MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những đứa trẻ lớn lên trong ngân hàng

13-12-2019 - 14:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Cứ tầm 16h30 tan trường, các banker lại vội vã đón con và mang vào ngân hàng vì không ai trông giữ. Cũng bởi các trường học thì khoảng 16h00 đến 16h30 đã tan, còn công việc nhà băng thì ...trăng lên mới về nhà. Và cứ thế, những đứa trẻ của các gia đình banker lại lớn lên ở các ngân hàng.

Sau cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của dân ngân hàng, có lẽ ít người biết rằng phía sau "cánh gà sân khấu" của các nhà băng là biết bao thế hệ những đứa trẻ lớn lên trong ngân hàng. Có thâm nhập cuộc sống đời thường của các cô Teller, các anh tín dụng, bạn sẽ thấy không ít nụ cười trẻ thơ sau giờ tan học lại lẽo đẽo theo cha mẹ ở ngân hàng. 

Ngoài số ít những gia đình banker sinh ra đã giàu, phần còn lại đa số là các cặp vợ chồng trẻ, phải thuê nhà, sống nhập cư. Khi có con nhỏ, các cặp vợ chồng banker phải gửi những đứa trẻ đi học mầm non hoặc tiểu học. Cứ tầm 16h30 tan trường, các banker lại vội vã đón con và mang vào ngân hàng vì không ai trông giữ. Cũng bởi các trường học thì khoảng 16h00 đến 16h30 đã tan, còn công việc nhà băng thì ...trăng lên mới về nhà. Và cứ thế, những đứa trẻ của các gia đình banker lại lớn lên ở các ngân hàng.

Các bạn biết đó, ngân hàng là ngành nghề đặc thù, phục vụ khách hàng phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắc khe về giờ giấc và giao tiếp. Nhưng những ai đã từng có con nhỏ, từng làm ngân hàng mới thấu hiểu được tâm trạng của những người trong cuộc. Cứ khoảng độ sau 16h00; lòng các ông bố, bà mẹ banker lại bồn chồn, thấp thỏm, thậm chí là lo lắng vì việc rước con. Lúc vắng khách thì còn đỡ, còn lúc đông khách đôi khi các nhân viên ngân hàng lại rụt rè, sợ sệt khi xin sếp ra rước con. Mà cũng đúng thôi, theo quy định, không có ngân hàng nào cho phép nhân viên đi rước con. Dù không nói ra, nhưng lãnh đạo các ngân hàng cũng thấu hiểu và chia sẻ với nhân viên. Vì trước khi là sếp, các sếp cũng từng là nhân viên, cũng từng chiều chiều ...thập thò đi rước bọn trẻ. Ngoài ra, thật sự các nhân viên ngân hàng hàng ngày cũng làm việc đều vượt quá  giờ tiêu chuẩn; thường là từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày, thậm chí là nhiều hơn.

Những đứa trẻ sau khi được cha mẹ rước về ngân hàng, tùy vị trí công việc của cha mẹ mà các bé được đưa đến những nơi khác nhau để tránh xa tầm mắt khách hàng. Ví dụ: nếu cha mẹ làm bộ phận giao dịch, tiếp xúc khách hàng, bộ phận kinh doanh thì các đứa trẻ đương nhiên không được ngồi cùng cha mẹ. Còn các anh chị banker làm bộ phận back, không giao tiếp khách hàng thì có thể được di du cho bé ngồi cách xa xa một chút...Ngày ngày, bọn trẻ theo cha mẹ ở ngân hàng đến mờ mịt mới về. 

Vậy ở ngân hàng các bé thường làm gì trong thời gian mỏi mòn chờ cha mẹ xong việc để về nấu buổi cơm chiều? Ở ngân hàng không có gì chơi, để các bé không nghịch phá, các bậc cha mẹ cứ quăng cho con mình một chiếc smart phone. Và rồi tự bao giờ điện thoại trở thành người bạn thân thiết của lũ trẻ con nhà banker.

Những âm thành xô bồ, nhốn nháo của khách hàng, tiếng lách cách của máy đếm tiền,...như một điệp khúc quen thuộc của bọn trẻ tá túc ở các ngân hàng. Rồi cũng có khi bọn trẻ chứng kiến những lần cha mẹ chúng bị khách hàng chửi, bị sếp rầy vì sơ suất điều gì đó... Những nhân viên ngân hàng nhiều khi muốn giấu nước mắt vào trong vì sợ con mình bắt gặp. Và cũng có không ít đứa trẻ cũng từng thảng thốt: "Sau này lớn lên con không làm ngân hàng như cha mẹ vì vất vả quá". Lời trẻ con thì luôn hồn nhiên và trung thực. Ấy vậy mà, khi trưởng thành cũng có không ít đứa trẻ lại nối nghiệp cha mẹ "chui" vào ngân hàng!

Không nhiều doanh nghiệp hiện nay có trẻ em "tạm trú" từ 17h đến 19h nhiều như tại các ngân hàng. Thậm chí nếu so sánh nhân viên ngân hàng với các công nhân ở khu công nghiệp thì ở các xí nghiệp vẫn hoàn toàn không có những đứa trẻ được ba mẹ dắt dìu vào cơ quan. Bởi lẽ, thường các khu công nghiệp sẽ có nhà giữ trẻ cho công nhân phù hợp với giờ tan ca; hoặc công nhân sẽ phải gửi các cháu về quê với ông bà, hoàn toàn không có việc bồng bế vào cơ quan (vì đây là điều nghiêm cấm tại các phân xưởng, nhà máy). Và có lẽ hình ảnh những đứa trẻ theo cha theo mẹ gồng gánh vào ngân hàng mỗi chiều là một hình ảnh rất riêng của dân ngân hàng.

Việc nhân viên ngân hàng phải mang những đứa trẻ vào cơ quan để vừa trông vừa làm việc đã gợi lên rất nhiều điều. Phải chăng đó như một hồi chuông báo động rằng khối lượng công việc của các ngân hàng đang là quá tải với nhân viên? Bởi lẽ, nhân viên ngân hàng hiện nay phải gồng gánh rất nhiều công việc từ việc tiếp khách, tư vấn, hạch toán kế toán, bán hàng, vận hành nội nghiệp,…thì chẳng còn cách nào khác phải mang cả những đứa trẻ vào nhà băng. Trong giờ hành chính thì phải tập trung phục vụ khách hàng, sau đó lẽ ra dân công sở đã được về thì dân ngân hàng phải lo phần hậu kiểm, hoàn chỉnh chứng từ. Chính sách thắt chặt nhân sự, đặt ra nhiều tiêu chuẩn về tuân thủ, KPIs bán hàng, tiêu chuẩn phục vụ khách hàng cao…trong điều kiện cắt giảm nhân sự vận hành ở hầu hết các ngân hàng phải chăng là nguyên nhân của việc bồng bế các bé vào ngân hàng để làm việc? Đồng thời, hình ảnh các đứa bé lớn lên ở các ngân hàng cũng cho thấy lương ngân hàng không cao như nhiều người vẫn nghĩ. Vì chắc rằng, nếu lương đủ cao thì nhân viên ngân hàng đã đủ tiền thuê người giữ trẻ hoặc gửi thêm ở nhà cô giáo sau giờ tan học thay vì đùm túm vào ngân hàng.

Nếu có một cuộc khảo sát các bé hàng ngày theo cha mẹ ở ngân hàng, tin rằng sẽ không có nhiều bé yêu thích công việc của ba mẹ chúng. Vì đơn giản rằng, không một đứa trẻ nào muốn mỏi mòn chờ đợi tận tối hôm với cha mẹ ở nhà băng. Có thể bạn sẽ hỏi rằng, vất vả vậy sao không nghỉ để tìm việc khác? Biết là vậy, nhưng người ta nói, "nghề" là "nghiệp". Và có lẽ nghề ngân hàng cũng là cái "nghiệp" mà mỗi banker đã trót mang. Nhưng điều tác giả mong ước trước khi khép lại bài viết này là làm sao để trả lại tuổi thơ cho bọn trẻ, trả lại những bữa cơm gia đình quây quần ấm cúng cho mỗi banker?


Hoài Ngọc (cán bộ ngân hàng)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên