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 9.

Bán dây thừng cho ngư dân

Lên sàn tháng 5/2017, cổ phiếu SBV của CTCP Siam Brothers Việt Nam đã làm nhà đầu tư để mắt đến với ngành nghề kinh doanh khá độc lạ là bán các loại dây thừng và các sản phẩm dùng trong nông, ngư nghiệp như các loại đèn, phao nổi, lưới đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản...

Siam Brothers còn gây ấn tượng với số lãi gần 130 tỷ đồng năm 2017 (năm lên sàn) và hơn 124 tỷ đồng năm trước đó. Câu truyền miệng "bán dây thừng cho ngư dân, thu lãi hàng trăm tỷ mỗi năm" được chính các nhà đầu tư nhắc đến lúc đó.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 10.

Tuy nhiên năm 2018 LNST đã giảm hơn một nửa, còn 62,8 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 Siam Brothers ghi nhận còn lãi sau thuế vỏn vẹn 3,55 tỷ đồng, doanh thu cũng giảm 17% so với cùng kỳ, còn gần 184 tỷ đồng.

Cùng với kết quả kinh doanh giảm sút, cổ phiếu SBV cũng giảm gần một nửa từ đầu năm 2019 đến nay, duy trì giao dịch dưới mệnh giá mấy tháng nay, hiện giao dịch quanh mức 7.500 đồng/cổ phiếu.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 11.

Doanh nghiệp bao cao su đầu tiên lên sàn

CTCP Merufa (mã chứng khoán MRF) đưa cổ phiếu lên sàn từ tháng 12/2017 – trở thành doanh nghiệp sản xuất bao cao su đầu tiên, và cũng là duy nhất hiện nay giao dịch trên sàn chứng khoán.

Merufa tiền thân là Xí nghiệp Cao su Y tế (thuộc Bộ Y tế) được xây dựng với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc vào năm 1987. Ngay từ năm này, Merufa đã cung cấp cho thị trường sản phẩm bao cao su tránh thai chế tạo từ cao su thiên nhiên của Việt Nam với nhãn hiệu HAPPY. Không chỉ bao cao su, Merufa còn là đơn vị tiên phong nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng y tế quan trọng khác như găng tay phẫu thuật, nút chai kháng sinh, chai chuyền dịch sản xuất từ cao su tổng hợp hay một số loại ống thông và ống Penrose.

Tuy vậy, trong những năm gần đây mảng kinh doanh truyền thống là bao cao su của Merufa đã gặp nhiều khó khăn khi bị cạnh tranh mạnh bởi các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Do vậy doanh thu trong những năm gần đây của Merufa chủ yếu đến từ găng tay y tế, nút chai, ống y tế. Tuy nhiên, những sản phẩm này cũng đang gặp không ít cạnh tranh từ các sản phẩm của các nước Asean với giá bán thấp.

Doanh thu năm 2018 đạt 98 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước đó, và công ty vẫn ghi nhận lãi sau thuế 2,52 tỷ đồng, trong khi năm 2017 – năm đưa cổ phiếu lên sàn – lại lỗ hơn 4,33 tỷ đồng.

Về diễn biến giá cổ phiếu, MRF chào sàn ở mức giá 18.700 đồng/cổ phiếu, gần 1 năm sau đó MRF có lúc đã lập đỉnh ở mức 25.300 đồng/cổ phiếu, cũng có lúc xuyên thủng ngưỡng 14.000 đồng/cổ phiếu, và hiện giờ MRF đang phục hồi ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản thị trường rất thấp.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 12.

Diễn biến giá cổ phiếu MRF trong 1 năm gần đây.

Trung tâm đăng kiểm đầu tiên lên sàn

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương (HTK) lên sàn từ tháng 9/2018 – và đến nay sau hơn 1 năm đây vẫn là đơn vị duy nhất trong ngành giao dịch trên thị trường chứng khoán.

HTK gây ấn tượng với nhà đầu tư từ những ngày đầu lên sàn khi 3 phiên đầu tiên đóng cửa ở giá tham chiếu 10.700 đồng/cổ phiếu, không có cổ phiếu khớp lệnh. Tuy nhiên sau đó là chuỗi 7 phiên liên tiếp tăng trần, đẩy giá cổ phiếu lên 34.000 đồng/cổ phiếu, với mỗi phiên đều đặn 100 cổ phiếu khớp lệnh. Lên nhanh, nhưng giảm cũng nhanh, chỉ hơn 1 tháng sau, ngày 5/11/2018, HTK giảm về 10.500 đồng/cổ phiếu và giữ nguyên giá đó đến nay.

Tháng 9/2018 cũng là lần đầu CTCP Đăng kiểm Hải Dương tổ chức ĐHCĐ lần đầu. Kế hoạch kinh doanh năm 2019, công ty đặt mục tiêu đạt 15 tỷ đồng doanh thu, và lợi nhuận sau thuế ước đạt 3,6 tỷ đồng, phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 60%.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 13.

Diễn biến giá cổ phiếu HTK sau hơn 1 năm lên sàn.

Doanh nghiệp bán kềm duy nhất trên sàn

CTCP Meinfa (mã chứng khoán MEF) được viết đến là doanh nghiệp chuyên sản xuất cơ khí, máy móc, thiết bị y tế thông dụng, các sản phẩm kim loại, dụng cụ cầm tay. Đặc biệt, nhà đầu tư biết đến Meinfa với các loại kềm.

Meinfa cũng "nổi danh" trên thị trường chứng khoán nhiều năm trở lại đây khi thường xuyên trả cổ tức cao hơn thị giá, được áp dụng cơ chế đặc biệt không phải điều chỉnh giá mỗi kỳ thanh toán cổ tức.

Cổ phiếu MEF cũng luôn duy trì mức giá "trà đá", cổ đông công ty chẳng thèm bán ra, hầu như không có cổ phiếu khớp lệnh suốt nhiều năm qua.

Doanh thu năm 2018 đạt 317 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 321,7 tỷ đồng đạt được năm 2017. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế cũng giảm 7%, còn 28,8 tỷ đồng.

Ngành bán kem

Kem Thủy Tạ ( TTJ ) giao dịch trên sàn UpCOM đã hơn 2 năm, từ cuối tháng 6/2017, và đến nay vẫn là doanh nghiệp ngành kem duy nhất trên sàn chứng khoán. 

Kem Thủy Tạ là thương hiệu kem lâu đời tồn tại ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra kem Thủy Tạ còn sở hữu hệ thống nhà hàng, khách sạn ngay tại những tuyến phố trung tâm Thủ đô.

TTJ chào sàn với giá tham chiếu 31.000 đồng/cổ phiếu, không có cổ phiếu khớp lệnh trong 8 phiên đầu tiên. Tuy nhiên sau đó là 2 phiên tăng trần liên tiếp với tổng cộng 3.700 cổ phiếu khớp lệnh. Đây cũng là điểm khởi đầu để TTJ tăng mạnh, đạt đỉnh ở mức 75.200 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) chỉ sau chưa đến 1 tháng lên sàn.

Tuy nhiên đó cũng là những thứ ma TTJ giữ được, cổ phiếu này bắt đầu giảm mạnh với rất ít cổ phiếu khớp lệnh, thậm chí có lúc xuống đáy 20.000 đông/cổ phiếu. "Cú hích" thứ 2 bắt đầu từ đầu tháng 3/2019, TTJ tăng mạnh từ vùng giá 23.100 đồng/cổ phiếu lên đỉnh mới 88.200 đồng/cổ phiếu rồi giảm về mức 77.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay và trở lại trạng thái "đóng băng" với nhiều phiên liên tiếp không có cổ phiếu khớp lệnh.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 14.

Một trong những điểm hấp dẫn của doanh nghiệp này là hiện Kem Thủy Tạ đang quản lý kinh doanh loạt cửa hàng kem và nhà hàng tại những khu “đất vàng” ngay trung tâm Hà Nội. Khoảng 48-50% doanh thu công ty đến từ bán kem, hoạt động kinh doanh Nhà hàng cũng đóng góp khoảng 30-35% doanh thu còn lại là nguồn thu từ bán nước đá và các dịch vụ khác.

Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề độc, lạ trên thị trường chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 15.

Những doanh nghiệp mang danh "độc quyền ngành nghề" trên sàn chứng khoán có vẻ chưa nhận được quá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đó cũng có thể gây nên tâm lý làm cho nhà đầu tư không có sự lựa chọn, so sánh. Những doanh nghiệp kiểu này thường cơ cấu cổ đông rất cô đặc, thanh khoản trên thị trường mỗi phiên không lớn. Cũng có thể, đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp không muốn "một mình một cõi" trên sàn chứng khoán.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên