MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những khoản đầu tư đen đủi nhất năm con khỉ

Vàng cám hóa đồng thau là cụm từ có lẽ là sát nhất để mô tả những cổ phiếu khiến nhà đầu tư gặp xui xẻo hết sức trong năm 2016. Khi cổ phiếu đang bình thường, thông tin tốt liên tục đến với nhà đầu tư và tạo cho nhà đầu tư mộng tưởng và rồi vỡ lẽ cùng thua lỗ nặng nề.

Năm Bính Thân đang đi qua những ngày cuối cùng, và dân đầu tư chứng khoán cũng đã chốt sổ đầu tư năm cũ để chuẩn bị hành trang cho năm mới. Bài viết này chúng tôi điểm lại những khoản đầu tư đen đủi nhất năm con khỉ với mong muốn rằng, những gì đen đủi nhất đã đi qua, năm mới, nhà đầu tư đừng gặp phải những cổ phiếu “cướp” đi hàng nghìn tỷ đồng của mình như các cổ phiếu này.

Con voi chui lọt lỗ kim MTM

Dù có nhiều thông tin mâu thuẫn liên quan đến hồ sơ thành lập, điều đáng ngạc nhiên là “con voi MTM” vẫn có thể chui qua “chiếc lỗ kim” để đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM. Ngay khi lên sàn, cổ phiếu này tăng tới 40% chỉ trong ít ngày. Nhưng, nhà đầu tư chưa kịp hả hê thì cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung bắt đầu bước vào quá trình lao dốc không phanh.

Con voi với chiếc đuôi chuột lộ nguyên hình sau khi giá cổ phiếu đã chỉ còn 75% giá trị. Địa chỉ của doanh nghiệp này là quán bò né, HĐQT có người chỉ học hết cấp 3, lãnh đạo chưa từng có kinh nghiệm về kinh doanh khai khoáng…là những thông tin được nhà đầu tư “bóc mẽ” sau đó.

Đen đủi ở chỗ, các quy định để đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UpCOM thông thoáng đến mức khiến người ta giật mình. Tiền của nhà đầu tư không cánh mà bay còn cơ quan chức năng liên quan cho rằng mình làm đúng trong quy trình thủ tục.

Lời nói dối lịch sử của Gỗ Trường Thành

Ngày 18/07/2016 là ngày tươi sáng cuối cùng của cổ phiếu TTF khi giá cổ phiếu tăng lên đến 43.600 đồng – mức đỉnh lịch sử. Ngay hôm sau, Tập đoàn Vingroup (VIC) danh tiếng đã phát ra thông tin cho hay công ty thành viên của tập đoàn này là CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát vừa có quyết định tạm dừng việc chuyển đổi khoản vay trị giá 1.202 tỷ đồng tại Gỗ Trường Thành do phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin, số liệu đã được TTF công bố.

TTF lập tức giảm sàn.

Những con số trên báo cáo tài chính thay đổi chóng mặt sau đó. Những gian dối lịch sử của Trường Thành với cổ đông của mình được lật tẩy, lợi nhuận “ảo” cũng bị đưa dần ra ánh sáng. Từ doanh nghiệp tên tuổi lớn, kinh doanh bài bản, Trường Thành chỉ còn lại là xác ve trong mắt nhà đầu tư.

Điều quan trọng với nhà đầu tư đã từng đặt niềm tin vào Trường Thành là ai sẽ giúp họ lấy lại các khoản tiền đã bị TTF cướp đi trong chuỗi giảm sàn từng đạt “vương miện” dài nhất lịch sử thị trường chứng khoán?

Cổ đông ATA bị “mất cắp” hàng tồn kho

Đường đường là một công ty đang niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam, HoSE, nhưng 400 tỷ đồng hàng tồn kho đang hiện hữu trên báo cáo tài chính năm 2015 bỗng nhiên bốc hơi trên báo cáo tài chính kiểm toán.

Cổ đông không biết bấu víu vào đâu khi mà trước đây, cổ phiếu ATA có sóng tăng mạnh cũng vì có lượng hàng tồn kho khổng lồ và giá thủy sản lên. Giờ, hàng tồn kho biến mất, cổ phiếu lao dốc không phanh. Cổ đông cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm nhìn tiền cứ ròng rã ra đi.

Có lẽ về sau cũng chẳng ai hiểu nổi sự bốc hơi của con số đó trên báo cáo tài chính bởi lẽ, khi còn niêm yết thì cổ đông đã không thể hiểu nổi khoản tồn kho không có thực này thì đến khi hủy niêm yết, thông tin càng bưng bít.

Từ mức giá “cốc trà đá”/cổ phiếu, cổ phiếu ATA giờ đây chỉ còn ngang giá cọng hành và có lẽ tới đây chỉ còn là số 0 khi mà công ty bị hủy niêm yết trên HoSE.

CDO và chuỗi giảm sàn lịch sử 34 phiên liên tiếp

Dù là lý do gì đi nữa thì nhà đầu tư cũng đã mất trắng cả nghìn tỷ đồng nếu lỡ đặt niềm tin vào cổ phiếu CDO khi doanh nghiệp này công bố phát hành thành công cổ phiếu hồi tháng 10, tháng 11.

Cho đến những ngày sát tết này, cổ phiếu CDO vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi dù đã giảm sàn 34 phiên liên tiếp.

Tin đồn, margin là những lý do xuất hiện trong bản giải trình công ty nộp lên sở ban ngành những ngày cận tết. Nhưng, có lẽ, chẳng nhà đầu tư nào trong cơn khủng hoảng CDO quan tâm xem lý do thực sự của việc giảm này là gì nữa. Họ chỉ cố gắng vùng vẫy mong thoát khỏi chuỗi ngày đen tối nhất lịch sử đầu tư của họ mà thôi.

Khốn khổ vì margin

Đằng sau những khoản đầu tư đen đủi vào các cổ phiếu như TNT (CTCP Tài Nguyên); KVC (Inox Kim Vĩ); BII (Bảo Thư); HQC (Hoàng Quân) khi những cổ phiếu này lao dốc không phanh là bóng hình của margin.

Nhiều nhà đầu tư quá lạm dụng vào nguồn vốn công ty chứng khoán cấp margin và ngậm trái đắng khi chuỗi giảm của cổ phiếu không ngừng.

Sự hoảng loạn trong cơn bán tháo khiến cổ phiếu đã giảm sâu lại không có cửa sáng bởi nhà đầu tư khác khi nhìn lệnh bán sàn chất đống không dám mua bắt đáy.

Nhà đầu tư chắc không thể quên phiên giao dịch lịch sử của HQC khi 20% vốn điều lệ của công ty bị đem ra bán sàn và đến khi mức giảm đã quá khủng khiếp cho bất kỳ ai nắm giữ cổ phiếu HQC trước đó hoảng loạn thì dòng tiền đột ngột quay ngoắt mua. Nhưng, cú hồi phục mạnh mẽ như tiên đoán của nhiều người đã không xảy ra.

Vì có quá nhiều biến cố xảy ra trên thị trường chứng khoán năm 2016 nên có lẽ nhà đầu tư đã sớm quên cổ phiếu BCG của Bamboo Capital từng có mức giá 2x hồi đầu năm 2016. Giờ, cổ phiếu BCG chỉ còn loanh quanh 5.000 đồng/cổ phiếu.

Hay như cổ phiếu KSH của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển KSH. Tăng sốc hơn 1 gấp đôi trong thời gian ngắn và giảm cũng sâu nhanh không kém gì lúc tăng khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.

Vàng cám hóa đồng thau là cụm từ có lẽ là sát nhất để mô tả những cổ phiếu khiến nhà đầu tư gặp xui xẻo hết sức trong năm 2016. Khi cổ phiếu đang bình thường, thông tin tốt liên tục đến với nhà đầu tư và tạo cho nhà đầu tư mộng tưởng được sở hữu vàng cám. Rồi thì, biến cố xảy ra, mọi thứ thay đổi chóng mặt và nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên