MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những khó khăn nào thời kỳ "hậu" ngân hàng 0 đồng?

03-04-2017 - 15:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo NHNN, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro...

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Theo NHNN, sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD cũng như sau khi có VAMC ra đời, đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế như nợ xấu có xu hướng tăng về quy mô. Nợ xấu nội bảng của các TCTD là chưa đến 4% nhưng nếu tính tổng cộng cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.

Trong số các hạn chế có liên quan đến nhóm ngân hàng 0 đồng mà NHNN đã mua lại bắt buộc để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD. Theo NHNN, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.

NHNN cho biết, những khó khăn về cơ chế cụ thể như quy định về thẩm quyền của NHNN khi xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ. Dù Luật các TCTD 2010 đã có quy định cụ thể về việc NHNN có quyền trực tiếp mua cổ phần bắt buộc và giao Thủ tướng Chính phủ quy định tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quy định này còn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, dẫn đến khó khăn lớn cho NHNN triển khai thực hiện. Ngoài ra, luật còn chưa có quy định trao quyền cho NHNN thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với TCTD yếu kém không có khả năng phục hồi.

Thứ hai, tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém còn hết sức khó khăn do chưa có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù của tổ chức tín dụng yếu kém.

NHNN chỉ ra những yếu kém căn bản chưa được giải quyết hiệu quả đối với các ngân hàng thương mại yếu kém đã được mua bắt buộc, như: Quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này hiện rất lớn. Việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó khăn, chưa đạt được kết quả đáng kể. Nguyên nhân của tồn tại này do nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là do chưa có khuôn khổ pháp lý về các biện pháp phục hồi, củng cố hoạt động đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.

NHNN cũng chỉ ra rằng, các TCTD yếu kém nói chung và các ngân hàng mua bắt buộc nói riêng không thể đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động và không đủ điều kiện đáp ứng về giới hạn cấp tín dụng, điều kiện huy động vốn, ... để triển khai một số hoạt động kinh doanh như một TCTD bình thường do thực trạng tài chính yếu kém. Tuy nhiên, hiện nay, Luật các TCTD 2010 chưa có các quy định cụ thể về điều chỉnh hoạt động kinh doanh của TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt, nên việc triển khai các biện pháp phục hồi gặp nhiều khó khăn; chưa có điều chỉnh quan hệ cho vay, gửi tiền, mua bán nợ... giữa TCTD bị kiểm soát đặc biệt với TCTD khác, do vậy, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ từ các TCTD khác cho TCTD bị kiểm soát đặc biệt còn hạn chế.

Việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay, theo NHNN đánh giá, là một trong những nội dung quan trọng đảm bảo khả năng phục hồi của các ngân hàng mua bắt buộc. Nhưng thực tế thời gian qua, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các ngân hàng mua bắt buộc là hết sức khó khăn, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngọc Toàn

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên