MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những khó khăn nào đang chờ Sacombank ở phía trước

20-06-2017 - 10:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc sáp nhập NHTMCP Phương Nam vào Sacombank tuy đem lại lợi ích về lâu dài, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại (tỷ trọng tài sản có sinh lời giảm, nợ xấu gia tăng, NIM bị thu hẹp...) mà Sacombank đang phải tập trung giải quyết để tăng thu nhập, nguồn vốn, cải thiện hệ số an toàn.

Tồn đọng sau sáp nhập SouthernBank

Kết thúc năm tài chính 2016, theo báo cáo kiểm toán hợp nhất, tổng tài sản của toàn Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - mã: STB) đạt 332.023 tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 156 tỷ đồng. Tổng nhân sự của Sacombank và các Công ty/Ngân hàng con là 17.079 người.

Tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng giá trị đầu tư của Sacombank đạt hơn 33.492 tỷ đồng bao gồm chứng khoán kinh doanh hơn 105 tỷ đồng, chứng khoán đầu tư 29.580 tỷ đồng và góp vốn, đầu tư dài hạn gần 3.807 tỷ đồng. Các hoạt động đầu tư trong năm 2016 đã đóng góp vào tổng thu nhập của toàn ngân hàng hơn 162 tỷ đồng, trong đó thu từ góp vốn mua cổ phần hơn 133 tỷ đồng; thu từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư hơn 29 tỷ đồng.

Đối với danh mục tài sản, năm qua, Sacombank cho biết ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu khách hàng, giảm huy động vốn từ hệ khách hàng tiền gửi với mục đích đầu tư tài chính. Sàng lọc, ưu tiên cho vay đối với những khách hàng sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề cơ bản, rủi ro thấp và hiệu quả hoạt động tốt. Đánh giá lại toàn bộ nợ và hạch toán đúng bản chất.

Kết quả trong năm 2016, Sacombank tự xử lý được 1.992 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi được 516 tỷ đồng nợ đã bán VAMC (bao gồm gốc và lãi). Bên cạnh đó, Ngân hàng giảm dần các khoản mục không sinh lời, tạo điều kiện tăng thu nhập và hạn chế phát sinh chi phí dự phòng rủi ro. Kết quả thu hồi khoản phải thu quá hạn trong hoạt động đầu tư đạt 16,5 tỷ đồng. Thanh lý các tài sản đã nhận cấn trừ nợ, thu hồi được 539 tỷ đồng.

Năm 2016, là năm đầu tiên của giai đoạn tái cơ cấu đối với ngân hàng sau sáp nhập. Do ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Sacombank chưa được diễn ra, vì vậy, hoạt động của Sacombank trong năm qua chủ yếu dựa vào các chỉ đạo thường xuyên của HĐQT phù hợp với tình hình thực tế theo từng thời điểm.


Nguồn: Sacombank.

Nguồn: Sacombank.

Nhìn lại năm 2016, có 3 vấn đề còn tồn đọng của ngân hàng trong năm qua, đặc biệt là sau thương vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank).

Thứ nhất, việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank tuy đem lại lợi ích về lâu dài, nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại (tỷ trọng tài sản có sinh lời giảm, nợ xấu gia tăng, chỉ số NIM bị thu hẹp...), hiện Sacombank vẫn đang nỗ lực tập trung giải quyết để tăng thu nhập, nguồn vốn, cải thiện hệ số an toàn;

Thứ hai, mặc dù công tác tái cấu trúc mạng lưới đã triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng mức độ còn khá chậm do một số yếu tố chủ quan cũng như khách quan trong quá trình chờ sự phê duyệt của NHNN. Vì vậy, giảm tính cạnh tranh và tiến độ tăng trưởng, mở rộng thị phần tại một số địa bàn.

Thứ ba, thông tin công bố chậm do chờ sự phê duyệt Đề án sau tái cấu trúc ảnh hưởng đến việc đánh giá của các định chế tài chính nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Khả năng phát triển và mở rộng các nguồn vốn tài trợ, ủy thác không cao, làm giảm tính đa dạng của nguồn vốn.

Nguồn: Sacombank.
Nguồn: Sacombank.

Sacombank sẽ bắt tay vào việc gì đầu tiên?

Theo ngân hàng, mục tiêu trọng tâm của năm 2017 là thực hiện đề án tái cấu trúc 2016 - 2025. Trong đó, giải quyết nhanh nợ xấu/tài sản tồn đọng, trong vòng 3 năm phải giải quyết căn bản từ 65% - 75% nợ xấu/tài sản tồn đọng mà Sacombank đã và sẽ bán cho VAMC.

Bên cạnh đó là việc cơ cấu và lành mạnh hóa tình hình tài chính, đảm bảo trong vòng 3 năm đầu tiên sau khi sáp nhập phải đưa thu lãi thuần quay trở về mức như trước khi sáp nhập, nhằm tạo ra nguồn lợi nhuận đủ để đáp ứng cho quá trình tích tụ tài chính, từ đó xử lý dần các tài sản tồn đọng đã bị suy giảm giá trị/không còn khả năng thu hồi.

Sacombank cho hay, mặc dù có nền tảng tích cực từ ngân hàng, nhưng công tác quản trị còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Sau sáp nhập, cần tiến hành công tác tái cấu trúc mạng lưới hoạt động cho hợp lý, tránh những điểm trùng nhau trên từng địa bàn. Đến nay, về cơ bản đã thực hiện hoàn tất việc tái bố trí, tuy nhiên, công tác phát triển kinh doanh cần có thời gian để tăng thị phần.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa có sự đồng đều giữa các đơn vị sau sáp nhập. Qua hơn một năm, mặt bằng chuyên môn đã được nâng cao và nhân sự mới đã hội nhập khá tốt vào văn hóa kinh doanh Sacombank. Mặc dù vậy, quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang diễn ra liên tục không phải chỉ khi sáp nhập mà tồn tại trong suốt quá trình phát triển của ngân hàng.

Tồn tại tài chính, trọng tâm được ưu tiên xử lý hàng đầu trong quá trình hậu sáp nhập là những vấn đề như tỷ lệ tài sản có không sinh lời, nợ xấu cao.

Quy mô hoạt động ngày càng mở rộng cả về bề rộng lẫn bề sâu đòi hỏi sự tăng cường về năng lực tài chính, về hệ thống kiểm tra kiểm soát.

Theo đó, trong năm 2017, Sacombank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, tăng 276% so với năm 2016. Tổng tài sản dự kiến tăng 16%, tổng huy động vốn tăng 17%, dư nợ tín dụng tăng 19%.

Cổ phiếu STB

Cổ phiếu STB giao dịch quanh mệnh giá trong năm 2016, mức biến động thấp nhất là 7.500 đồng/CP và cao nhất là 12.600 đồng/CP. Thanh khoản bình quân 1 triệu CP/phiên, nằm trong nhóm những cổ phiếu có thanh khoản tốt trên thị trường.

Giá cổ phiếu STB đã phản ánh những khó khăn mà ngân hàng đối diện sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, Sacombank vẫn đang nỗ lực để xử lý các tồn tại tài chính thông qua sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Bên cạnh đó, các giá trị cộng hưởng từ việc sáp nhập cũng đang dần phát huy, góp phần duy trì vị trí vững chắc của Sacombank trong nhóm 5 NHTM có quy mô lớn nhất Việt Nam. Khi các khó khăn dần qua đi, tiềm năng tăng trưởng của Sacombank được kỳ vọng sẽ sáng tươi hơn. Nhà đầu tư theo đó cũng sẽ có cái nhìn tích cực với cổ phiếu của STB.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên