MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những kinh nghiệm đắt giá từ phiên “đánh cược Brexit”

Sau phiên giao dịch "đánh cược Brexit", nhiều người đã rất hối tiếc vì sao không mua khi giảm sâu, vì sao không bán sớm hơn, vì sao không chuẩn bị tiền sớm....Dưới đây là những kinh nghiệm để lần sau bạn không còn phải tiếc nuối.

Phiên giao dịch 24/6 kết thúc với việc VnIndex giảm 11,5 điểm, hồi phục mạnh so với mức giảm lên đến 34 điểm trong phiên. Những bài học nào nên được rút ra cho phiên giao dịch "đánh cược Brexit"?

1. Bạn không hề bị động, đừng hành xử như thể Brexit từ trên trời rơi xuống đúng đầu bạn và bạn giật mình bỏ chạy.

Thực vậy, Brexit không phải chuyện xảy ra ngày 24/6, mọi người đã biết nó từ mấy tháng nay thông qua các phương tiện truyền thông. Nhiều bài viết sắc nét về sự kiện này và những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, thế giới đều đã được đưa ra trong hàng tháng trời.

Anh quyết định rời khỏi EU và cũng có thể ở lại. Đây là kịch bản có thể xảy ra cũng như thể bạn chơi trò úp, lật đồng xu vậy. Ít nhất xác suất cũng là 50-50 cho đến khi có kết quả cuối cùng vào chiều 24/6/2016. Nói như thế để nói rằng, bạn đã biết có khả năng Anh sẽ rời EU sau kết quả kiểm phiếu thì bạn cũng đã phải tính đến các phương án đầu tư cho mình. Cách gì thì cách, bạn có thể hành động đúng hay sai, có thể có lãi, có thể bị lỗ. Nhưng, đừng đổ vấy lên thị trường rằng Brexit cướp đi khoản tiền bạn dành dụm.

Bài học ở đây là gì? Là khi một sự kiện có thể tác động lớn đến nền kinh tế và bạn biết có khả năng nó ảnh hưởng đến bạn thì cần đặt ra cho mình hàng loạt giả thiết và hành động.

2. Nếu định mua vào, bạn cần chuẩn bị tiền từ trước sự kiện

Một nhà đầu tư chia sẻ với chúng tôi sau phiên "đánh cược Brexit" rằng: "Tiếc quá, nay tôi định mua vào mà không kịp chuyển tiền".

Nhìn vào thành quả của những người mua được cổ phiếu vào lúc thị trường giảm sâu và hồi phục cả chục phần trăm trong một phiên thì ai chẳng tiếc. Ai chẳng mong rằng mình có kiến thức, kỹ năng hay may mắn tột cùng và kịp mua, quyết định mua lúc đó.

Điều quan trọng là, Brexit bạn đã biết và nếu định mua, bạn phải chuẩn bị sẵn các phương án hành động để không bị lỡ "tàu". Không thể để đến khi VnIndex rơi 34 điểm và bạn thấy rẻ mới bắt đầu vội vàng huy động tiền, chuyển tiền vào tài khoản, đặt lệnh được. Có thể Internet Banking gặp lỗi, có thể mạng mẽo gặp vấn đề và bạn không kịp đặt lệnh, có thể môi giới của bạn quá bận rộn và không kịp nghe máy...Bạn hãy chuẩn bị kỹ càng, nhất là tiền, nếu định mua vào cổ phiếu.

3. Nếu định bán cổ phiếu đi tránh bão Brexit, đừng chờ đến khi thị trường giảm sâu và lệnh mua trắng toát màn hình mới vội vàng chất lệnh

Điều này hết sức quan trọng. Khi bão đến thì không ai kịp làm gì đâu. Đã được nghe "dự báo thời tiết" cả mấy tháng ròng thì đừng để đến khi bão đến mới chạy, có thể, bạn sẽ không kịp chạy.

Đối với chứng khoán, người sử dụng margin càng cần phải chú ý kỹ điều này. Một khi sự kiện lớn tác động sâu rộng đến nền kinh tế trong và ngoài nước xảy ra thì sẽ có nhiều biến cố bất thường. Trường hợp xấu nhất, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, không bán được dù bạn nỗ lực. Tài khoản của bạn có thể bị call margin ngày hôm sau đó. Vì thế, nếu tính chuyện bán ra tránh bão, nên bán sớm hơn.

4. Nếu định mua cổ phiếu, hãy nghiên cứu từ trước để có thể hành động nhanh nhất

Ví dụ như trường hợp phiên "đánh cược Brexit", thị trường chứng khoán đã giảm rất sâu, đến tận 34 điểm. Lúc này có thể cổ phiếu mới về ngưỡng giá kích thích lòng tham của bạn khiến bạn dốc tiền vào thị trường.

Nhưng, khi sự kiện xảy ra, thị trường thường biến động rất nhanh. Nếu đến lúc đó bạn mới ngồi nghĩ xem nên mua con gì, vì sao...thì có thể không còn kịp nữa. Định mua, bạn hãy lên list sẵn cho mình những cổ phiếu yêu thích, khi sự kiện diễn ra và cổ phiếu về mức giá bạn mong muốn, việc của bạn chỉ còn là đặt lệnh.

5. Nếu giỏi phân tích sâu, bạn phải tận dụng nó từ đầu

Thực tế là khi một sự kiện nóng xảy ra thì sẽ có rất nhiều yếu tố tác động đa chiều vào thị trường chứng khoán. Đôi khi Brexit chỉ là cái cớ chốt lãi, đôi khi Brexit chỉ là công cụ để các "big boys" rung lắc nhà đầu tư hành động vội vàng...

Đối diện với sự kiện lớn, nếu hiểu rõ ràng rằng Brexit là gì, tác động ra sao đến Việt Nam, tác động ra sao đến thị trường chứng khoán...thì bạn có thể phần nào "đo" được mức giảm điểm nào là phù hợp khi kịch bản nọ/ kịch bản kia xảy ra. Một khi hiểu rõ, đo được tương đối các yếu tố, bạn sẽ không phải chạy theo đám đông để mua hay vội vàng bán tháo. Yếu tố tâm lý không tác động nhiều đến hành động đã tính toán trước của bạn.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên