MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "hạt sạn" cần Thủ tướng kiên quyết loại bỏ

Ngày 17/5, Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp năm 2017 sẽ diễn ra. Nhân dịp này, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đã bày tỏ nhiều kiến nghị, mong muốn Chính phủ tiếp tục có những hành động quyết liệt hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cần thay đổi cách làm quy định

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, môi trường kinh doanh hiện nay được cải thiện nhiều, điển hình như xoá bỏ điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các Thông tư của các Bộ hay trong Quyết định của UBND tỉnh, Quốc hội ban hành danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện...

Tuy vậy, kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Một số mặt vẫn còn yếu kém như vấn đề nộp thuế, phá sản doanh nghiệp, giấy phép xây dựng... Theo ông, nên từ bỏ phương thức ban đầu quy định hết sức gò bó rồi nới lỏng dần theo đề nghị của doanh nghiệp, mà nên làm ngược lại, lúc đầu quy định hết sức thoải mái rồi căn cứ vào vào sự xuất hiện các tiêu cực của thị trường mà thắt lại dần để ngăn chặn.

Đồng thời, nên rà soát lại chế độ phân cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh. "Nhiều địa phương đã không thực hiện tốt nhiệm vụ được phân cấp. Trong thời đại công nghệ thông tin, Chính phủ có điều kiện trực tiếp quản lý nhiều việc mà không cần phân cấp, không sợ quan liêu trì trệ" - Ông Phạm Sỹ Liêm bày tỏ.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực, nhưng ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn những “hạt sạn”, thể hiện qua công bố mới đây về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2016 (PAPI).

Theo ông, vấn đề hiện nay là cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XII của Đảng đã đề ra. Cùng với đó, Nhà nước phải rà soát và xoá bỏ những văn bản quy định đi ngược lại yêu cầu, nhiệm vụ khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, trước mắt là những quy định hạn chế quyền kinh doanh của DN tư nhân, những quy định làm tăng chi phí đầu vào của DN.

Đặc biệt, quản lý Nhà nước phải theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), không vì chưa quản lý được mà hạn chế, gây khó hoặc cấm các hoạt động liên quan đến ứng dụng tri thức và công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế phát triển nhanh, tính cạnh tranh cao thay thế các giá trị truyền thống như lao động, tài nguyên.

Vẫn thiếu nhiều loại thị trường

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng nền KTTT ở nước ta vẫn còn những bất cập, làm phát sinh những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Việc sử dụng và phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả. Các loại thị trường, các yếu tố của KTTT chưa hình thành đầy đủ và vận hành đồng bộ.

Đối chiếu thực tiễn với chuẩn mực chung nêu trong Nghị quyết Đại hội XII, cho đến nay, thị trường lao động có sự phát triển khá nhất nhưng do chế độ tiền lương còn bất hợp lý nên không bảo đảm sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao đến các cơ quan quản lý nhà nước-các cơ quan có vai trò quyết định trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Thị trường vốn chưa phát triển, còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tín dụng, chẳng những gây áp lực lên các ngân hàng thương mại mà còn rủi ro lớn. Thị trường khoa học công nghệ vẫn còn rất sơ khai…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần hết sức tránh tình trạng cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường. “Chúng ta sốt sắng phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, nhưng phải bằng các biện pháp kinh tế, bằng chính sách để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải nhà nước trực tiếp can thiệp bằng những biện pháp hành chính – điều này có thể gây ra những hậu quả về mặt dài hạn” - ông Lộc kiến nghị.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ phục vụ doanh nghiệp nhưng không làm thay doanh nghiệp, làm thay thị trường. Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, nhà nước cần “thoái sức” ra khỏi các dịch vụ công, tức là đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công. Ngay cả trong việc phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà nước cũng không nên không hành chính hóa các hoạt động tư vấn, đào tạo, xúc tiến… mà nên khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, với sự cạnh tranh của thị trường.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên