MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những nội dung đáng chú ý trong Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2

22-07-2017 - 13:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ vừa ra Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (trong bài này gọi tắt là Quyết định).

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Quyết định này có một số nội dung quan trọng, đáng chú ý như sau.

Thứ nhất, Quyết định quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II.

Với quy định trên, trong vòng mấy năm tới đây có lẽ sẽ hiếm khi còn tình trạng Bộ Tài chính “đòi” các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước phải chia cổ tức như đã từng xảy ra vừa qua, mặc dù đã không nhận được sự đồng thuận từ các ngân hàng này với giải trình rằng họ cần bổ sung vốn từ lợi nhuận kinh doanh để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu cao hơn. Tất nhiên là các ngân hàng thương mại này cũng có thể tiếp tục chia cổ tức cho cổ đông Nhà nước nếu họ “ăn nên làm ra”, lợi nhuận thu được vượt mức cần có để bổ sung vốn theo phương án được phê duyệt, nhưng điều này là không chắc chắn, tùy thuộc điều kiện thị trường.

Thứ hai, Quyết định quy định Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách trung ương, địa phương và nợ xấu từ hoạt động cho vay theo chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng, khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Như vậy, Quyết định đã chính thức công nhận trách nhiệm của Nhà nước trong việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến điểm này cần được hiểu theo (và cần nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội) rằng nợ xấu do ai/tổ chức nào tạo ra thì người/tổ chức đó chịu trách nhiệm, và Nhà nước sẽ phải/chỉ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu nếu nợ xấu phát sinh bởi chính quyền.

Thứ ba, Bộ Tài chính cũng được giao trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp.

Theo quy định này, có thể thấy việc xử lý nợ xấu sẽ được thúc đẩy nhanh hơn và hiệu quả hơn khi Chính phủ đã mở ra một kênh xử lý mới, bên cạnh các kênh xử lý nợ xấu truyền thống như bán tài sản thế chấp, hoán đổi vốn cho vay thành cổ phần, trích lập và dùng dự phòng để xử lý… Tuy việc xử lý nợ xấu qua kênh chứng khoán hóa này là mới mẻ, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam nhưng nó đã chứng tỏ tính hữu hiệu ở nhiều nước, mà điển hình mới đây là Ý nơi mà nợ xấu của một số ngân hàng yếu kém được chứng khoán hóa và chào bán ra thị trường với sự bảo lãnh phát hành của Chính phủ.

Thứ tư, Công an được quy định phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng và VAMC, đảm bảo an ninh trật tự trong việc thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ. Như vậy, một trong những điểm nghẽn của việc xử lý nợ xấu mà cụ thể là sự chây ì, chống đối của người có tài sản đảm bảo đã chính thức được khai thông nhờ sự can thiệp của chính quyền.

Thứ năm, Bộ Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến đăng ký điện tử về đất đai, trong đó có đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xây dựng quy định và chỉ đạo thực hiện lộ trình cập nhật và công khai thông tin các giao dịch về quyền sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan tài nguyên và môi trường để các bên liên quan nắm bắt.

Nếu được thực hiện, quy định trên sẽ hạn chế những hành vi gian lận, phạm pháp điển hình liên quan đến thế chấp bất động sản và đất đai trong thời gian qua vốn là một trong những căn nguyên phát sinh nợ xấu. Ví dụ về những hành vi này có thể là cùng một mảnh đất hoặc bất động sản nhưng được thế chấp tại nhiều ngân hàng.

Quy định này còn có tác dụng trong những trường hợp ví dụ nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua bất động sản hình thành trong tương lai khi chủ đầu tư đem thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng nhưng vẫn tiến hành bán cho khách mà không cho biết tình hình thế chấp (và khách mua tiềm năng cũng không có cách gì để kiểm tra được tình trạng thế chấp này), dẫn đến rủi ro lớn cho khách mua trong tương lai khi chủ đầu tư không trả nợ cho ngân hàng. Hậu quả khác là làm nảy sinh tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng mua bất động sản sau này; trong trường hợp này ngân hàng cho vay chủ đầu tư có khả năng phải ôm một khoản nợ xấu vì tài sản thế chấp là dự án bất động sản đang có tranh chấp.

TS.Phan Minh Ngọc

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên